Chương trình “Hoa nghị lực – Ngát đam mê” không chỉ giúp học sinh tiểu học hiểu và yêu nhạc cụ dân tộc mà còn truyền cho các em nghị lực sống, biết đồng cảm, sẻ chia với những mảnh đời khó khăn, bất hạnh.
Các em học sinh Trường Tiểu học Hồ Thị Kỷ thưởng thức chương trình “Hoa nghị lực – Ngát đam mê”
Vừa qua, học sinh Trường Tiểu học Hồ Thị Kỷ (Q.10) đã được tham dự chương trình “Hoa nghị lực – Ngát đam mê” do nhà trường phối hợp với Nhà thiếu nhi quận 10 tổ chức.
Tại đây, các em học sinh rất hào hứng khi được lắng nghe nghệ sĩ Vân Anh cùng các nghệ sĩ hòa tấu những giai điệu âm nhạc dân tộc dành cho lứa tuổi thiếu nhi như: Lý cây xanh, lý cây bông… cùng những điệu múa dân gian đặc sắc. Bên cạnh đó, các em còn được nghe giới thiệu sơ lược từng nhạc cụ dân tộc như: Đàn bầu, đàn T’rưng, đàn tranh, đàn tứ… và trả lời những câu hỏi liên qua đến các nhạc cụ để nhận quà.
Khác với những chương trình âm nhạc dân tộc học đường khác “Hoa nghị lực – Ngát đam mê” còn có sự xuất hiện của những nghệ sĩ khuyết tật bẩm sinh trong nhóm “KT Band”. Thông qua chương trình này, các em học sinh không chỉ biết về nhạc cụ dân tộc từ đó ươm mầm đam mê, năng khiếu mà còn được truyền cảm hứng từ các “nghệ sĩ” khuyết tật.
Các nghệ sĩ khuyết tật giao lưu cùng học sinh
Nghệ sĩ Vân Anh (phụ trách nhóm nhạc) chia sẻ: “Các nghệ sĩ khuyết tật trong nhóm rất nghị lực. Dù không nhìn thấy các em học sinh nhưng có thể giao lưu với các em qua các bài hát, tiết mục hòa tấu nhạc cụ, bản thân tôi luôn muốn lan tỏa nhạc cụ dân tộc. Chỉ cần có chủ trương, sự đồng hành thì tôi sẵn sàng cùng các em khuyết tật trong nhóm đi giới thiệu, biểu diễn. Không chỉ tại TP.HCM, tôi muốn mang giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương đi khắp Việt Nam và cả thế giới”.
Thầy Vũ Trọng Khánh (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồ Thị Kỷ, Q.10) cho biết, nhiều năm qua nhà trường rất chú trọng phát triển âm nhạc trong học đường. Để các em có cơ hội tìm hiểu và đam mê nhạc cụ dân tộc, nhà trường còn xây dựng phòng trưng bày các loại nhạc cụ dân tộc và phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tổ chức các chương trình giao lưu, biểu diễn cho các em thưởng thức.
“Trong các chương trình, “Hoa nghị lực – Ngát đam mê” là chương trình ý nghĩa vì không chỉ giới thiệu, biểu diễn nhạc cụ mà còn giáo dục các em về tình yêu thương, biết sẽ chia, đồng cảm với những người khuyết tật. Đặc biệt, sau mỗi chương trình biểu diễn, nghệ sĩ Vân Anh còn dành tặng 10 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cho các em có đam mê với nhạc cụ dân tộc, đồng thời giảm 30% học phí khóa học hè cho những em đăng ký tham gia”, thầy Khánh chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiếu (Phó Giám đốc Nhà thiếu nhi quận 10) mong muốn, thông qua mỗi chương trình, các em học sinh sẽ làm đại sứ tuyên truyền và chính các em cũng là nguồn nhân lực để lan toả nhạc cụ dân tộc. “Nhà Thiếu nhi quận 10 cũng đang hướng đến việc thành lập CLB nhạc cụ dân tộc để phục vụ các em học sinh trên địa bàn”, bà Hiếu nói.
Trên địa bàn quận 10 có gần 30 trường tiểu học, THCS trong hệ thống công lập. Dự kiến đến cuối năm 2023, quận 10 sẽ hoàn thành đề án giới thiệu nhạc cụ dân tộc trên địa bàn.
Hồ Trinh
Bình luận (0)