Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục hội nhập quốc tế

Tạp Chí Giáo Dục

Lâu nay mỗi khi nói về giáo dục, rất nhiều người hay phê phán, giáo dục Việt Nam chẳng giống ai, riêng mình một chiếu, một mình một chợ… Vì thế trước bối cảnh mới, Nghị quyết 29 của Đảng yêu cầu giáo dục phải “chủ động hội nhập quốc tế”.

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, chương trình Ngữ văn mới được xây dựng theo hướng mở để hội nhập với thế giới. Trong ảnh: Học sinh THCS trong tiết học môn ngữ văn. Ảnh: Y.Hoa

1. Hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập về chương trình giáo dục phổ thông là cần và hoàn toàn đúng hướng. Khi thiết kế chương trình Ngữ văn, chúng tôi đã xem xét và cập nhật khá nhiều chương trình đổi mới, nhất là của một số nước phát triển. Một trong những điểm nổi bật là cần thiết kế chương trình theo hướng mở. Chương trình mở là chương trình chỉ quy định một số chuẩn cần đạt thiết yếu (đầu ra – output). Từ chuẩn đầu ra này mà tác giả sách giáo khoa (SGK) và giáo viên (GV) sẽ biết phải lựa chọn những nội dung gì (đầu vào – input) để biên soạn SGK, để dạy học nhằm đạt được chuẩn ấy. Với chương trình Ngữ văn, không quy định các tác phẩm bắt buộc; để mở cho tác giả SGK và GV tự chọn, miễn là đáp ứng được yêu cầu cần đạt của chương trình.

Có thể thấy, chương trình của Hàn Quốc (2015) không quy định gì về văn bản tác phẩm cần dạy mà chỉ nêu định hướng chung như: “Tác phẩm văn học Hàn có vị trí chủ chốt mang tính lịch sử văn học”, “Tác phẩm thơ ca cổ có độ dài thích hợp với trình độ của học sinh”. Bên cạnh đó, chương trình của Anh (2014) cũng không quy định cụ thể về các tác phẩm cần học trong nhà trường, đến cuối cấp THCS cũng chỉ quy định “đọc một phạm vi rộng các tác phẩm hư cấu và không hư cấu gồm các cuốn sách, truyện ngắn, thơ và kịch ở các thể loại, các thời kỳ lịch sử với các tác giả, tác phẩm có chất lượng của văn học Anh từ trước tới năm 1914 và văn học đương đại bao gồm văn xuôi, thơ, kịch; hai vở của Secxpia (Shakespeare) và tinh hoa văn học thế giới”. Chương trình của Hoa Kỳ hầu hết các bang dựa vào chuẩn chung cốt lõi do liên bang ban hành (2010) cũng chỉ nêu chuẩn chung kèm theo một phụ lục gợi ý các tác phẩm để tác giả SGK và GV tự chọn. Còn chương trình của Pháp (2010) cũng không quy định bất cứ tác phẩm cụ thể nào cho từng lớp, chẳng hạn ở lớp 10 và 11 khi học về tiểu thuyết hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên thế kỷ 19 chỉ ghi: “Một tiểu thuyết hoặc một tập truyện của thế kỷ 19, giáo viên tự chọn” hoặc khi học kịch, chỉ ghi: “Une tragédie ou une comédie classique, au choix du professeur” (một vở bi kịch hoặc hài kịch cổ điển, theo sự lựa chọn của giáo viên). Chương trình của Úc hiện hành (2015) cũng không quy định gì về các tác phẩm cụ thể cần dạy mà chỉ nêu lên yêu cầu cần đạt về năng lực văn học; ví dụ: “So sánh và đánh giá được cách thể hiện của cá nhân hoặc nhóm tác giả trong bối cảnh văn hóa, xã hội khác nhau”.

Tôi có thể dẫn ra nhiều hơn, nhưng chỉ chừng ấy đủ thấy việc không quy định bắt buộc các tác phẩm cần dạy trong chương trình môn Ngữ văn là một xu thế quốc tế.

2. Dự thảo chương trình Ngữ văn mới ban đầu nêu lên 6 tác phẩm bắt buộc và một số tác phẩm bắt buộc lựa chọn. Theo đó, 6 tác phẩm bắt buộc, gồm: Nam quốc sơn hà (thời Lý) Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh. Tác phẩm bắt buộc lựa chọn như sau: Về văn học dân gian Việt Nam, chọn ít nhất 4 tác phẩm đại diện cho 4 thể loại trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam là truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười; chọn ít nhất 3 bài ca dao về các chủ đề: quê hương đất nước; tình yêu, tình cảm gia đình, con người và xã hội (trữ tình hoặc trào phúng); chọn ít nhất 1 sử thi Việt Nam; chọn ít nhất 1 truyện thơ của các dân tộc ít người Việt Nam; chọn ít nhất 1 kịch bản chèo hoặc tuồng. Đối với Văn học viết Việt Nam, chọn ít nhất 1 tác phẩm của mỗi tác giả sau đây: Thơ Nôm, văn nghị luận của Nguyễn Trãi, thơ chữ Hán của Nguyễn Du, thơ Nôm của Hồ Xuân Hương, thơ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu, thơ Nôm của Nguyễn Khuyến, truyện và thơ của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, truyện ngắn – tiểu thuyết của Nam Cao, tiểu thuyết – phóng sự của Vũ Trọng Phụng, thơ của Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám, Thơ của Tố Hữu trước và sau Cách mạng tháng Tám, truyện ngắn – ký của Nguyễn Tuân, kịch của Nguyễn Huy Tưởng, kịch của Lưu Quang Vũ. Văn học nước ngoài, chọn ít nhất 1 tác phẩm cho mỗi nền văn học sau đây: Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Hy Lạp, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ.

Tại sao phải xây dựng chương trình mở? Trước hết là do tri thức của nhân loại tăng lên rất nhanh, cuộc sống biến động liên tục, khôn lường, nay là mới mà mai đã lạc hậu rồi, vì thế không thể khép kín, đóng chặt cánh cửa nhà trường. Chương trình phải vừa bảo đảm nền tảng học vấn cốt lõi vừa luôn mềm dẻo, linh hoạt đáp ứng và phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn. Thứ hai, phải mở mới tạo điều kiện cho các tác giả SGK và GV giỏi phát huy quyền tự chủ, sáng tạo, mới có thể đa dạng hóa các nguồn thông tin trong dạy học. Thứ ba, chúng ta đang hướng tới thực hiện chủ trương một chương trình nhiều SGK theo Nghị quyết 88 của Quốc hội và cũng là xu thế của nhiều nước tiên tiến. Muốn có nhiều SGK thì chương trình phải xây dựng theo hướng mở. Nếu chương trình đóng, quy định quá chi tiết đến từng bài, từng tác phẩm phải dạy cho từng lớp, từng tuần… thì không thể có nhiều SGK. Khi đó các SGK đều na ná giống nhau, rất khó khác nhau; vì sách nào cũng buộc phải viết về cùng một tác phẩm, cùng trích đoạn như nhau. Hai bộ sách Ngữ văn THPT cơ bản và nâng cao vừa qua là một ví dụ cho thấy sự vô nghĩa này. Quyết định 404 của Chính phủ ghi rõ: “Chương trình mới phải không quá chi tiết để căn cứ vào chương trình biên soạn được nhiều SGK”. Hơn nữa xây dựng chương trình mở là xu thế quốc tế cần tham khảo, học hỏi để hội nhập.

Trong bối cảnh đất nước đang dần hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, GD-ĐT không thể đứng yên một chỗ, phớt lờ kinh nghiệm quốc tế. Tuy nhiên, bằng cách nào để hội nhập mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc; không bị hòa tan vào dòng chảy nhạt nhòa, đó mới là bài toán khó và rất cần nhiều ý kiến đóng góp cụ thể.

3. Nhiều ý kiến lo lắng, nếu mở như thế sẽ rất khó “kiểm soát” và không bảo đảm tính thống nhất giữa các SGK. Sự thực không khó, vì để biên soạn và xuất bản được, SGK phải qua nhiều “lưới lọc”. Trước hết, việc lựa chọn tác phẩm phải tuân thủ các tiêu chí đã quy định ngay trong chương trình môn học. Thứ hai, SGK phải tuân thủ các tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT quy định. Tiếp theo, SGK phải qua biên tập của nhà xuất bản. Cuối cùng, SGK phải được Hội đồng thẩm định quốc gia xem xét, thông qua thì mới có thể được xuất bản. Đó là chưa kể tất cả các SGK đều chịu sự đánh giá, sàng lọc của GV và học sinh trong khi sử dụng. Việc kiểm tra, đánh giá sẽ phải dựa vào các yêu cầu cần đạt nêu trong chương trình mỗi lớp mà ra đề. Ví dụ, để đánh giá năng lực đọc thơ lục bát, đề ra có thể căn cứ vào một bài lục bát bất kỳ tương tự nhưng chưa học để học sinh phân tích và nhận xét, đánh giá. Khi đó có thể học sinh viết được ít và chưa hay, còn mắc lỗi…, nhưng quan trọng đó là suy nghĩ, cảm nhận thực của các em. Dẫu thế vẫn còn hơn cứ học thuộc, rồi chép lại bài văn mẫu hoặc văn lắp ghép từ google. Nếu cứ thế, chúng ta đang góp phần tạo ra những công dân chỉ biết ỷ lại, nói theo; không biết suy nghĩ bằng cái đầu của mình, không có cá tính và không biết xấu hổ khi nói dối… Dạy văn là dạy người, là góp phần giáo dục nhân cách là thế.

Tôi biết rất cần học nước ngoài và cũng biết đừng tưởng thấy Tây Thi cười hay khóc mà mình cũng bắt chước khóc hay cười. Tôi biết GV còn khổ lắm và cũng biết trình độ của GV thế nào, năng lực và phẩm chất của cán bộ quản lý giáo dục ra sao. Tôi biết giáo dục nước mình còn nhiều điều tệ lắm và cũng biết Nhà nước quan tâm đến giáo dục thế nào. Tôi biết từ nói đến làm, từ chủ trương chính sách đến vận dụng thực hiện là… xa lắm. Đặc biệt, tôi biết rất nhiều người không tán thành việc dự thảo chương trình Ngữ văn mới chỉ bắt buộc một số tác phẩm và đề nghị phải quy định hầu hết các tác phẩm bắt buộc. Tôi cũng biết nhiều người trong số đó vẫn hiểu chương trình theo cách cũ; chẳng đọc một văn bản chương trình nào gần đây của nước ngoài, không phân biệt chương trình với SGK, chỉ lõm bõm nghe đâu đó nhưng mà nói rất to, to lắm…

Trong bối cảnh đất nước đang dần hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, GD-ĐT không thể đứng yên một chỗ, phớt lờ kinh nghiệm quốc tế. Tuy nhiên, bằng cách nào để hội nhập mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc; không bị hòa tan vào dòng chảy nhạt nhòa, đó mới là bài toán khó và rất cần nhiều ý kiến đóng góp cụ thể. Xưa nay làm bao giờ cũng khó.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)