Sự tự tin luôn đem lại cho học sinh một nền tảng vững chắc trong việc rèn luyện và tu dưỡng bản thân. Đó cũng là trách nhiệm của giáo viên phải làm sao xây dựng cho học sinh một niềm tin về sự tự tin trong quá trình học tập ở nhà trường.
Theo tác giả, thiếu tự tin là nguyên nhân dẫn đến kết quả học tập không tốt của học sinh. Trong ảnh: Học sinh tham gia một ngày hội khoa học sáng tạo. Ảnh: Y.Hoa
Có thể thấy, quá trình phát triển lòng tự tin bắt đầu manh nha từ lúc đứa trẻ mới cất tiếng khóc chào đời và diễn ra tiếp nối trong suốt cuộc sống về sau của trẻ. Ngay từ khi mới sinh ra cho đến khi trưởng thành của con, cha mẹ nên biết rằng dù đứa con nặng cân hay còi cọc, khỏe mạnh hay ốm yếu, thông minh hay chậm chạp, xinh xắn hay xấu xí và có sao đi nữa thì con vẫn là người đặc biệt và luôn được cha mẹ thương yêu. Điều đó giúp trẻ luôn cảm thấy tự tin. Trẻ hiểu rằng, mỗi người đều đặc biệt theo cách riêng và không cần so sánh bản thân mình với ai cả.
Lòng tự tin của trẻ được phát triển dựa trên các yếu tố như sự trau dồi kỹ năng và trách nhiệm trong cuộc sống. Vì thế, chúng ta cần dạy cho trẻ học từ việc đối mặt với thất bại, biết phân biệt đúng sai sẽ giúp tác động đến lòng tự tin. Nếu trẻ biết rằng ai cũng có thể mắc lỗi, việc mắc lỗi là điều không thể tránh khỏi và học từ những lỗi lầm mà mình mắc phải thì sẽ có lòng tự tin cao hơn những trẻ thường nghĩ rằng mình thật sai lầm khi mắc lỗi. Ở lứa tuổi đến trường, sự thiếu tự tin là nguyên do dẫn đến kết quả học tập không tốt.
Hơn ai hết, cha mẹ hãy biết trân trọng chính bản thân mình, giúp con học những kỹ năng cần thiết để đạt được lòng tự tin một cách tốt hơn. Cha mẹ sao con cái vậy, trẻ thường thiếu tự tin khi cha mẹ thiếu tự tin. Thay vì áp đặt những lý tưởng chưa thực hiện được lên con hoặc ép thay mình hoàn thành những ước mơ bị bỏ dở, cha mẹ nên hiểu rằng, mỗi đứa trẻ đều có ưu điểm riêng, cần khuyến khích con sống với chính mình, phát huy sở trường, khắc phục điểm yếu. Điều tốt nhất cha mẹ nên làm cho con là tin tưởng, lắng nghe và thấu hiểu con, từ đó đưa ra những chỉ dẫn tốt nhất cho tương lai của con. Nếu tình yêu thương của cha mẹ là có điều kiện, ra giá cụ thể như: con phải học giỏi thì cha mẹ mới hài lòng, con phải giành được giải thưởng trong kỳ thi Olympic toán học thì cha mẹ mới vui…, thì lúc này trẻ sẽ dễ hoài nghi chính mình, đánh mất tự tin vào bản thân; đồng thời sẽ cảm thấy tình yêu thương và quan tâm của cha mẹ như một sự trao đổi, mua bán không hơn không kém. Tồi tệ hơn, nếu cha mẹ cứ đặt ra tiêu chuẩn quá cao và thiếu thực tế khi mãi so sánh với “con người ta” thì trẻ sẽ trở nên căng thẳng, lo lắng, suy tính thiệt hơn. Bởi vì, mỗi người đều có ưu điểm riêng và đều cần được tôn trọng, giúp đỡ để phát huy tài năng. Một cậu bé có thể không giỏi toán nhưng có tài lãnh đạo, một cô bé có thể không giỏi văn nhưng vẽ rất đẹp… và tất cả đều được tôn trọng như nhau.
Tóm lại, trẻ em cần được trưởng thành trong sự tôn trọng từ cả gia đình và trường học. Trường học và gia đình phải luôn đề cao “giáo dục cổ vũ” và “giáo dục tôn trọng”. Giáo viên ở trường cần tôn trọng học sinh. Bất kể những câu hỏi của học sinh có ngô nghê đến đâu, giáo viên cũng nên trả lời tận tình, và thường kèm theo những câu nói động viên như: “Đây là một câu hỏi rất thú vị” hay “Em đã hỏi đúng vấn đề quan trọng nhất”… Ngoài ra, giáo viên luôn giúp học sinh cảm thấy thoải mái và can đảm nêu ý kiến. Và hãy luôn cho học sinh thấy, dù các em có giỏi hay chưa, học ngành gì, trường nào, thậm chí dù không vào được ĐH nhưng chỉ cần có phẩm chất tốt và có lý tưởng sống thì nhất định sẽ tìm ra được “bầu trời của riêng mình” trong tương lai.
Khi một đứa trẻ được đánh giá cao, các em sẽ cảm thấy vui vẻ và tự tin hơn. Ngược lại, những đứa trẻ hay bị khiển trách, phê bình sẽ mặc cảm, từ đó mất đi tự tin trong cuộc sống. Quan trọng hơn, một đứa trẻ không được tôn trọng không chỉ mất đi tự tin, mà còn không biết tôn trọng người khác. Đó là hậu quả nhãn tiền mà ắt hẳn sẽ xảy ra.
Lê Thị Tuyền
(Trường THPT Lê Thánh Tôn, Q.7, TP.HCM)
Bình luận (0)