Một câu chuyện nhỏ thôi nhưng dù ra trường đã lâu, khi gặp lại, các em học sinh thường nhắc về tờ giấy làm bài mà tôi quy định như là một kỷ niệm khó quên.
Hồi đó, mỗi khi nhận lớp dạy,tôi thường đưa ra những quy định về việc học bộ môn ngữ văn. Đó là phải đọc trước, soạn bài theo câu hỏi trong sách giáo khoa hoặc những câu hỏi của giáo viên. Kiểm tra 15 phút không báo trước. Kiểm tra một tiết trở lên thì báo trước thời gian thực hiện… Ngoài ra, tôi còn nhắc nhở, khuyến khích các em phát biểu xây dựng bài; phản biện trong quá trình học, thảo luận nhóm. Riêng tờ giấy làm bài kiểm tra, tôi không cho các em sử dụng tờ giấy kiểm tra in sẵn mà quy định cụ thể. Đó là phải sử dụng loại giấy trắng tốt từ loại tập 100 trang, viết không nhòe mực phía sau. Bên cạnh đó, ô điểm và lời phê chừa bảy dòng để giáo viên nhận xét bài làm. Từ “điểm” phải được gạch chân. Cụm từ “Lời phê của Thầy”(chữ “thầy” phải viết hoa) và cũng phải gạch chân đàng hoàng, trang trọng. Không được viết trống không, nửa vời kiểu: “Lời phê” hoặc “Nhận xét”. Tôi thường nói đây là dạng câu thiếu chủ ngữ vì “Lời phê”, “Nhận xét” của ai, phải ghi rõ ràng, cụ thể. Mặt khác, viết như vậy là không tôn trọng người chấm bài.
Chừa lề bằng một phần ba trang giấy: học sinh viết hai phần, còn một phần cho giáo viên sửa lỗi bài làm. Thời gian đầu thực hiện, thỉnh thoảng vẫn còn một số học sinh chưa làm tốt. Tôi đều ghi nhận, nhắc nhở và hướng dẫn các em khắc phục. Cứ thế, sau ba năm (từ lớp 10 đến lớp 12), những học sinh tôi dạy đều có những chuyển biến rõ rệt từ cách nói năng; thưa gửi đều lễ phép, nói có đầu có đuôi, không nói kiểu trống không; luôn tôn trọng thầy cô, nhân viên trong trường…
Việc chấm bài, đối với tôi là công việc yêu thích. Mỗi buổi chấm chừng mười bài. Đọc xong một lượt, tôi đọc kỹ từng đoạn, từng ý xem cách hành văn, cách dùng từ, cách diễn đạt như thế nào để sửa lỗi cho bài làm của các em. Tôi nhận xét rõ ưu điểm, khuyết điểm vào ô “Lời phê của Thầy” để bài sau làm bài tốt hơn.
Mới hay, dạy văn không chỉ dạy về kiến thức sách vở mà còn dạy các em trong những việc làm tưởng chừng “nhỏ nhặt” như quy định tờ giấy làm bài của tôi. Đó là giáo dục các em cách trình bày tờ giấy làm bài một cách cẩn thận, lịch sự; tôn trọng bản thân, tôn trọng người chấm và biết trân trọng công sức làm bài của mình.
Lam Hồng (Sóc Trăng)
Bình luận (0)