Nhằm tạo mọi điều kiện phục vụ tốt nhất cho công tác dạy và học, Nhà nước đã đầu tư rất lớn về cơ sở vật chất cho trường học. Nhiều trường học trở nên khang trang, hiện đại; các trang, thiết bị ngày càng hiện đại, tinh xảo như hệ thống phòng thí nghiệm – thực hành; hệ thống máy chiếu, phòng học vi tính, phòng học ngoại ngữ; bàn ghế, bảng đạt chuẩn…
Vì vậy, giáo dục HS ý thức gìn giữ, bảo vệ tài sản công là nhiệm vụ của mỗi nhà trường. Công việc này đòi hỏi phải làm ngay từ đầu, luôn luôn nhắc nhở, giáo dục HS ý thức bảo vệ của công hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng…
Đặc điểm tâm lý của lứa tuổi HS phổ thông là tuổi đang lớn, hiếu động; thích chạy nhảy, thích thể hiện mình bằng mọi hình thức… Các em thường viết, vẽ, khắc tên, khắc hình ảnh lên bàn học. Dù được nhắc thường xuyên nhưng nhiều khi vẫn không cài chốt khi mở cửa nên bị gió thổi mạnh làm bể cửa kiếng hoặc giỡn nhau, xô đẩy trong nhà vệ sinh, làm gãy, sút cửa… Khi về một trường huyện công tác, tôi sững người khi 4, 5 phòng trong dãy nhà vệ sinh trống hoác, không còn cánh cửa nào! Hỏi ra mới biết do HS nghịch phá, nên dãy phòng này không còn sử dụng được…
Hoặc trong những đợt làm báo tường, các em kê bàn học để trang trí báo; làm đổ cả mực, sơn màu lên cả mặt bàn… Thậm chí, các em còn đứng, ngồi lên bàn học; kéo bàn, xô nhau làm gãy chân bàn, ghế là chuyện thường xảy ra… Mặt bàn làm bằng gỗ dán (ván ép), dù nhắc nhở nhiều nhưng các em vẫn để ly nước đá lên mặt bàn, có thể gây bong tróc…
Trước tình trạng đó, nhà trường lên kế hoạch phối hợp Đoàn trường cùng làm công tác giáo dục các em ý thức bảo vệ, gìn giữ tài sản công để sử dụng được lâu bền.
Giờ chào cờ thứ hai hàng tuần, nhà trường nhắc nhở chung về nhiệm vụ học tập của HS và nhiệm vụ bảo vệ tài sản công của HS. Cũng cần giải thích rõ tiền Nhà nước đầu tư cho trường học là tiền thuế của nhân dân, trong đó có sự đóng góp của mỗi gia đình các em. Bảo vệ tài sản công là bảo vệ tài sản của chính mình; cho hôm nay, cho các thế hệ khác nối tiếp vào học…
Giờ sinh hoạt chủ nhiệm (sinh hoạt lớp) cuối tuần; GV chủ nhiệm có nhiệm vụ kiểm tra tình trạng mặt bàn, ghế; kiểm tra mọi trang thiết bị trong lớp, nếu có hư hao, mất mát phải báo ngay về nhà trường sau buổi sinh hoạt lớp.
Mỗi lớp có một biên bản bàn giao cơ sở vật chất của lớp, cuối học kỳ, cuối năm học có đối chiếu để làm rõ trách nhiệm bảo quản cơ sở vật chất của mỗi lớp. Đã có những trường hợp phải bồi thường như làm bể cửa kiếng (phải thay lại và lớp phải trả chi phí). Các phòng thí nghiệm – thực hành, muốn sử dụng phải báo cáo người phụ trách; có ghi thực trạng, ký nhận và ký giao để dễ truy trách nhiệm về sau khi có sự cố hư hao, mất mát…
Mỗi thành viên của trường, từ BGH đến nhân viên; đều có trách nhiệm nhắc nhở, giáo dục HS khi các em vi phạm việc bảo quản, giữ gìn tài sản công. Mang ghế ra sân ngồi sinh hoạt đầu tuần hoặc xem đấu bóng chuyền, xong phải trả về chỗ cũ, không để bừa bãi, lộn xộn được…
Từ những việc làm thường xuyên, liên tục nên chúng tôi đã tạo thành nền nếp; tạo thành thói quen, ý thức gìn giữ, bảo quản tài sản công…
Nhìn cơ sở vật chất của trường luôn được chung tay gìn giữ, bảo quản tốt; chúng tôi rất phấn khởi, tự hào. Đây là công sức của tập thể đồng lòng; là ý thức cao của HS, là sự làm việc quên mình, thầm lặng của rất nhiều người mới có được thành quả như vậy.
Hồng Lam Sơn (Sóc Trăng)
Bình luận (0)