Trong nhiều chức năng, giáo dục có một chức năng rất quan trọng là “chuẩn bị lớp người thay thế”, mà lớp người mới này được đòi hỏi là có những phẩm chất tốt hơn so với các thế hệ trước, phù hợp hơn với sự vận động của xã hội, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển đất nước, phát triển nhân loại. Nếu không chuẩn bị tốt lớp người đó thì đất nước sẽ khó có thể phát triển, các mục tiêu lớn lao của đất nước sẽ khó thành hiện thực…
Theo tác giả, sự phấn đấu của từng học sinh để giành được nhiều thành tựu vừa mang ý nghĩa cho bản thân vừa cho xã hội (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi
Hằng năm, vào dịp khai giảng năm học mới, Chủ tịch nước đều có thư gửi thầy cô giáo và học sinh nhằm chúc mừng toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh… Trong các thư này, Chủ tịch nước thường khái quát kết quả năm học trước và có những gợi mở, gửi gắm, dặn dò với các chủ thể trong năm học mới. Các thư luôn mang một giá trị biểu tượng, khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục, thông qua dịp khai giảng.
Có lẽ bức thư nổi tiếng nhất, có giá trị bền lâu nhất, mang nhiều xúc cảm nhất, đọng lại trong nhiều thế hệ người Việt Nam nhất chính là thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi học sinh nhân dịp khai giảng năm học mới đầu tiên sau ngày độc lập, tháng 9-1945. Bức thư dài hơn 600 chữ vừa nêu cảm nghĩ về niềm hạnh phúc của bao người trong ngày khai trường, vừa nhắc lại nỗi nhục của nhiều thế hệ người bị mất nước, vừa ghi ơn công lao của đồng bào trong công cuộc giành độc lập, vừa dặn dò học sinh phải nỗ lực học tập để xây dựng nước nhà, đồng thời không quên nhắc nhở thế hệ trẻ phải quan tâm đến tình cảnh hiện tại của đất nước và có những hành động cụ thể để đóng góp cho đất nước. Lời lẽ trong thư giản dị, tình cảm chứa chan, thái độ ân cần…, đã làm lay động lòng người; như với câu sau đây: “Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang”, dù ít được nhắc đến nhưng thực sự là một lời đầy cảm xúc, động viên nhẹ nhàng của một người anh chứ không phải của một vị Chủ tịch nước hay một bậc cha chú.
Giá trị được ghi dấu nhiều nhất trong bức thư có lẽ nằm ở đoạn: “Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Đặc biệt, với câu cuối trong đoạn trích này, lâu nay được trang trọng kẻ lên tường, viết thành khẩu hiệu ở nhiều trường học, được nhiều người nhắc lại, đã thể hiện một tư tưởng lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từng trường học phải tạo nên một môi trường làm hình thành và nảy nở các khát vọng, thay vì chỉ quanh quẩn các vấn đề trước mắt. |
Dịp khai giảng năm học 1945-1946 chỉ diễn ra vài ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Khi ấy, bối cảnh đất nước còn rất bộn bề, nhưng Bác Hồ đã nghĩ ngay đến việc “sánh vai với các cường quốc năm châu” của Việt Nam. Đó có phải là một mong muốn quá xa vời đối với điều kiện nước ta lúc đó không? Thưa rằng không, hoàn toàn không, bởi với một đất nước có hàng ngàn năm văn hiến và đã khẳng định được bản sắc văn hóa độc đáo, một dân tộc kiên cường chống ngoại xâm và có truyền thống ham học, một xã hội khao khát vươn lên sau hơn 80 năm trời mất nước… thì điều đó thực sự là một khát vọng và có nhiều tiền đề để biến nó thành hiện thực. Trong lịch sử, nước ta từng có vị thế không nhỏ ở khu vực, có thể lấy câu trong Bình Ngô đại cáo để khẳng định: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu./ Núi sông bờ cõi đã chia,/ Phong tục Bắc Nam cũng khác./ Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”… Hơn nữa, trong khí thế đang lên cao sau Cách mạng tháng Tám, rất cần một sự khích lệ để toàn dân, mà trước hết là các học sinh, những người chủ tương lai của đất nước, phải cùng hướng về một tương lai xán lạn của dân tộc, từ đó mà ra sức phấn đấu, nỗ lực… Gần 8 thập kỷ sau, đất nước ta đã ở một vị thế hoàn toàn khác. Những năm qua, Đảng ta đã đặt ra một “mệnh đề” cho tương lai của đất nước, của dân tộc, đó là “khát vọng hùng cường”. Việt Nam hiện nay đứng thứ 15 thế giới về dân số, nằm trong tốp 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới, dự kiến đến giữa thế kỷ này sẽ nằm trong tốp 20… Việt Nam là một nước có tiềm năng lớn để phát triển và việc gợi mở “khát vọng hùng cường” là điều cần thiết và có ý nghĩa thiết thực.
Từ lời căn dặn của Bác Hồ, từ bối cảnh hiện nay của đất nước, ngành giáo dục cần lan tỏa khát vọng hùng cường đến toàn thể đội ngũ của ngành, nhất là với học sinh. Những chủ nhân tương lai của đất nước cần hình thành dần niềm khao khát được tham gia xây dựng đất nước hùng cường và thể hiện trách nhiệm, có sự phấn đấu ngay từ bây giờ. Niềm khao khát có thể phát triển thành hoài bão, động lực, in đậm vào tiềm thức và sẽ biến thành những hành động cụ thể, thiết thực trong tương lai. Trách nhiệm có thể giúp nhận thức rõ điều kiện hiện tại và xu hướng vận động của đất nước với đầy đủ thời cơ và thách thức, khả năng phát huy và đóng góp của từng cá nhân trong từng thời điểm. Sự phấn đấu của từng học sinh để giành được nhiều thành tựu vừa mang ý nghĩa cho bản thân vừa cho xã hội, làm phát triển nhu cầu được đóng góp, cống hiến của mỗi người. Những điều đó không tự dưng có mà cần được gợi mở, lan tỏa, khích lệ, truyền cảm hứng. Cũng như năm xưa nhiều thế hệ người thầy đã hun đúc lòng yêu nước, khát vọng tự do cho học sinh, sinh viên để họ “xếp bút nghiên” tham gia công cuộc giành độc lập.
Đương nhiên bản thân người thầy cũng cần thấy vai trò của mình để hiện thực hóa khát vọng hùng cường đó. Trong từng bài giảng, từng câu chuyện, người thầy cần gợi nên niềm tự hào, tự tôn dân tộc, khao khát được tham gia xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh mới. Những người lãnh đạo nhà trường và các tổ chức chính trị trong nhà trường phải tác động, thúc đẩy, lan tỏa, truyền động lực đến các lực lượng của mình lòng yêu nước mãnh liệt, tinh thần dấn thân và cống hiến để từ đó chuyển hóa thành những hoạt động cụ thể và truyền cảm hứng đến các học sinh. Từng trường học phải tạo nên một môi trường làm hình thành và nảy nở các khát vọng, thay vì chỉ quanh quẩn các vấn đề trước mắt. Trong đó, những “sự cố” về học phí, phạt vạ, bạo lực… phải dần nhường chỗ cho những sáng tạo, những khẳng định, những phát triển… Có như vậy, mươi năm nữa, khi các học sinh hiện nay đã trưởng thành, họ sẽ thực sự trở thành chủ nhân đất nước với những trách nhiệm và hành động cụ thể để góp phần xây dựng đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
ThS. Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)