Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo dục không có phản biện là lỗi của nhà báo

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà báo Kỳ Duyên

Phản biện giáo dục không khó. Vấn đề là nhà báo và tòa soạn báo có “dám làm” hay không. Và người làm báo có đủ vốn liếng để phản biện lại những vấn đề chính sách, thực tiễn giáo dục diễn ra hay không? Đó là nhận xét của nữ nhà báo Phạm Kim Dung (bút danh Kỳ Duyên) của trang TuanVietnam thuộc Báo điện tử VietNamNet.vn.

Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với nhà báo Kỳ Duyên xung quanh chuyện nghề, chuyện đời của một người cầm bút nhân 90 năm kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam…

PV: Cơ duyên nào đưa bà đến với TuanVietnam và với những bài viết mang tính phản biện cao không chỉ trong giáo dục mà còn tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội?

Trước khi đến với TuanVietnam, tôi làm việc tại Báo Nhân dân. Nhân dân là tờ báo ngôn luận của TW Đảng, khi đó, mang đậm chức năng thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước. Và một mảng không thiếu là điều tra chống tiêu cực. Vì thế, mà trong giáo dục, khi đó chúng tôi vẫn có những bài viết điều tra về thực trạng đời sống giáo dục khi thực hiện các chủ trương, chính sách, có những gì hay, dở, đúng, sai. Những bài viết đó, tuy chưa hẳn là đặc trưng của phản biện nhưng đã có hơi hướng của hình thức này.

Để rồi, khi số phận có rẽ ngoặt, là cộng tác với VietNamNet, do Tổng Biên tập lúc đó là anh Nguyễn Anh Tuấn mời về, phụ trách mục “Thư Hà Nội”. Từ đây, tôi gắn bó với tờ báo và “gác” chuyên mục này cho đến khi chuyển sang nắm giữ chuyên mục Phát ngôn và Hành động ấn tượng, khi đó anh Nguyễn Quang Thiều thôi giữ mục này, một chuyên mục rất ăn khách của báo, nhưng viết rất khó. Vì đặc trưng của chuyên mục là thông tin và phản biện những sự kiện nổi bật trong xã hội, đang được xã hội quan tâm, là những phát ngôn ấn tượng hay và dở.

Cũng phải nói chuyên mục đó đã trải qua quá nhiều thăng trầm, chìm nổi. Một số nhà báo trước tôi nắm giữ mục này cũng lần lượt chuyển đi nơi khác.  Giờ đây, còn lại… “mình ta với nồng nàn”.

Vấn đề giáo dục, dường như các nhà báo ít khi là người phản biện trực tiếp trên mặt báo, bà nghĩ sao?

Mỗi tờ báo có tôn chỉ mục đích khác nhau nên cách viết, thông điệp của mỗi nhà báo không giống nhau. So với thời cuộc trước đây, báo chí hiện nay đã có nhiều thay đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn. Sự đổi mới diễn ra trong mọi mặt của đời sống, trong đó có giáo dục. Nếu giáo dục không có phản biện thì đó là lỗi tại các nhà báo và chức năng của mỗi tờ báo. Lời nói thật bao giờ cũng nghịch nhĩ, vấn đề là các báo có “dám” nói không. Riêng về giáo dục, các chính sách giáo dục, kể cả trước đây khi triển khai chương trình, sách giáo khoa quá tải, phân ban, đổi mới thi cử đều có thể phản biện được. Chỉ có điều phản biện “đậm” hay “nhạt” là phụ thuộc vào tính chất mỗi tờ báo, năng lực nhà báo, và phụ thuộc cả vào… thời cuộc khi đó, vào sinh hoạt dân chủ trong xã hội, với các phương tiện thông tin mới ra sao. Những năm gần đây, tôi thấy đáng mừng ở chỗ càng ngày, các ngành trong đó có giáo dục đã được đặt trên mặt báo, mổ xẻ có tính chất phân tích, phản biện sâu sắc hơn những điều hay, lẽ dở. Điều đó chỉ có lợi cho giáo dục.

Như bà đã nói, lời “nghịch nhĩ” thường khó nghe. Trong thời gian viết những bài báo mang đậm tính phản biện đối với ngành giáo dục, bà đã “vấp” lần nào chưa?

Có chứ. Cách đây mấy năm, trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hiện tượng hàng nghìn điểm 0 môn lịch sử đã gây chấn động xã hội. Tôi trực tiếp viết về vấn đề này trong tuần đó. Bài viết phân tích cả phát ngôn của người có trách nhiệm về ngành nói chung, về kỳ thi nói riêng. Khá thú vị và tôi cũng rất tâm đắc.

Tuy nhiên, khi bài viết được đẩy lên mạng, lập tức ngành giáo dục có ý kiến và yêu cầu tòa soạn phải bóc bài. Chúng tôi không bóc, nhưng sau một ngày thì bài đó cũng được đưa vào trang trong và nó cũng được gỡ xuống(!?) Nói điều đó để thấy, khi viết bài phản biện, chắc chắn người làm báo sẽ bị “vấp” do ảnh hưởng đến lợi ích của người bị phản biện, lợi ích của chính ngành họ đang làm.

Hay như bài báo nữa tôi cũng thấy khá thú vị. Đó là bài Máu làm quan, để phản biện lại nhận định của TS. Alan Phan khi nói về người trẻ Việt Nam học chỉ để làm quan. Bài có đầy đủ các dẫn chứng, từ trong ca dao, đặc điểm tâm lý dân tộc Việt, đặc điểm mục tiêu và mục đích dạy học của ngành giáo dục, đặc điểm tâm lý người Việt sính bằng cấp và đặc điểm cái ghế – đặc quyền – đặc lợi trong xã hội ta, có sức chi phối tâm lý, động cơ người học rất mạnh: Đó là học chỉ để có bằng cấp, để làm quan. Bài này, may quá, không bị “vấp” và đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của bạn đọc.

Vậy theo bà, cái khó của người làm phản biện nói chung và phản biện giáo dục nói riêng là gì?

Khó nhiều thứ. Nghề báo ở nước ta được đào tạo như tất cả các ngành nghề khác. Nhưng khi ra làm thì đòi hỏi mỗi nhà báo phải có năng khiếu viết, phải có năng lực tư duy và khả năng quan sát xã hội, khả năng tự học, tự đào tạo. Các nghề khác cũng thế, nhưng đặc biệt, nghề báo là nghề đòi hỏi lao động  “đậm” chất cá nhân. Kiến thức ở trường chỉ là vốn ban đầu. Còn đi được “dài hơi” đến đâu thì do cá nhân mỗi nhà báo quyết định. Hiểu biết thực tiễn và quá trình tích lũy kiến thức trong hành nghề là hai yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của một người làm báo. Trong thực tế cuộc sống, các phóng viên giống như các quân cờ trên bàn cờ mà tổng biên tập là người điều khiển. Sự thích ứng của phóng viên là sự tự thân vận động chứ không phải là thụ động chờ sự “chơi cờ” của tổng biên tập.

Phóng viên nào càng chủ động, càng hiểu biết thì sẽ thành công. Các bạn trẻ bây giờ may mắn hơn thế hệ chúng tôi, và cũng… khôn hơn thế hệ của chúng tôi rất nhiều. Tuy nhiên, cũng có những áp lực khác. Đó là xã hội đang trong quá trình chuyển đổi. Đòi hỏi kiến thức, tính chuyên nghiệp trong hành nghề được rèn luyện trong suốt quá trình cầm bút đã đành, mà còn đòi hỏi mỗi nhà báo cần có hệ miễn dịch. Danh dự lớn lắm, nên nhà báo phải giữ mình. Bởi nghề báo rất tự do. Tiếng lành đồn xa, và tiếng dữ cũng đồn xa.

Cha ông ta có câu “gieo nhân nào gặt quả nấy”. Đó không chỉ là triết lý nhân quả của nhà Phật mà đó còn là bài học cuộc sống dạy ta, dạy người làm báo.

Xin cảm ơn bà!

Nghiêm Huê (thực hiện)

Trước khi đến với trang TuanVietnam, nhà báo Kỳ Duyên đã cống hiến cả tuổi trẻ của mình cho Báo Nhân dân. Với bà, quãng thời gian “lăn lộn” ở thực tế đời sống chính là “vốn liếng” quan trọng nhất để giờ có thể “rút ruột” ra những bài báo phản biện được bạn đọc đón nhận mỗi tuần. 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)