Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục không thể là hàng kinh doanh béo bở

Tạp Chí Giáo Dục

Trong phiên làm việc sáng mai (thứ Bảy, 30/5), Quốc hội sẽ nghe Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đọc tờ trình của Chính phủ về Đề án đổi mới tài chính trong GD&ĐT, trong đó điều người dân quan tâm nhất là việc tăng học phí.

Sinh viên trường múa trong giờ tập luyện  Ảnh: Hồng Vĩnh
Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với GSTS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội về nội dung này.
Ông Thuyết nói: Cần nhìn rộng hơn, không chỉ mỗi vấn đề học phí vì đây là Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014 (gọi tắt là Đề án) với 8 nội dung. Tăng thu học phí là hợp lý, nhưng không để giáo dục thành món hàng kinh doanh.
Học phí: Tăng dần và tránh cào bằng
Chuyện  tăng học phí là điều mà  người dân đặc biệt quan tâm. Liệu mức học phí tăng cao thì  người dân có chịu đựng được để con em  họ tiếp tục  đi học?
Nội dung học phí trong Đề án, ít nhất  giải quyết được hai vấn đề chưa hợp lý trong khung học phí và cách xác định học phí hiện nay.
Một là khung học phí ban hành từ năm 1998 với mức rất thấp, nay càng lạc hậu vì giá cả đã thay đổi rất nhiều (từ năm 2000 đến nay trượt giá hơn 2 lần trong khi học phí vẫn như cũ 180.000 đồng/tháng).
Thứ hai, học phí thời gian qua áp dụng cách tính mang tính chất cào bằng giữa các ngành nghề, giữa các địa phương, giữa các đối tượng dù có phân ra học phí bậc phổ thông ở các vùng có sự chênh nhau ít nhiều.
Trong khi đó thống kê cho thấy thu nhập của nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất ở nông thôn chênh  nhau tám lần và ở thành thị bốn lần. Vì vậy tôi thấy việc tăng học phí là hợp lý.
Mức tăng học phí như tờ trình liệu có quá cao, thưa ông?
Nếu  so với mức học phí cũ là rất cao, nhưng Đề án nói rõ là nó tăng dần theo từng năm chứ không phải tăng ngay một lúc. Đây cũng là cách để người dân không bị sốc.
Nghĩa là tăng học phí có lộ trình, vậy lộ trình ấy thế nào?
GSTS Nguyễn Minh Thuyết
Nếu thực hiện Đề án tăng học phí, theo khái toán bước đầu, Bộ Tài chính đã tính rằng ngân sách phải mất khoảng 5.500 tỷ đồng để thực hiện việc hỗ trợ các đối tượng nghèo đi học.
 
Trong năm tới, chúng ta cũng chưa thực hiện ngay việc tăng học phí ở bậc mẫu giáo và phổ thông, chỉ tăng học phí ở bậc đại học, cao đẳng và dạy nghề. Nhưng theo tôi  mức học phí khối dạy nghề như vậy là cao, không hợp lý, không khuyến khích được học sinh thực hiện chủ trương phân luồng.
Sau Trung học cơ sở về nguyên tắc học sinh được phân luồng: Một là lên trung học phổ thông, hai là đi học nghề.
Phải làm thế nào để học phí học nghề không chênh với học phí trung học phổ thông nhiều lắm. Đúng là chi phí tốn hơn trung học phổ thông nhưng Nhà nước phải đứng ra gánh một phần.
Còn học phí phổ thông để lại một năm nữa mới thực hiện tăng là đúng. Điều này do mình chưa xác định được thu nhập bình quân của huyện trở xuống.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết hiện mới chỉ thống kê được thu nhập bình quân của người dân ở cấp tỉnh, ở cấp huyện thì chưa. Trong khi đó, chúng ta còn phải xác định thu nhập bình quân của từng hộ dân thì càng khó hơn nữa.
Việc này phải mất ít nhất một năm mới giải quyết được và phải có sự chỉ đạo rất tốt nếu không sẽ xảy ra tình trạng không công bằng, mất đoàn kết ở địa phương.
Có hỗ trợ học phí cho con em người nghèo?
Tăng học phí tất yếu gây thêm gánh nặng dân nông thôn. Vậy có nên đặt ra gói hỗ trợ học phí cho học sinh khu vực nông thôn?
Nói đến nông thôn hay thành thị thì vẫn phải phân biệt các nhóm thu nhập khác nhau chứ không cào bằng cả khối như nhau. Về chính sách chúng ta có cách giải quyết đối với hai khu vực khác nhau: Khu vực phổ thông và mầm non. Hoặc diện hộ nghèo và cận nghèo thì con em họ được miễn, giảm học phí, thậm chí những được hỗ trợ tiền đi học.
Còn đối với khu vực dạy nghề và đại học, cao đẳng thì có chính sách cho vay. Những sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo được vay tín dụng, sau khi ra trường mới phải trả.
Còn  học bổng cho sinh viên xuất sắc và học sinh nghèo học giỏi liệu có được tăng?
Đây là vấn đề Ủy ban chúng tôi đã lưu ý. Hiện chúng ta có một số nhóm đối tượng được nhận học bổng chính sách, học bổng khuyến khích học tập. Theo tôi, sắp tới cùng với việc  các trường có thêm thu nhập từ tăng học phí thì cũng cần tăng mức học bổng lên cho tương xứng  để khuyến khích học tập.
Đề án dường như chưa có thống kê, phân tích về  nguồn vốn ưu đãi  cho sinh viên nghèo vay chi phí học tập đến nay đã được giải ngân bao nhiêu, hiệu quả thế nào?
Trong Đề án mà  Bộ GD&ĐT chuẩn bị cũng có đề cập việc cho vay tín dụng với sinh viên, học viên các trường dạy nghề. Tuy nhiên cũng chỉ mới nhắc đến việc dự kiến sẽ tăng mức cho vay tương xứng với mức tăng học phí. Còn việc tổng kết cho vay trong thời gian qua thì chưa có.
Theo tôi lẽ ra cũng cần có sự tổng kết, ít nhất là ở bước đầu xem khả năng cho vay thế nào. Với những sinh viên ra trường có công ăn việc làm thì khả năng trả nợ là có thể; nhưng với những em không tìm được việc thì việc trả nợ xem chừng cũng khó khăn.
Đề án cũng không thấy đề cập việc thống kê, phân bổ tỉ lệ học sinh nghèo có được miễn giảm trong đóng học phí hay không?
Hiện nay, phải nói là việc xác định các hộ nghèo, cận nghèo chưa chính xác. Điều này bộc lộ rõ qua việc hỗ trợ tiền tết cho người nghèo vừa qua.
Tăng học phí, chất lượng đào tạo phải được cải thiện
Học phí tăng lên thì trách nhiệm trở lại của nhà trường trong việc cải tiến chất lượng giáo dục liệu  có cải thiện nhiều, thưa ông?
Yêu cầu này rất chính đáng. Mục tiêu của đổi mới cơ chế tài chính, trong đó có tăng học phí là để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường nâng cao dần chất lượng giáo dục đào tạo lên. Nếu tăng học phí mà điều kiện học tập, cơ sở vật chất phục vụ học sinh, sinh viên, chất lượng đào tạo không được cải thiện thì nhân dân không thể nào chấp nhận được.
Dĩ nhiên không thể đòi hỏi tháng này tăng học phí, tháng sau chất lượng đã khá ngay lên, thậm chí là học kỳ này tăng học phí thì học kỳ sau đã khá lên. Nhưng sau một năm chất lượng đào tạo phải có sự chuyển biến và mỗi năm một tốt hơn.
Tăng học phí cũng cần đi liền với việc khắc phục các hiện tượng tiêu cực. Ví dụ việc ép học thêm, chạy trường, chạy lớp… Những hiện tượng tiêu cực này đang làm cho dân cảm thấy chưa hoàn toàn tin cậy vào nhà trường.
Vậy theo ông, Đề án này cần bổ sung điều gì?
Tôi đã từng nói, Đề án cần phải quy định khung học phí, cơ chế chi tiêu cho các trường ngoài công lập. Nhiều trường ngoài công lập hiện thu học phí rất cao và chi vào việc gì cũng không thể kiểm soát được. Nhiều trường không chi kinh phí học phí trở lại để đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng giáo viên, cấp học bổng cho sinh viên mà chủ yếu là để … chia.
Không thể để giáo dục thành món hàng kinh doanh béo bở, không có chất lượng như vậy được. Các trường tư nổi tiếng thế giới đều là trường không có mục đích vụ lợi; cũng nhờ vậy trường của người ta mới có đào tạo được nhiều nhân tài và mới có uy tín.
Liên quan đến các nhà đầu tư nước ngoài, tôi phải nói không thể chấp nhận  đầu tư bằng mọi giá. Hiện không có mấy nhà đầu tư nước ngoài chịu mở các trường kỹ thuật, trường nghề mà chỉ toàn mở trường dạy những nghề không đòi hỏi trang thiết bị kỹ thuật.
Cảm ơn ông.
Phạm Tuyên (TPO)
Thực hiện

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)