Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục Kon Plông: Bán trú dân nuôi

Tạp Chí Giáo Dục

Là huyện vùng sâu của Kon Tum với 98 phần trăm đồng bào thiểu số, giáo dục của Kon Plông phát triển khá tốt nhờ áp dụng mô hình bán trú dân nuôi  từ tiểu học đến trung học cơ sở.
 Trường THCS Pờ Ê –Kon Plông. Còn khá ít trường học khang trang thế này
Huyện Kon Plông có 9 xã (chưa có thị trấn) với tổng số 328 phòng học, trong đó 91 phòng học tạm và 69 phòng học bán kiên cố. Ba xã đi lại rất khó khăn trong mùa mưa. Nhiều nơi từ làng ra đến xã phải mất vài giờ lội suối trèo non.
Để tạo điều kiện cho các em an tâm học tập, ngành giáo dục vận động phụ huynh cho các em ăn ở bán trú quanh khu vực trường. Học sinh (HS) trung học cơ sở (THCS) ở Kon Plông những năm gần đây đa số tham gia học bán trú.
Các em mang quần áo chăn màn đến trường học, ở lại khu vực trường hoặc nhà dân bên cạnh, cuối tuần gia đình đón về. Ngành giáo dục gọi đây là mô hình bán trú dân nuôi, bởi hầu hết việc ăn ở bán trú của HS đều do phụ huynh đảm nhiệm.
Thầy Trần Ngọc Hưởng-Trưởng phòng Giáo dục huyện Kon Plông cho rằng, nhờ phong trào học bán trú, tỷ lệ đến lớp đối với con em trên địa bàn Kon Plông đạt kết quả đáng kể.
Năm học 2008-2009 toàn huyện có 5.400 HS các cấp (có 5.259 HS dân tộc) trong đó HS sáu tuổi đến lớp đạt 95,8 phần trăm. Toàn huyện có 9/9 xã được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học, bốn xã được công nhận phổ cập giáo dục THCS, năm xã còn lại phấn đấu đến cuối năm 2009 đạt phổ cập THCS.
Xã hội hóa 
Biết ăn ở sinh hoạt sạch sẽ, biết trồng trọt có rau tươi ăn ngon, khi về lại buôn làng các em sẽ có ý thức xây dựng nề nếp gia đình văn minh, tiến bộ hơn.
Từ những kết quả đáng khích lệ trong những năm qua, năm học 2008-2009 ngành giáo dục Kon Plông quyết tâm nâng cấp mô hình học bán trú đối với học sinh THCS.
Ngành đã tổ chức cho bốn đơn vị trường gồm hai trường thuận lợi và hai trường khó khăn xây dựng thí điểm mô hình bán trú. Ngành giáo dục vận động các nhà hảo tâm tài trợ cá khô, bột ngọt, nước mắm cho các em.
Phòng giáo dục trích từ kinh phí chi thường xuyên hỗ trợ mỗi trường từ 5-10 triệu đồng/năm; mỗi giáo viên cán bộ nhân viên đóng góp 25.000 đồng đến 120.000 đồng tiền lương/năm cùng với kinh phí hỗ trợ theo Quyết định 112 của Thủ tướng Chính phủ đối với học sinh con hộ nghèo ở bán trú, góp phần chia sẻ khó khăn với phụ huynh khi cho con em ăn học.
Những điểm trường chưa có phòng ở cho HS bán trú, trường vận động phụ huynh góp công sức xây nhà tạm. Ưu điểm của việc học bán trú là HS đi học đúng giờ, các em có điều kiện học bài, ôn bài đầy đủ không theo cha mẹ lên rẫy. HS yếu kém được bạn bè, thầy cô kèm cho học, nội quy nề nếp được đảm bảo.
Trưởng Phòng Giáo dục Kon Plông cho biết phòng làm việc với lãnh đạo các xã đề nghị phối hợp giữa nhà trường-lãnh đạo xã-Phòng Giáo dục về việc duy trì sĩ số học sinh. Nhà trường vận động địa phương giao đất để tổ chức vườn rau, ao cá vừa giáo dục ý thức lao động, sản xuất cho học sinh vừa cải thiện bữa ăn cho các em.  
Huỳnh Kiên (TPO)

Bình luận (0)