Hiện nay, kỹ năng sống đang được triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm mang đến cho mỗi học sinh những kỹ năng sống cơ bản, cần thiết trong học tập và cuộc sống. Trong ba bộ phận giáo dục là gia đình, nhà trường và xã hội thì gia đình có vai trò quan trọng và quyết định nhất. Trong mọi điều kiện phát triển của một đứa trẻ thì gia đình luôn đóng vai trò là nền tảng, là gốc của mọi sự trưởng thành và thành công trong tương lai.
Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ phải bắt đầu từ gia đình. Ảnh: I.T
1.Một nữ sinh tìm đến tận nhà của chuyên viên tâm lý để cầu cứu vì lỡ dính thai mà không biết xử lý thế nào. Em vừa khóc vừa cho biết: Mẹ em thì đi làm xa. Cha em thì rất khó nói chuyện. Em và bạn ấy yêu nhau… Trong một lần đi du lịch cùng, em đã lỡ cả tin… Thế là em mới biết mình có thai gần đây. Khi đi khám bác sĩ bảo rằng gần ba tháng. Em không biết mình sẽ làm sao, nói với cha mẹ thế nào, giữ hay bỏ… Với em, tất cả đều trở thành bài toán đố không lời giải… Xét theo mỗi hoàn cảnh thì lại có những nguyên nhân khác nhau, nhưng nhìn chung đều xuất phát từ việc các em thiếu ý thức, thiếu nhận thức về các vấn đề có liên quan hay nói một cách sâu sát hơn là các em thiếu kỹ năng sống. Đây là vấn đề được gia đình, nhà trường và xã hội rất quan tâm, nhưng việc thực hiện thì chưa đem lại nhiều hiệu quả.
Hiện nay, kỹ năng sống đang được triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau tùy theo điều kiện về đội ngũ chuyên môn và cơ sở vật chất của từng trường. Do yêu cầu của thực tế xã hội, ngày càng đòi hỏi mỗi người giảng viên kỹ năng sống phải có phương pháp giảng dạy hiện đại, không ngừng nâng cao chuyên môn nhằm mang đến cho mỗi học sinh những kỹ năng sống cơ bản, cần thiết trong học tập và cuộc sống. Nhưng yêu cầu này có đủ để kỹ năng sống đến với học sinh một cách tích cực và hiệu quả nhất đáp ứng được với những đòi hỏi mà xã hội đang đặt ra cho giới trẻ – thế hệ có vai trò chủ lực trong việc tạo dựng tương lai. Trong ba bộ phận giáo dục là gia đình, nhà trường và xã hội thì gia đình có vai trò quan trọng và quyết định nhất. Trong mọi điều kiện phát triển của một đứa trẻ thì gia đình luôn đóng vai trò là nền tảng, là gốc của mọi sự trưởng thành và thành công trong tương lai. Kỹ năng sống được hiểu theo một nghĩa đơn thuần nhất là những cách thức giúp cho cá nhân tồn tại và thích ứng trong cuộc sống… Chính vì vậy, các bậc phụ huynh đừng lo âu, hốt hoảng tách con khỏi gia đình vội vàng đưa con vào những môi trường riêng biệt mà quên rằng nền tảng giúp cho con có thể tồn tại và thích ứng trước tiên phải bắt nguồn từ trong thực tế gia đình – môi trường xã hội thu nhỏ đầu tiên mà trẻ được tiếp xúc. Hơn thế nữa, chính trường học gia đình là trường học thực tiễn, là trường học kiểm chứng, là trường học thực hành và là môi trường đánh giá một cách hiệu quả những gì thuộc về giáo dục kỹ năng…
Trẻ tham gia rèn luyện kỹ năng sống trong chương trình “Ngại gì thử thách”. Ảnh: I.T
2.Việc giáo dục kỹ năng sống cho các em cần phải thực hiện càng sớm càng tốt ngay từ nhỏ trong cái nôi của gia đình. Nội dung và phương pháp giáo dục kỹ năng sống không gì là xa xôi mà nó xuất phát từ cách nuôi dạy con của mình. Bố mẹ sẽ là người hướng dẫn tốt nhất của con nếu trao cho con cơ hội học hỏi từ thế giới bên ngoài, sự khích lệ, gợi mở nhằm cho trẻ biết cách tìm tòi, khám phá các sự vật, những hướng dẫn giúp trẻ nhận biết những cảm xúc của bản thân hay biết nghe lời người lớn… Đó là những biện pháp không khó nhưng lại hiệu quả để xây dựng kỹ năng sống của trẻ. Ví dụ, khi con bị té thay vì các bậc cha mẹ đổ thừa hoàn cảnh, xuýt xoa con trẻ, “xử lý” chỗ đã làm bé đau thì phụ huynh nên khuyến khích con tự đứng dậy, cùng con tìm ra nguyên nhân bị té và chia sẻ kinh nghiệm mà mình đã trải qua. Trẻ sẽ học được kỹ năng tự xoay sở và phát triển tính tự lập. Kỹ năng sống không thể dạy bằng lý thuyết mà phải bằng những trải nghiệm từ thực tế. Nếu các bậc cha mẹ quá che chở cho con sẽ vô tình hạn chế những cơ hội cho con tự mình trải nghiệm, học hỏi, vui chơi và khám phá.
Kỹ năng sống không thể dạy bằng lý thuyết mà phải bằng những trải nghiệm từ thực tế. Nếu các bậc cha mẹ quá che chở cho con sẽ vô tình hạn chế những cơ hội cho con tự mình trải nghiệm, học hỏi, vui chơi và khám phá. |
3. Cuộc sống càng bận rộn thì vào mùa hè, nhiều phụ huynh chuyển con về quê để sống cho nhẹ gánh… Không ít phụ huynh gia tăng mật độ học gia sư để gia sư kèm thêm việc dạo chơi cùng trẻ… Giữa bộn bề công việc, không hiếm phụ huynh “chọn đại” một trung tâm kỹ năng sống để đẩy con ngang bằng với nhu cầu của các gia đình, theo định hướng của dư luận… Chưa thể nói đó là cách lựa chọn tốt hay không nêu việc hướng đến hiệu quả giáo dục kỹ năng sống không phải là sự cam kết của thương trường giáo dục nhiễu nhương mang nặng tính kinh doanh hôm nay… Nhiều phụ huynh lầm tưởng việc giáo dục kỹ năng sống phải là hay chỉ là học hành bài bản tại trung tâm. Họ dễ quên rằng thực tiễn là môi trường sinh động nhất và hiệu quả nhất để rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ em. Kỹ năng sống không thể hình thành nếu trẻ không trải nghiệm xúc cảm tích cực cũng như hành động thử mang tính định hướng để kỹ năng được xác lập… và một trong những môi trường hiệu quả đó chính là nhà của trẻ với những người thầy thú vị, gần gũi, bao dung, thực tế…
Trước nhiều khó khăn trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh như vậy, trách nhiệm giáo dục kỹ năng sống cho thế hệ trẻ không thể dồn ép và đặt trọn trên vai của nhà trường. Chính vì vậy, việc các bậc phụ huynh hiểu rõ vai trò và cách thức giáo dục kỹ năng sống cho con mình trong gia đình là một điều quan trọng và thiết thực nhất. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động của xã hội và cộng đồng tạo ra nhiều sân chơi kỹ năng sống bổ ích, lành mạnh sẽ phần nào giảm tải sự nghẽn mạch trong việc giáo dục kỹ năng sống. Hãy là một người cha, người mẹ tốt với phương pháp huấn luyện hiệu quả nhằm trang bị kỹ năng sống cho con.
Sơn Huỳnh
Bình luận (0)