Trước nay, có rất nhiều người đặt câu hỏi, và rồi đều bế tắc trước thực trạng: Vì sao chúng ta là một “siêu cường” về thành tích, danh hiệu trong giáo dục nhưng lại không phải là một quốc gia có nhiều bằng sáng chế, phát minh; không có những sản phẩm, thương hiệu đẳng cấp quốc tế; thiếu vắng những nhà khoa học đẳng cấp, tài năng?
Mỗi năm chúng ta có hàng ngàn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Tầm học sinh giỏi tỉnh và các cuộc thi cấp địa phương khác thì số lượng “học sinh giỏi, đạt giải, có thành tích” phải lên tới hàng chục, hàng trăm ngàn. Ngoài ra còn có các cuộc thi như khoa học kỹ thuật với những đề tài tầm cỡ quốc tế. Số lượng giáo sư, tiến sĩ của Việt Nam cũng thuộc vào số đông trong khu vực và quốc tế…
Cứ lấy cuộc thi danh giá nhất về trí tuệ dành cho học sinh là “Đường lên đỉnh Olympia”, về bản chất cũng là một cuộc thi dành cho các học sinh giỏi trả bài. Tất cả các câu hỏi đều là kiến thức phổ thông và chỉ có duy nhất một đáp án đã có sẵn, cố định. Cho nên cuộc thi chỉ lựa chọn được những học sinh thông minh, trí nhớ tốt, chứ không thể lựa chọn được những bộ óc xuất chúng, có tư duy đột phá.
Một học sinh giỏi, là con một luật sư, nay đã thành đạt ở nước ngoài nói với bố lý do từ chối tham dự đội tuyển học sinh giỏi quốc gia dù được thầy giáo chỉ định: “Tại sao con lại phải vò đầu bứt tai để giải những bài toán mà thiên hạ đã có đáp án từ lâu. Thi cử như thế không đem lại giá trị khoa học. Cuộc sống không bao giờ có những đáp án đã có sẵn”. Đây là câu trả lời cho việc tại sao nước ta có rất nhiều học sinh giỏi quốc gia, quốc tế nhưng không đi theo con đường nghiên cứu khoa học, và cũng không có thành tựu nổi bật trong cuộc sống.
Yêu cầu trả bài, học thuộc, đi theo lối mòn, “đồng phục” tư duy đã trở nên thâm căn cố đế, ăn vào xương tủy của bao nhiêu người, chưa nói tư duy trục lợi – làm tiền từ giáo dục, sẽ kìm hãm và làm lệch lạc những tài năng xuất chúng. Đây là vấn đề cực kỳ đau đầu, nan giải của giáo dục hiện nay. Thời điểm kinh tế khó khăn, tình hình quốc tế có nhiều biến động, yêu cầu về một nền giáo dục phát huy tài năng, cá tính sáng tạo, sản sinh ra những nhân vật xuất chúng làm thay đổi vận mệnh, vị thế quốc gia càng đặt ra một cách bức thiết.
Trần Quang Đại
Bình luận (0)