Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục mầm non – Giải hoài không hết khó

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên bỏ việc, trường lớp thiếu, thu nhập giáo viên không đủ sống… là những vấn đề mà không chỉ những nhà quản lý giáo dục đang đau đầu tìm hướng giải quyết mà cả xã hội cũng quan tâm. Trong tuần qua, đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TPHCM đã có nhiều buổi làm việc trực tiếp với các trường mầm non trên địa bàn TPHCM để ghi nhận tình hình, lắng nghe ý kiến và đề xuất của các trường để có thể có những giải pháp kịp thời, phù hợp cho ngành học này.
Điệp khúc thiếu
“Hồ sơ xin học của trẻ chất đống, trường thì còn dư ba phòng để trống dù trang thiết bị đã được trang bị đầy đủ nhưng chúng tôi không thể tuyển sinh thêm…” – cô Nguyễn Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia 19-5 (Q8) báo cáo tình hình “dư phòng, dư lớp” của trường trước sự ngạc nhiên của các đại biểu HĐND TPHCM.
Cô Ngọc Dung cho biết, nguyên nhân của việc này là do trường không tuyển được giáo viên. Mà ngay cả khi vất vả để tuyển được 2 giáo viên mới thì các cô chỉ làm được 2 ngày là… bỏ việc. Thiếu giáo viên, thiếu cả bảo mẫu, các cô giáo của trường đành kiêm luôn… lao công để dọn dẹp vệ sinh. Đâu chỉ thiếu con người, điệp khúc thiếu tiền để chi cho các hoạt động giáo dục cũng khiến người quản lý trường bức bối vì không được làm nghề một cách thanh thản.
Cô Ngọc Dung tiếp: “Kể cả các khoản thu theo quy định cũng không đáp ứng được nhu cầu hoạt động của trường. Trong đó, cơ sở vật chất: 30.000 đồng/HS/năm, trường có 552 học sinh nên thu được 16.560.000 đồng. Vừa qua, nhà trường trải thảm phòng thể dục cho trẻ mất gần 10 triệu đồng. Vì vậy số tiền còn lại (hơn 6 triệu đồng), không đủ để nhà trường sửa chữa điện nước từ nay đến hết năm học. Tiền vệ sinh phí chỉ có 5.000 đồng/tháng, mỗi tháng trường thu được 2.760.000 đồng nhưng phải mua đủ thứ: xà bông, bao rác, nước rửa chén hàng tháng bình quân 6 – 7 triệu đồng. Chưa kể đến các dụng cụ vệ sinh khác như cây lau nhà, cần xé rác, xô, chậu… nên rất chật vật. Điều này phần nào cũng đã ảnh hưởng đến công tác phòng dịch bệnh trong trường”.
Trong khi đó, tại Trường Mầm non Bé ngoan quận 8, cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thái Hòa trình bày “bức tranh” của trường: “Trường có tới 4 điểm lẻ, thường xuyên bị ngập nước, nói là trường nhưng chỉ là những phòng học nhỏ lẻ, chúng tôi phải thiết kế bớt một góc phòng học để làm nhà vệ sinh tạm bợ. Các điểm cách nhau xa nên việc vận chuyển thức ăn, tổ chức các hoạt động cho trẻ hết sức vất vả, muốn nâng cao chất lượng thật là khó. Tôi chỉ mong sao dự án xây trường mới sớm được thực hiện chứ như hiện nay cũng là trẻ nhỏ nhưng để các em không được thụ hưởng điều kiện như các trường khác chúng tôi đau lòng quá”.
Muốn chất lượng, phải khéo xin
Ông Lê Trường Kỳ, Trưởng phòng GD-ĐT Q3 bức xúc, hiện nay, sự tồn tại và phát triển của các trường mầm non phụ thuộc nhiều vào sự khéo léo của hiệu trưởng trong việc “đi xin” phụ huynh. Trường nào không nhận được nhiều sự hỗ trợ của phụ huynh thì hoạt động của trường khó có hiệu quả. Tuy nhiên không phải khu vực nào cũng có thể làm được điều này. Bởi những khu vực khó khăn như quận 8, Hóc Môn, Gò Vấp… việc huy động sự hỗ trợ của phụ huynh không những khó khăn mà thậm chí nhiều trường không thể làm được vì nói đến đóng tiền là một số phụ huynh cho con… nghỉ học.
Mức thu tiền ăn ở nhiều trường hiện nay vẫn còn quá thấp, ngay trong các buổi làm việc với đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TPHCM nhiều trường cũng phản ánh chất lượng bữa ăn của trẻ. Tiền ăn ở Trường mầm non Nhị Xuân (huyện Hóc Môn) vẫn chỉ thu mức 15.000 đồng/ngày và 2.000 đồng tiền sữa nên tỷ lệ suy dinh dưỡng vẫn còn cao. trường vẫn còn 32 em suy dinh dưỡng về cân nặng và 52 học sinh suy dinh dưỡng chiều cao.
Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban VHXH – HĐND TPHCM cho rằng, sắp tới nên tách các khoản thu dịch vụ (vệ sinh phí, phí bán trú, tiền ăn…) ra khỏi học phí. Bởi những khoản thu này nhà trường chỉ thu hộ để lo chăm sóc và nuôi dưỡng các cháu cả ngày ở trường. Phải tính đúng, tính đủ và thu đủ vì tất cả những khoản này đều thuộc về quyền lợi của trẻ. Tại các buổi làm việc tại các trường, đa số ý kiến đều đề xuất được tăng tiền phục vụ bán trú để cải thiện đời sống cho giáo viên. Bởi mức thu hiện nay đã không còn phù hợp chỉ có 50.000 đồng/tháng/HS, mỗi tháng giáo viên chỉ được 400.000 đồng, cộng với số tiền lương quy định của nhà nước trung bình mỗi tháng tổng thu nhập của GV mới ra trường chỉ hơn 1,5 triệu đồng.
Trước những phản ánh của giáo viên, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP cho biết: “Xã hội luôn yêu cầu ngành mầm non phải nuôi dạy trẻ tốt nhưng đời sống của giáo viên lại quá khó khăn. Chúng tôi rất chia sẻ những khó khăn chung của bậc học mầm non. Trong kỳ họp HĐND sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa vấn đề này ra để tìm giải pháp nâng cao đời sống của đội ngũ giáo viên mầm non và bậc học này”.
“Ngân sách cấp cho trường mỗi năm chỉ đủ trả lương cho giáo viên, còn cơ sở vật chất, đồ chơi cho trẻ thì cực kỳ khó khăn, nên để đảm bảo mọi hoạt động của trường thì hầu như năm nào chúng tôi cũng phải kể lể, than vãn với phụ huynh để họ lo phần trang bị. Nhưng thật sự chúng tôi luôn trăn trở, vì làm giáo dục mà cứ đi xin hoài mệt mỏi quá”
Cô Nguyễn Thị Ngọc Dung – Hiệu trưởng Trường Mầm non 19-5 

LÊ LINH

Theo SGGP


Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)