Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục mầm non ở TPHCM: 40 năm đổi mới và thách thức

Tạp Chí Giáo Dục

Theo báo cáo tổng kết thành tựu ngành giáo dục và đào tạo TPHCM giai đoạn 1975 – 2015 do Sở GD-ĐT TPHCM vừa công bố, mầm non là một trong những bậc học có nhiều thành tựu phát triển nổi bật nhất của TPHCM.

Mặc dù vẫn còn không ít khó khăn, thử thách, song những đổi mới về mặt chủ trương, chính sách ở bậc học này đã được cả nước thừa nhận, xứng đáng với vị trí “tiên phong” của con tàu đổi mới.

Giáo viên mầm non hiện đang là ngành lao động đặc thù, đòi hỏi thêm nhiều chính sách hỗ trợ.

Mạnh dạn đổi mới

Trong 40 năm qua, TPHCM đã tăng thêm 939 trường mầm non, chiếm tỷ lệ 47,6% so với tổng số 1.972 trường tăng thêm ở tất cả bậc học. Ngoài ra, đây cũng là bậc học có số lượng giáo viên tăng thêm nhiều nhất với 19.548 người trong vòng 40 năm, bình quân mỗi năm tăng thêm 488 người. Tỷ lệ trẻ học bán trú hiện nay đạt 98%, trong khi số trẻ suy dinh dưỡng ở hai thể nhẹ cân và thấp còi chiếm chưa đến 3%. Năm 2013, TPHCM được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đến nay, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 91,3% ở hệ mẫu giáo và 32,4% ở hệ nhà trẻ. Đặc biệt trong năm 2014, TPHCM đã liên tục “lập cú đúp” với hai chính sách đổi mới toàn bộ cục diện ở bậc học này là Nghị quyết về hỗ trợ giáo dục mầm non giai đoạn 2014 – 2020 do HĐND TPHCM phê duyệt và chính sách triển khai thí điểm nhận giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP, cho biết, với Đề án hỗ trợ giáo dục mầm non, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên tại các cơ sở mầm non công lập được hỗ trợ thêm 25% tiền lương. Riêng đối với cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy nhóm lớp 6 – 18 tháng tuổi sẽ được nhận thêm hỗ trợ lên đến 70% tiền lương gồm 35% phụ cấp ưu đãi và 35% hỗ trợ do tính chất công việc. Đối với các giáo viên mới ra trường được tuyển dụng mới ở các cơ sở sẽ được hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng trong năm đầu tiên công tác, hưởng thêm 70% phụ cấp lương cơ sở/người/tháng ở năm thứ hai và 50% lương cơ sở/người/tháng ở năm thứ ba.

Ngoài ra, một trong những bước đột phá khác của TPHCM là việc dũng cảm đứng ra nhận trách nhiệm tìm nguồn vốn vay và trả lãi vay ngân hàng cho các dự án đầu tư xây dựng trường mầm non. Tính đến nay, đã có 72 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức này được UBND TP phê duyệt với tổng mức đầu tư lên đến hơn 2.700 tỷ đồng. Theo đó, các địa phương đang dẫn đầu danh sách dự án xây dựng gồm huyện Củ Chi (14 dự án), huyện Bình Chánh và Cần Giờ (mỗi huyện 7 dự án), quận Bình Tân (9 dự án)… Theo ông Nguyễn Đình Thái Châu, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT TPHCM, đây là một trong những động thái thể hiện sự quyết tâm của TP trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường mầm non nhằm đáp ứng đủ chỗ học cho con em người dân trên địa bàn. Theo đó, các dự án sẽ có thời gian vay vốn tối đa 8 năm, trong đó tổng thời gian ân hạn được tính kể từ ngày dự án bắt đầu thực hiện đến khi công trình hoàn thành theo quy định không kéo dài quá 24 tháng. Nhìn nhận vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch đánh giá cao những đổi mới về mặt chủ trương, chính sách mà TPHCM đã và đang thực hiện trong thời gian qua, tạo điều kiện cho các địa phương khác học hỏi.

Còn nhiều thách thức

Mặc dù đạt rất nhiều thành tựu, song bậc học mầm non của TPHCM cũng đang đối mặt với không ít thách thức. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận, một trong những thách thức đầu tiên phải kể đến là quy mô dân số hiện nay gia tăng quá lớn. Mặc dù năm nào ngân sách TP cũng dành hơn 5.000 tỷ đồng xây mới 1.500 phòng học, nhưng vẫn chưa đáp ứng nổi nhu cầu. Do đó, nếu không chủ động tháo bỏ nhiều quy định về mặt cơ chế, TP sẽ không thể hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, theo số liệu thống kê của UBND TPHCM, hiện nay TP đang thiếu khoảng 2.000 giáo viên mầm non. Dự kiến trong năm học 2015 – 2016 cần bổ sung thêm 2.000 giáo viên, nâng tổng số giáo viên cần tuyển mới là 4.000 người.

Tuy nhiên, số liệu tổng hợp từ 8 đơn vị đang đào tạo giáo viên mầm non trên địa bàn TP, năm học 2014 – 2015, tổng số sinh viên tốt nghiệp ra trường các ngành sư phạm mầm non là 1.567 người, trong đó ước tính sẽ có khoảng 80% giáo sinh ở lại TPHCM công tác. Như vậy, vẫn còn thiếu đến hơn 50% nhu cầu tuyển dụng. Trước thực tế đó, nhiều chuyên gia đã dự đoán không chỉ trong năm học này mà ít nhất 4 – 5 năm nữa, vấn đề thiếu hụt giáo viên mầm non vẫn là bài toán lớn đặt ra cho TPHCM.

Một lãnh đạo UBND TPHCM thừa nhận, thiếu giáo viên mầm non đã được cảnh báo từ năm 2009, nhưng đến nay sau hơn 5 năm tuyển dụng và phân bổ, TP vẫn chưa có chính sách nào mạnh tay khuyến khích, thu hút nguồn lao động trẻ, ngoại trừ duy nhất một chủ trương cho phép tuyển dụng người có hộ khẩu KT3 nên tình trạng thiếu vẫn hoàn thiếu. Cũng theo vị này, do thu nhập hiện nay của giáo viên mầm non quá thấp nên chưa thể trông chờ vào khả năng tự điều tiết của thị trường. Thay vào đó, TP cần có thêm nhiều chính sách ưu đãi cho nhóm lao động này như cho thuê nhà ở chi phí thấp, miễn, giảm học phí cho giáo viên mầm non học các lớp nâng cao nghiệp vụ, tạo điều kiện cho sinh viên tốt nghiệp các ngành y tế, điều dưỡng chưa có việc làm bổ sung thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để tăng cường thêm đội ngũ, giải quyết tạm thời bài toán “khát” giáo viên. Song, để làm được tất cả điều đó, cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể để bậc học này luôn xứng đáng là một trong những “điểm son” phát triển của TPHCM.

MINH QUÂN

(SGGP)

Bình luận (0)