Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo dục mầm non: Sẽ tăng trường, tăng lương

Tạp Chí Giáo Dục

Các đại biểu biểu quyết thông qua tờ trình về Đề án hỗ trợ GDMN
Ngày 14-6, HĐND TP.HCM khóa VIII đã tổ chức kỳ họp thứ 13 chuyên đề: “Công tác quản lý Nhà nước về giáo dục mầm non (GDMN)”. Tại đây, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP – phát biểu: “Trong hệ thống giáo dục quốc dân, GDMN là bậc học đầu tiên đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển thể chất, tình cảm, nhân cách, trí tuệ, thẩm mỹ của các em. Do đó, xây dựng, phát triển một nền GDMN đạt chất lượng để trẻ em có điều kiện sống tốt hơn là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền TP”…
Tăng trường công để giảm rủi ro cho trẻ
Tại kỳ họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận báo cáo: TP.HCM hiện có 907 trường MN, trong đó có 419 trường công lập (CL) và 488 trường ngoài công lập (NCL). Ngoài ra, TP còn có 1.469 nhóm trẻ (NT). Đối với trẻ 6 tháng tuổi, có 18 trường NCL nhận, còn trường CL thì không. Có 120 trường CL nhận trẻ từ 13 tháng tuổi. Đồng thời có 39 NT giữ trẻ từ 6 đến 12 tháng, 77 nhóm giữ trẻ từ 13 đến 18 tháng.
Về đội ngũ, có 18.544 giáo viên (GV), trong đó CL: 9.076 GV, NCL: 9.468 GV. Theo quy định thì với số trường, lớp MN như hiện nay, TP còn thiếu khoảng 2.000 GVMN, hiện đang phải sử dụng bảo mẫu thay cho GV.
Tổng số học sinh là 336.008 trẻ, trong đó học tại trường CL là 163.734 trẻ (chiếm 48,7%), NCL là 172.274 trẻ (chiếm 51,3%). Số trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi: 43.130 trẻ; từ 13 đến 18 tháng: 56.464 trẻ. Hiện có 10.414 trẻ đang học tại các NT chưa được cấp phép.
“Nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc, hạn chế tối đa những thiếu sót, tồn tại của ngành học MN, đến năm 2020 tỷ lệ trẻ học nhà trẻ ở trường MNCL từ 31,9% lên 40% ; mẫu giáo CL từ 52,5% lên 60%; nhà trẻ trường MNNCL từ 26,2% lên 50%; mẫu giáo NCL từ 28% lên 35%. Đồng thời giảm tỷ lệ trẻ học nhà trẻ ở NT từ 41,9% xuống 10%, học mẫu giáo từ 19,5% xuống 5%. Về trường lớp, phấn đấu đến năm 2020 có 60% mẫu giáo CL, 35% trường tư thục và 5% NT; nhà trẻ – CL: 40%, tư thục: 50%, NT: 10%”, ông Thuận đề xuất.
Xung quanh đề xuất này, đại biểu Lâm Thiếu Quân thắc mắc: “Trên thế giới, tỷ lệ trẻ nhỏ đến trường chỉ có 10%, còn lại 90% nuôi dạy ở nhà do chi phí cao, trách nhiệm lớn. Chúng ta đặt ra mục tiêu 40% liệu có kham nổi?”.
Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng cho rằng: Nguồn vốn đầu tư các trường MNCL do ngân sách cấp. Tuy vậy, nếu tập trung vào một thời điểm sẽ gặp khó khăn nên đề xuất huy động từ nhiều nguồn như trái phiếu, từ các ngân hàng thương mại, từ các công ty đầu tư tài chính Nhà nước…
Đại diện Ban quản lý các KCX, KCN cũng cho biết: Các KCX, KCN có 22 dự án xây dựng trường MN dự kiến nuôi dạy khoảng 5.500 trẻ. Hiện nay đã có 6 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, các dự án này đang chăm sóc cho khoảng 1.200 trẻ. Tuy nhiên về lâu dài nên quy hoạch những khu đất liền kề KCX, KCN để xây dựng trường MN. Bởi nếu xây trường trong KCX, KCN, khí thải và môi trường ở đây sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của các cháu…
Giữ chân GVMN bằng… lương

Tại kỳ họp HĐND TP.HCM khóa VIII ngày 14-6, các đại biểu đã thống nhất chủ trương tăng thêm trường công và thu nhập cho giáo viên bậc mầm non. Trong ảnh: Giờ học của các bé Trường MN Hoa Lan, H.Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: H.Triều

Đối với trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi, năm học 2014-2015 triển khai thí điểm tại 5 quận (Q.7, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú) và 3 huyện (Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè) – mỗi quận huyện thí điểm 1 đến 2 trường MNCL; năm học 2015-2016 thêm 4 quận (Gò Vấp, 9, 11, Tân Bình); đến năm học 2016-2017 thì thực hiện đại trà tại tất cả các quận, huyện.
Một số đại biểu cho rằng không nên giữ trẻ nhỏ, vừa nguy hiểm vừa tốn kém và chắc gì phụ huynh đã có nhu cầu thật sự. Ông Huỳnh Thanh Nhân – Chủ tịch UBND Q.Thủ Đức – khẳng định: “Nhu cầu gửi con từ 6 tháng tuổi của phụ huynh là rất lớn, nhất là công nhân ở các KCN, KCX. Cha mẹ đi làm thì phải gửi con, trường CL không nhận nên phải gửi ở NT. Khảo sát của Q.Thủ Đức cho thấy trẻ từ 6-36 tháng là trên 5.000 cháu”.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh: “Nhiều gia đình không có điều kiện nên Nhà nước đứng ra để chăm sóc trẻ 6-18 tháng tuổi. Bởi, nếu Nhà nước không làm thì phụ huynh sẽ gửi con lay lắt ở NT như vậy trẻ không được hưởng quyền chăm sóc tốt”.
Mặc dù thừa nhận việc các trường MNCL nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi là hết sức nhân văn nhưng đại biểu Tô Thị Bích Châu không khỏi lo lắng: “Hiện nay thu hút GVMN rất khó, so với các bậc học khác thì MN thiếu GV nhiều nhất. Chỉ riêng Q.4, năm học 2014-2015 thiếu 48 GVMN nhưng mới có 6 hồ sơ xin tuyển dụng. Như vậy, với lộ trình của đề án thì làm sao kịp tiến độ đào tạo GV…?”.
Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn cho biết: “Trước mắt, đối với các quận, huyện thí điểm, chúng tôi lấy GV từ đội ngũ sẵn có để đào tạo cho phù hợp với việc nuôi dạy trẻ 6-18 tháng tuổi. Điều này không ảnh hưởng đến đội ngũ của các độ tuổi khác”.
Ông Thuận cho biết thêm, nguồn GVMN sẽ lấy từ đội ngũ y sĩ trung cấp chưa có việc làm rồi đưa đi bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm MN; mở mã ngành trung cấp nghề sư phạm MN nuôi dạy trẻ từ 6-18 tháng tuổi tại Trường ĐH Sài Gòn…
Về lâu dài, thu hút GVMN bằng cách tăng thu nhập. Cụ thể, nâng mức hỗ trợ với GVMNCL lên 60% (hiện nay là 35%); GV dạy trẻ từ 6-18 tháng tuổi là 70%; đối với GV mới được tuyển dụng hỗ trợ 100% mức lương cơ bản (1.150 ngàn đồng/tháng) năm thứ nhất, năm thứ 2 hỗ trợ 75%, năm thứ 3 – 50%. Song song đó, bổ sung 1 nhân viên nuôi dưỡng/1 lớp MN để GV không phải làm công việc lao động phổ thông…
Sau khi nghe các ý kiến giải trình của UBND cũng như ngành GD-ĐT, các đại biểu HĐND đã biểu quyết thông qua tờ trình về Đề án hỗ trợ GDMN.
Bài, ảnh: Kim Anh

Bình luận (0)