Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giáo dục Mầm non TP.HCM giúp trẻ chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vào lớp 1

Tạp Chí Giáo Dục

Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh, việc chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1 là vô cùng quan trọng, cần đến sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên dạy các lớp 5 tuổi và cha mẹ trẻ, để giúp trẻ chuẩn bị vào lớp 1.


TP.HCM tổ chức chuyên đề giúp trẻ mầm non sẵn sàng vào lớp 1

Sáng 5-4, tại Trường Mầm non Thành phố, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức chuyên đề “Tổ chức hoạt động giáo dục chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi vào lớp một – làm quen chữ viết”.

Theo bà Lương Thị Hồng Điệp – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM – trẻ mẫu giáo khi bắt đầu đi học lớp 1 thường gặp nhiều khó khăn. Do ở trường mầm non, trẻ học thông qua chơi, tham gia các hoạt động trong ngày (vui chơi, giáo dục, vệ sinh, ăn, ngủ…), chủ yếu theo nhu cầu, hứng thú của bản thân trẻ dưới sự định hướng, dẫn dắt, động viên, khích lệ của giáo viên.

Trong khi đó, bước sang môi trường tiểu học, học là hoạt động chủ đạo và bắt buộc, học sinh phải hoàn thành các nhiệm vụ học tập theo tiến độ của cả lớp; phải chấp hành nội quy, quy định nhà trường, phải biết tự phục vụ cá nhân…

“Vào học lớp 1 là bước ngoặt, là sự chuyển đổi qua một giai đoạn mới đối với trẻ nên việc chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1 là vô cùng quan trọng. Đây là một trong nhiệm vụ quan trọng của trường mầm non, của giáo viên dạy các lớp 5 tuổi và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và cha mẹ trẻ để giúp trẻ chuẩn bị vào lớp 1” – bà Điệp nhấn mạnh.


Giáo viên mầm non thiết kế các hoạt động nhẹ nhàng, phù hợp để trẻ làm quen với chữ viết

Theo bà Điệp, giáo viên thông qua xây dựng kế hoạch giáo dục, thiết kế các hoạt động giáo dục theo hướng “chơi mà học, học bằng chơi”; tổ chức các hoạt động trải nghiệm giúp trẻ phát triển tốt về thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm kỹ năng xã hội và có tâm lý sẵn sàng bước vào lớp 1; đồng thời hình thành các kỹ năng sống cần thiết (tự phục vụ, xin phép, chờ đến lượt, giơ tay phát biểu, bảo vệ bản thân).

Với riêng hoạt động cho trẻ làm quen chữ viết để chuẩn bị bước vào lớp 1, bà Điệp đánh giá, sẽ giúp vốn từ của trẻ được nâng cao, trẻ được tập nghe để nhận biết, phân biệt và tập phát âm các âm của tiếng Việt, được làm quen với các con chữ cái, kiểu chữ, cách phát âm, hiểu nghĩa từ, kỹ năng tô đồ, sao chép; trẻ hiểu được mối quan hệ giữa ngôn ngữ nói với ngôn ngữ viết; từ đó giúp trẻ hiểu thế nào là “đọc và viết” sau này ở trường phổ thông thông qua các bài tập trò chơi…

Cạnh đó, việc cho trẻ làm quen chữ viết còn giúp trẻ hình thành và rèn luyện một số kỹ năng như cầm bút, hướng viết, cách đọc, cầm sách, mở từng trang sách, tư thế ngồi, tư thế viết… Nhờ vậy, trẻ được hình thành một số kỹ năng cần thiết cho việc học tiếng Việt ở lớp 1.


Việc làm quen chữ viết cho trẻ mầm non được thể hiện qua nhiều hình thức

“Cho trẻ mầm non làm quen chữ viết không chỉ thể hiện qua việc giáo viên tổ chức các hoạt động giáo dục mà còn thể hiện trong sinh hoạt mọi lúc mọi nơi và đặc biệt đó chính là xây dựng môi trường chữ đa dạng trong lớp. Trong thiết kế môi trường giáo dục, giáo viên nên cùng với trẻ thay đổi môi trường này thường xuyên với mục đích nâng cao năng lực đọc, viết tự nhiên của trẻ, để trẻ được “tắm” trong môi trường chữ viết” – bà Lương Thị Hồng Điệp nêu ví dụ.

Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý, đối với hoạt động làm quen chữ viết trong giờ học cần giáo viên chú ý bám vào nội dung chương trình và năng lực thực tế của trẻ, thời điểm, giai đoạn, để từ đó thiết các các hoạt động giáo dục làm quen chữ viết phù hợp trẻ. Tiến trình các hoạt động cần đảm bảo theo trình tự từ đơn giản đến nâng cao và đáp ứng với mục đích yêu cầu đặt ra.

“Việc giáo viên ứng dụng các phương pháp giáo dục hay các phương tiện tiên tiến để đổi mới hình thức tổ chức hoạt động làm quen chữ viết giúp trẻ học qua trải nghiệm, tìm tòi khám phá, hoạt động nhóm, cá nhân với những trò chơi hấp dẫn là điều cần thiết đáp ứng với thực tiễn. Tuy nhiên giáo viên cần chú ý đến tiến trình hoạt động sao cho phù hợp và đảm bảo theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm” – bà Điệp nói thêm

Yến Hoa

Bình luận (0)