Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo dục miền núi trung du Bắc bộ: Hai vấn đề lớn cần giải quyết

Tạp Chí Giáo Dục

Một lớp học mẫu giáo ở vùng Tây Bắc. Ảnh: I.T

Ngày 7-1, tại Hòa Bình, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh vùng trung du, miền núi Bắc bộ giai đoạn 2012-2020 với sự tham gia của lãnh đạo 16 tỉnh (từ Tây Nghệ An, Tây Thanh Hóa trở ra).
Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi: Khó khăn cơ sở vật chất
Trong 16 tỉnh trung du miền núi phía Bắc mới chỉ có 2 tỉnh đạt phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) 5 tuổi, 14 tỉnh còn lại sẽ có những tỉnh dự kiến cán đích năm 2013. Nhưng đa số các tỉnh này còn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Theo bà Hà Thị Nga, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai thì dự kiến tỉnh sẽ hoàn thành PCGDMN 5 tuổi vào cuối 2013 nhưng vấn đề cơ sở vật chất và đồ dùng thiết bị cho học sinh đang là những rào cản lớn nhất. Hiện toàn tỉnh còn 1.464 phòng học tạm, 2.562 nhà công vụ cho giáo viên (con số này theo bà Nga là mới đạt trên 20% so với nhu cầu). Do đó, bà Nga đề nghị cần tiếp tục có chính sách kiên cố hóa trường lớp để hỗ trợ các tỉnh. Còn theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Cao Bằng thì từ 2006, tỉnh đã và đang từng bước đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường lớp, phòng/lớp học MN, giảm một phần phòng học xuống cấp, đảm bảo yêu cầu tối thiểu điều kiện chăm sóc giáo dục trẻ. Song do kinh phí hạn hẹp nên nhiều trường MN tiến độ đầu tư xây dựng theo quy hoạch còn chậm. Một số trường MN được xây dựng sử dụng độc lập nhưng diện tích đất, khuôn viên nhà trường còn nhỏ hẹp, không có diện tích để xây dựng các phòng chức năng, sân chơi, khu vui chơi cho trẻ. Một số trường – lớp MN ở các xã vùng khó khăn vẫn phải đi học nhờ, học tạm hoặc học ghép với các trường phổ thông và các nhóm/lớp thôn bản.
Về vấn đề này, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, so với 5 năm trước đây, GD-ĐT của vùng đã có bước chuyển rõ rệt cả về chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn, tuy nhiên do xuất phát điểm thấp nên đây vẫn là vùng trũng về GD-ĐT so với các vùng miền khác trên cả nước. Để đưa chất lượng giáo dục vùng này lên cao, trách nhiệm này không chỉ của riêng ngành giáo dục mà của cả các ban ngành, đoàn thể khác cùng vào cuộc; đồng thời, để làm được điều đó, phải kiên trì, và dài lâu. Trước mắt, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề nghị các địa phương trong vùng tập trung vào các nhiệm vụ: Đẩy mạnh dạy tiếng Việt cho học sinh là con em các dân tộc thiểu số. Tập trung các nguồn lực để tăng cường năng lực cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, chăm lo đến đời sống nội trú cho học sinh.
Giáo dục nghề nghiệp: Thiếu và yếu
Một vấn đề nữa được quan tâm tại hội nghị lần này đó chính là vấn đề dạy nghề cho người lao động. Ông Phạm Duy Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết hiện nay tỉnh có nhu cầu lớn về nghề cơ khí, điện tử, y tế và nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, các ngành này trong đào tạo của tỉnh đều yếu và thiếu. Bên cạnh đó, ông Cường còn cho biết thêm, hiện Yên Bái có 7.000 học sinh tập trung học tập tại các trường CĐ, TCCN ở TP.Yên Bái nhưng do chưa có ký túc xá nên những học sinh này đều phải đi ở trọ. Bà Giàng Thị Hoa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cũng cho biết dạy nghề của tỉnh còn nhiều khó khăn. Đa số thanh niên đi học nghề nhưng vấn đề giải quyết việc làm cho họ không đơn giản. Đồng quan điểm này, bà Hà Thị Nga, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai còn cho biết thêm, chỉ tính riêng tỷ lệ chuyên cần đã thấy có nhiều tồn tại. Đó còn chưa kể đến việc đào tạo ngành nghề có phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội, với nhu cầu của người dân hay không.
Tại hội nghị lần này, lãnh đạo nhiều tỉnh trung du, miền núi phía Bắc mong muốn được thành lập trường ĐH của riêng mình như Tuyên Quang, Điện Biên. Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, Bộ GD-ĐT chỉ cho phép thành lập trường trên cơ sở địa phương chịu trách nhiệm hoàn toàn về kinh phí hoạt động. Về phía chủ trương của Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý việc thành lập thêm 2 trường ĐH trong vùng và giao Bộ GD-ĐT phối hợp, nghiên cứu xây dựng, đặt địa điểm tại địa phương phù hợp vào thời điểm thích hợp.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Hệ thống trường lớp tuy đã được đầu tư nhưng tình trạng thiếu phòng học, phòng học tạm bợ, dột nát vẫn chưa được khắc phục, nhiều thôn bản vẫn trắng lớp mẫu giáo, điều kiện ăn ở bán trú của học sinh còn khó khăn; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không ngừng được bổ sung nhưng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu, đời sống của giáo viên còn nhiều khó khăn chưa yên tâm công tác giảng dạy. Tỉ lệ hộ nghèo trong vùng còn cao, ý thức của người dân cũng như các điều kiện dành cho con em học tập còn nhiều hạn chế, những bất cập về nội dung, chương trình học ngôn ngữ. Tổ chức tuyển sinh đào tạo và dạy nghề chủ yếu xuất phát từ nhiệm vụ, chức năng của ngành giáo dục, chưa có được một chiến lược phát triển nguồn nhân lực chung của vùng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động nên tỉ lệ học sinh có việc làm, phát huy kiến thức sau ra trường tạo thu nhập chưa được cao.
“Trong thời gian tới, lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền của các địa phương trong vùng trung du, miền núi phía Bắc cùng Thanh Hóa, Nghệ An phải thực sự đặt “GD-ĐT là “quốc sách hàng đầu” trong việc thực hiện kế hoạch hàng năm; để từ đó ưu tiên chính sách, nguồn lực tập trung cho công tác GD-ĐT, dạy nghề”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)