Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Giáo dục Nam Phi: Bức tranh tối màu

Tạp Chí Giáo Dục

Một lớp học ở Nam Phi (ảnh minh họa). Ảnh: I .T

Thế giới đang nhộn nhịp với “ăn bóng đá, ngủ bóng đá”, hăng say cùng World Cup 2010 trên đất Nam Phi. Nhưng ít ai biết, đối nghịch với những hào nhoáng, tráng lệ của hệ thống bến cảng, nhà ga, sân vận động… là hệ thống giáo dục “u tối” với hơn 70% giáo viên bị nhiễm HIV.
Nam Phi được xem là quốc gia đầu tư cho giáo dục nhiều nhất so với các nước ở châu Phi. Tuy nhiên, chất lượng cơ sở vật chất và giáo dục đào tạo thì được xếp hạng gần như thấp nhất. Hơn 15 năm sau khi chế độ Apartheid bị chôn vùi, những người da đen vẫn chịu nhiều thiệt thòi trong lĩnh vực giáo dục. Thay vì chấm dứt sự bất bình đẳng, như Đảng đại hội dân tộc Phi (ANC) cầm quyền đã hứa, sự cách biệt giữa các học sinh khác màu da ở đất nước này vẫn đang còn nỗi ám ảnh.
Khập khiễng giữa đầu tư và chất lượng
Ông Graeme Bloch, một chuyên gia giáo dục của Ngân hàng Phát triển Nam Phi, cho rằng hệ thống giáo dục là một “thảm họa dân tộc”, có đến 80% các trường học “loạn chức năng”. Khoảng một nửa học sinh bỏ học trước khi kết thúc kỳ thi cuối cấp. Hằng năm, đất nước Nam Phi chỉ có vỏn vẹn khoảng 15% học sinh đủ điểm để học đại học. Tuy nhiên, cũng chỉ có khoảng một nửa trong số đó là hoàn thành chương trình học đại học. Một số người bi quan cho rằng giáo dục Nam Phi không cung cấp được những lao động có kỹ năng đáp ứng cho nền kinh tế đang phát triển nhanh của đất nước.
Chính phủ Nam Phi đã rót nhiều tiền vào trường học, đặc biệt ở các khu vực có đông người da đen sinh sống nhằm giảm bớt sự cách biệt trình độ giữa học sinh da đen và da trắng. Tuy nhiên, trong kỳ thi toán học năm 2008, có 39% học sinh da đen vượt qua kỳ thi so với 98% số học sinh da trắng; 28% học sinh da trắng giành được điểm giỏi trong khi chỉ có 2% học sinh da đen giành điểm giỏi. Người da trắng chiếm 9% dân số, nhưng lại giành 42% các bằng cấp được trao năm 2007.
Sự khác biệt này có căn nguyên từ lịch sử. Dưới chế độ Apartheid, những người da đen bị phân biệt đối xử. Vào cuối thập niên 1960, chi phí giáo dục của chính phủ dành cho một đứa trẻ da trắng cao gấp 16 lần so với một đứa trẻ da đen. Hầu hết các giáo viên da đen đều không được đánh giá cao bằng giáo viên người da trắng. Các trường học nơi có phần lớn các trẻ em da đen theo học đều được trang bị cơ sở hạ tầng kém hơn và lớp học đông hơn… Ngoài những lý do trên, giáo viên cũng chịu một phần trách nhiệm lớn về sự tồi tệ của nền giáo dục Nam Phi. Gần 18% giáo viên có bằng cấp đạt chuẩn. Hầu hết các giáo viên chỉ ở trường nửa thời gian quy định (6,5 tiếng), thời gian còn lại họ kiếm việc làm thêm. Giáo án giảng dạy của các giáo viên cũng không được giám sát, kiểm tra một cách có hệ thống.
Hơn 70% giáo viên bị nhiễm HIV
Cho đến nay, Nam Phi vẫn luôn là mảnh đất nóng bỏng của đại dịch AIDS. Chỉ riêng trong hệ thống giáo dục, đã có hơn 70% giáo viên biết mình đã bị nhiễm HIV. Phát hiện gây “sốc” này do nữ tiến sĩ Olive Shisana công bố tại Hội đồng nghiên cứu khoa học con người khi bà trình bày những phát hiện của mình trong đề tài nghiên cứu về vấn đề sức khoẻ của giáo viên sống tại Nam Phi. Tiến sĩ Olive Shisana bộc bạch: “Chỉ có 30% số giáo viên nhiễm HIV dương tính là có sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục”. Nghiên cứu của bà Shisana tập trung vào các giáo viên tại 1.700 trường học trên cả nước. Theo bà Shisana, năm 2009 ở Nam Phi đã có hơn 4.000 giáo viên chết bởi các căn bệnh có liên quan tới HIV và AIDS, 80% trong số đó có tuổi đời dưới 45 và 30% trong độ tuổi từ 25 đến 34. Tỷ lệ giáo viên mắc bệnh ở trường tiểu học ngang bằng với tỉ lệ ở trường trung học. Bà Shisana cho biết thêm: “Với những giáo viên có trình độ học vấn cao, có thu nhập hàng năm vào loại khá và có thêm các khoản thu nhập phụ thì sự lây nhiễm ít hơn so với các giáo viên có học vấn thấp hơn, mức thu nhập hàng năm cũng thấp hơn và không dư trong chi tiêu”.
Kim Long
 (Theo economist)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)