Theo quan điểm đổi mới giáo dục, giáo dục nghề nghiệp được xem là một trong 7 yếu tố phát triển toàn diện năng lực học sinh. Dạy nghề và định hướng nghề nghiệp cần đặt xuyên suốt trong toàn bộ chương trình giáo dục, từ tiểu học đến THPT ở nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, bậc THPT được xem là bậc “thực học – thực nghiệp”, có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quyết định chất lượng đầu ra của học sinh.
Lệch cung – cầu hướng nghiệp
Mới đây, theo kết quả một cuộc khảo sát do Th.S Lê Thị Ngọc Thương, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, thực hiện về nhu cầu hướng nghiệp của học sinh lớp 12 các trường THPT trên địa bàn TPHCM, có đến 72,6% học sinh được hỏi tán thành đề xuất giáo viên bộ môn tham gia giải đáp thắc mắc nghề nghiệp cho học sinh. Nguyên nhân là do trong quá trình học tập trên lớp, các em có nhiều cơ hội tiếp xúc giáo viên bộ môn, từ nội dung gợi mở qua các bài học đặt câu hỏi về nghề nghiệp tương lai cho các thầy cô giáo bộ môn. Song trên thực tế, công tác hướng nghiệp hiện nay được xác định chủ yếu do giáo viên chủ nhiệm và chuyên viên tư vấn tâm lý ở các trường tiếp nhận. Rất ít giáo viên bộ môn tích hợp thường xuyên kiến thức tuyên truyền, giáo dục nghề nghiệp cho học sinh vào nội dung bài giảng. Từ thực tế đó, Th.S Ngọc Thương kiến nghị hướng nghiệp cho học sinh THPT không nên dừng lại ở nhiệm vụ của phòng tư vấn tâm lý, mà cần phổ biến cho tất cả giáo viên bộ môn để nhiệm vụ hướng nghiệp được thực hiện một cách có chiều sâu, nắm bắt kịp thời nhu cầu và tâm lý học sinh.
Cần đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp ở bậc THPT
Cũng theo kết quả khảo sát, có đến 66% học sinh và 76,8% giáo viên được hỏi cho rằng biện pháp cung cấp thêm thông tin về nghề, ngành học, trường và cơ hội việc làm thông qua hoạt động Đoàn, bảng thông báo định kỳ là hết sức cần thiết. Tuy nhiên trên thực tế, Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh không quy định hướng nghiệp là một trong những chức năng, nhiệm vụ của Đoàn cơ sở. Ngoài ra, có 71,3% học sinh và 75% ý kiến giáo viên nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng thêm các hoạt động hướng nghiệp định kỳ cho học sinh ở cả ba khối 10, 11 và 12, không giới hạn học sinh lớp 12 như cách làm của nhiều trường hiện nay. Nguyên nhân, theo Th.S Lê Thị Ngọc Thương là do hướng nghiệp cần mang tính định hướng cho cả quá trình chứ không chỉ ngắn hạn, ứng phó cấp bách cho riêng giai đoạn lớp 12, càng không được đánh đồng hướng nghiệp với tư vấn tuyển sinh điểm chuẩn đại học vào cuối bậc học. Trong khi đó, các trường hiện nay chủ yếu triển khai nội dung hướng nghiệp trong tiết sinh hoạt chào cờ ở sân trường hoặc sinh hoạt trên lớp với giáo viên chủ nhiệm, khó đảm bảo thời lượng đủ một tiết học do còn kết hợp nhiều nội dung khác. Có nơi, đơn vị sử dụng lại tài liệu hướng nghiệp và cách thức tổ chức cũ, không có nhiều bổ sung, sáng tạo khiến hiệu quả không như mong đợi.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TPHCM thực hành trong phòng nghiên cứu của trường
Xây dựng kế hoạch cụ thể trong từng năm
Từ những thực tế đó, nhiều ý kiến đã đề xuất Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM ban hành hướng dẫn giáo dục hướng nghiệp cho học sinh kèm theo văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ trong từng năm học, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện sinh hoạt hướng nghiệp ở các trường và tính vào đánh giá thi đua cuối năm học. Ở phía ngược lại, các trường cần xây dựng kế hoạch hướng nghiệp cụ thể trong từng năm học, báo cáo Sở GD-ĐT vào đầu năm và có tổng kết, ghi nhận tình hình thực hiện cuối năm, trong đó đánh giá cụ thể từng hoạt động, có đề xuất, kiến nghị, nêu được khó khăn, thuận lợi… Ngoài ra, thay vì chỉ tập trung dạy học sinh một số kỹ năng nghề nghiệp cơ bản, hiểu biết về một số ngành nghề phổ biến trong xã hội như cách làm truyền thống, giáo dục theo hướng đổi mới toàn diện phải xem giáo dục nghề nghiệp là một phần của giáo dục kỹ năng sống, tạo điều kiện cho học sinh có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, chiếm lĩnh tri thức về các ngành nghề đang có trong xã hội cũng như đặc thù của từng khu vực, địa bàn để phát huy tối đa năng lực, phẩm chất hiện có.
Hiện nay ở nước ta chưa có ngành đào tạo giáo viên hướng nghiệp nên nhiệm vụ này vẫn phụ thuộc vào sự kiêm nhiệm của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm. Vì thế, để làm tốt công tác hướng nghiệp đòi hỏi bản thân giáo viên phải tự học để trang bị cho mình các kỹ năng cần thiết như trò chuyện, thấu cảm, kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề… Ngoài ra, để giải bài toán “lỗ hổng” về chế tài, quy định kinh phí, chi phí, phụ cấp cho giáo viên tham gia hướng nghiệp, các đơn vị kiến nghị cơ quan quản lý sớm ban hành cơ chế tài chính hợp lý để hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cùng tham gia hướng nghiệp cho học sinh. Trong đó, trường học phối hợp cùng doanh nghiệp thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan thực tế ở các cơ sở, trường dạy nghề, hội chợ việc làm để các em có nhận thức đầy đủ hơn về đòi hỏi của thị trường lao động. Riêng Sở GD-ĐT TP cần chủ động mở các hội nghị về giáo dục hướng nghiệp, có tổng kết, đánh giá, khen thưởng đơn vị làm tốt, rút kinh nghiệm những mặt chưa làm được để hoạt động sớm đi vào chiều sâu, tránh tình trạng “được chăng hay chớ” như hiện nay.
MINH QUÂN/ SGGP
Bình luận (0)