Tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa đạt mục tiêu đề ra, một số ngành nghề chỉ đáp ứng 30% nhu cầu tuyển dụng, thiếu thực tiễn… Đó là những nhìn nhận thẳng thắn của các đại biểu tham dự Hội thảo “Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020, thực trạng và giải pháp” do Sở LĐ-TB&XH TP phối hợp với Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức mới đây.
Ngành CNTT mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tuyển dụng. Ảnh: H.Triều |
Chương trình giảng dạy: Tham khảo là chính
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho rằng: Nhận thức của xã hội về công tác đào tạo nghề từng bước có những chuyển biến rõ rệt, tạo sự đồng thuận trong các ngành, các cấp của thành phố. Qua đó, chất lượng và hiệu quả đào tạo được cải thiện, mạng lưới cơ sở dạy nghề và ngành nghề đào tạo phát triển đa dạng, phong phú.
Mặc dù vậy, theo TS. Bùi Văn Hồng, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thì, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chưa đạt mục tiêu đề ra. Các ngành CNTT, điện – điện tử, cơ khí chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tuyển dụng; mất cân đối giữa các bậc học và cơ cấu ngành nghề giữa lĩnh vực kỹ thuật với lĩnh vực khác.
Đồng quan điểm, TS. Huỳnh Thanh Điền (nhóm tư vấn hỗ trợ công nghiệp TP.HCM) cho rằng, khả năng đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực tại TP.HCM còn hạn chế. Nguyên nhân là do các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành, nhất là nhân lực cho lĩnh vực thiết kế, chế tạo sản phẩm, điều khiển, vận hành hệ thống công nghiệp…
Về thực trạng đào tạo nghề, TS. Điền đánh giá: “Ở cơ sở đào tạo, giáo viên là thầy giáo chuyên dạy, thiếu thực tiễn tại những đơn vị vận hành hệ thống sản xuất. Còn chương trình thì thiết kế chủ quan, tham khảo các chương trình của nước ngoài chứ không dựa vào nhu cầu của doanh nghiệp”.
TS. Điền cũng nhìn nhận rằng, mặc dù có rất nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nhưng thiếu cơ chế phối hợp dù dưới hình thức bắt buộc hay tự nguyện.
Theo TS. Vũ Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề, thị trường lao động Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức với tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp (20,62%); chất lượng lao động thấp – đứng 11/12 nước châu Á; tỷ lệ thất nghiệp quý I-2015 là 177,7 ngàn SV, đến quý I-2016 tăng lên 190,9 ngàn SV và quý II-2016 là 191,3 ngàn SV.
Sáp nhập các cơ sở dạy nghề không hiệu quả
Từ những bất cập trong đào tạo nghề, TS. Hồng cho rằng, để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập cần có cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp phù hợp. Đồng thời, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Song song đó triển khai áp dụng khung trình độ quốc gia, nâng cao chất lượng đào tạo tiếp cận chuẩn ASEAN và thế giới…
Tham dự hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, nhận thức về dạy nghề và học nghề là yếu tố căn bản. Vì vậy cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan ban ngành để tăng cường tuyên truyền sâu rộng, làm thay đổi nhận thức của một bộ phận nhân dân là không nhất thiết phải vào ĐH như một điều kiện tiên quyết để lập thân, lập nghiệp. Thực hiện hiệu quả chủ trương đẩy mạnh phân luồng sau THCS, định hướng nghề nghiệp sau THPT. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh việc quy hoạch phát triển hệ thống dạy nghề để làm cơ sở sắp xếp lại mạng lưới trường nghề cho phù hợp theo hướng giải thể, sáp nhập các cơ sở hoạt động không hiệu quả. Song song đó phải có những chính sách thu hút giáo viên và nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng…
Theo PGS.TS Dương Đức Lân, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ,TB&XH), thì: TP.HCM cần nhân rộng mô hình đào tạo kép của Đức. Đây là mô hình đào tạo gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường phù hợp với thực trạng giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Điểm mạnh của mô hình này là thời gian HS, SV lên lớp rất ít mà chủ yếu thực hành tại doanh nghiệp. Đến khi ra trường, lao động lại làm việc tại vị trí cũ nên không khỏi bỡ ngỡ, doanh nghiệp cũng không phải mất chi phí cũng như thời gian đào tạo lại.
Ông Lân cũng gợi ý, TP.HCM nên nghiên cứu và phát triển ĐH ứng dụng gắn liền với thị trường lao động.
Trần Anh
Bình luận (0)