Giảm nghèo trên diện rộng là việc không dễ dàng, cần có chính sách, cơ chế của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, toàn xã hội và từng cá nhân. Tuy nhiên, làm thế nào để cái nghèo không quay trở lại thì còn khó khăn hơn rất nhiều. Giảm nghèo qua phương pháp giáo dục, đặc biệt giáo dục nghề nghiệp được coi là cách làm căn cơ và bền vững.
Giảm nghèo tốt nhưng tái nghèo cao
Về Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo Bền vững giai đoạn 2021-2025, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo được ban hành đồng bộ, toàn diện.
Các chính sách giảm nghèo thường xuyên đã góp phần hỗ trợ cho người nghèo tiếp cận hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản; các chính sách tín dụng xã hội đã hỗ trợ người dân vay vốn để tổ chức sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tạo sinh kế; nguồn lực xã hội hóa góp phần hỗ trợ người dân giải quyết một số nhu cầu cấp thiết như nhà ở, sinh kế, cải thiện đời sống.
Kết quả là Việt Nam đã đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao hằng năm. Người dân đã có ý thức chủ động nỗ lực vươn lên thoát nghèo, chủ động tổ chức các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, tạo thu nhập phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương.
Việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 trên phạm vi toàn quốc được thực hiện trong tháng 1/2023 cho thấy, tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) chung toàn quốc là 7,52%. Tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 1.972.767 hộ.
Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ước tính còn 2,93% (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo là người các dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ở Việt Nam, người dân dễ rơi vào tình trạng tái nghèo, nhất là ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Một báo cáo của Bộ được công bố vào nửa cuối năm 2022 đánh giá rằng kết quả giảm nghèo của Việt Nam chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao. Cùng với đó, chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa các địa phương, vùng, miền, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều.
Đặc biệt, tình trạng thoát nghèo của nhóm đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu bền vững: có tới 20% số hộ thuộc nhóm đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo giai đoạn năm 2016 đã tái nghèo vào năm 2018, trong khi tỷ lệ này ở nhóm người Kinh-Hoa chỉ là 7,6%.
Tình trạng thoát nghèo thiếu bền vững do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung, hoạt động về giáo dục nghề nghiệp còn chậm so với yêu cầu tiến độ quy định tại Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 12/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Một số văn bản hướng dẫn sau khi ban hành còn vướng mắc ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình tại địa phương như dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững.
Điều đáng lưu ý là một số người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức hỗ trợ người khác vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chiếc “cần câu” hiệu quả
Trong giai đoạn 2021-2025 tổng số vốn sự nghiệp dành cho Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo là 28.000 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn, tuy nhiên không dễ để “hấp thụ” hiệu quả khoản chi.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương bố trí ngân sách thực hiện các chương trình, cơ chế, chính sách giảm nghèo cho người dân để đạt được mục tiêu thoát nghèo bền vững.
Việc giảm nghèo bền vững còn gặp nhiều khó khăn do phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định, đặc biệt là người lao động thiếu kỹ năng nghề nghiệp, khó tiếp cận việc làm.
Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nêu rõ để giảm nghèo bền vững thì chính sách giảm nghèo phải theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách "cho không," phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Đồng thời, cần chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn, phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo.
Đối với câu hỏi về việc tạo “cần câu” hay trao “xâu cá” cho người nghèo, chúng ta đã có câu trả lời rõ ràng: người dân cần cả hai nhưng “cần câu” đóng vai trò quan trọng hơn. Và giáo dục nói chung, trong đó có đào tạo nghề, là chiếc “cần câu” hiệu quả nhất, là một trụ cột vững chắc để thoát nghèo bền vững.
Theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, cần động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.
Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2016-2020 có 38% số hộ đã thoát nghèo và 53% số gia đình trở thành hộ khá sau khi được hỗ trợ học nghề ngắn hạn; 90% số người sau học nghề trung cấp, cao đẳng đã có việc làm ổn định, thu nhập tốt, thoát nghèo bền vững.
Trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo Bền vững giai đoạn 2021-2025, nội dung về đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thiết kế thành một dự án riêng là dự án số 4 với các mục tiêu, lộ trình và chỉ tiêu cụ thể.
Mục tiêu của Chương trình là phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đối tượng là người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Các nội dung, hoạt động trong dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn bao gồm: tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; xây dựng các chuẩn về giáo dục nghề nghiệp, phát triển hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, phát triển chương trình, học liệu, phát triển nhà giáo và cán bộ quản lý phù hợp; khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề, truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm; phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn; đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết nội dung về đào tạo nghề nêu tại Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo Bền vững giai đoạn 2021-2025 là một trong những thay đổi trong cách tiếp cận để giải quyết vấn đề giảm nghèo bền vững, tiếp cận ở góc độ người lao động có kỹ năng, có việc làm một cách thỏa đáng, bền vững. Đó là nội dung căn cơ để giải quyết các vấn đề thiếu hụt khác như: thiếu hụt về thu nhập, thiếu hụt về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản…
Do đó, việc triển khai thực hiện hiệu quả nội dung về phát triển giáo dục nghề nghiệp trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo Bền vững giai đoạn 2021-2025 là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững trong thời gian tới. Để làm được điều này, trước hết Nhà nước cần có các chính sách đầu tư trọng tâm vào vùng có điều kiện khó khăn để tạo điều kiện tiếp cận, tham gia các lớp giáo dục nghề nghiệp cho người lao động.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Dung, đại biểu Quốc hội, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình, cho rằng các chính sách giảm nghèo cần được thiết kế lại theo hướng đầu tư cho con người, trong đó chú trọng đến đào tạo nghề – với tư cách là "chiếc cần câu” thiết yếu.
Theo tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Dung, hiện tại chương trình hỗ trợ đào tạo cho người nghèo đa số là các khóa đào tạo ngắn hạn, truyền nghề, cầm tay chỉ việc ở một số ngành, nghề đơn giản… Tuy nhiên, cách tiếp cận này còn chưa thực sự hiệu quả, bền vững do những thay đổi nhanh chóng của công nghệ sản xuất cũng như những biến động của thế giới hiện tại mà đối tượng ảnh hưởng đầu tiên là những người nghèo do không có tài sản tích lũy cũng như những kỹ năng để có thể thích nghi với những biến động này.
Nhiều nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo cho rằng tăng năng lực sản xuất cho người nghèo là cái gốc để bảo đảm giảm nghèo bền vững. Muốn vậy, cần quán triệt tinh thần coi trọng “cho cần câu hơn cho con cá”; bên cạnh việc đầu tư hạ tầng, kết nối với các vùng phát triển, hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thì cần quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề cho người nghèo, để họ có cơ hội tìm việc làm, tham gia quá trình tăng trưởng kinh tế và hưởng lợi trực tiếp từ quá trình này.
Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khuyến nghị với Việt Nam rằng năng suất và kỹ năng lao động là những trụ cột chính cho giảm nghèo và phát triển bền vững, thay vì chỉ hỗ trợ học nghề ngắn hạn thì phải tập trung vào đào tạo nghề chính quy ở trường nghề. Bằng cấp chính thức sẽ là cơ sở giúp người nghèo vươn lên một cách bền vững và chính thức hóa việc làm phi chính thức; cần quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở dạy nghề, đồng thời với hỗ trợ người nghèo đi học nghề.
Bài học kinh nghiệm tại một số nước như Bangladesh, Philippines, Hàn Quốc cho thấy sự thành công trong việc gắn giáo dục nghề nghiệp với giảm nghèo bền vững. Đối với Việt Nam, nhiều báo cáo nghiên cứu cũng chỉ ra rằng giáo dục nghề nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và thu nhập của các hộ gia đình, ảnh hưởng đến tình trạng nghèo của các hộ gia đình.
Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều có tương quan mạnh mẽ với trình độ giáo dục của chủ hộ, tình trạng nghèo đa chiều của nhóm các chủ hộ đã tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học chỉ chiếm dưới 1%, trong khi đó, tình trạng nghèo của nhóm có chủ hộ chưa học xong tiểu học lên tới 26,6%. Tỷ lệ nghèo giảm ở các hộ có chủ hộ có các trình độ học vấn cao hơn, tốc độ giảm nghèo của các nhóm hộ có chủ hộ lao động không có kỹ năng nghề thấp hơn các nhóm hộ khác.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 có giáo dục nghề nghiệp tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 (gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines), đến năm 2045, tiếp cận trình độ của các nước G20 – nhóm các nền kinh tế lớn. Đây là một phương thức hiệu quả để người dân chia tay cái nghèo mà "không hẹn ngày gặp lại”./.
Bình luận (0)