Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Giáo dục nghề nghiệp ngắc ngoải đã lâu, ai cứu?

Tạp Chí Giáo Dục

Kết thúc tuyển sinh 2018, giáo dục nghề nghiệp tuyển được 2,21 triệu người, đạt 100,5% kế hoạch – một con số đẹp hơn mơ.

Thế nhưng, có đến 75% con số này vào học trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác, còn vào trường trung cấp và cao đẳng chỉ chiếm khoảng 25%.

Báo cáo đẹp nhưng có thật?

Tính đến cuối năm 2018, riêng các trường trung cấp (TC) tại TP.HCM chỉ có 20/64 trường tuyển sinh được 50% chỉ tiêu trở lên; 15/64 trường tuyển sinh đạt từ 20% đến dưới 50%; số trường còn lại chỉ đạt dưới 20% chỉ tiêu. Theo ông Trương Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH), tuyển sinh GDNN thừa nhận còn gặp khó khăn, đặc biệt ở những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, ngành đòi hỏi năng khiếu… 

Thực ra, tình trạng trường TC và cao đẳng (CĐ) ngắc ngoải không là chuyện mới, tiếng “kêu cứu” đã được gióng lên từ lâu. Nhưng chưa có một cuộc “giải cứu” đúng nghĩa nào được triển khai nên câu chuyện này vẫn chưa bao giờ cũ.

Trong các cuộc họp về GDNN thì câu chuyện bộ chủ quản luôn là một trong những khó khăn của loại hình này. Dù GDNN đã được “trao trả” về cho Bộ LĐ-TB và XH quản lý gần ba năm nay, nhưng thực tế còn một số địa phương chưa được bàn giao và vận hành quản lý, gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo. Trong 40 năm qua, GDNN đã được tách nhập ba lần giữa các bộ: Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Bộ LĐ-TB và XH. Do đó, GDNN không có được một chiến lược xuyên suốt nào để phát triển. 

Giao duc nghe nghiep ngac ngoai da lau, ai cuu?
Sinh viên Trường cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM biểu diễn mô hình thiết kế và đua xe robot

Khi mà chính sách “nội sinh” chưa kịp giúp các trường mạnh lên thì các trường “chiếu trên” như đại học (ĐH) lại có sự thay đổi đáng kể ở cách thức tuyển sinh nhằm mở rộng cửa hơn với người học. Tính đến thời điểm này, có gần 10 cách thức khác nhau để vào ĐH: xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia; xét học bạ phổ thông; phương thức kết hợp; xét từ kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM; thi đánh giá năng lực riêng… Cộng với chỉ tiêu tuyển sinh ĐH ngày càng tăng, điểm chuẩn hạ thấp, thời gian tuyển sinh kéo dài đã thu hút phần lớn học sinh vào ĐH, trong khi số lượng học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm không tăng nhiều. Các cơ sở GDNN càng gặp nhiều áp lực về nguồn tuyển. Dù đã có quy định đến năm 2020 sẽ dừng đào tạo hệ CĐ trong trường ĐH, thế nhưng, các trường vẫn cứ “ôm” hệ này để chiêu sinh. 

Ai cứu?

Hiệu trưởng một trường CĐ công lập thành thật nhìn nhận bức tranh tuyển sinh của các trường CĐ trên cả nước còn ảm đạm. Nguyên nhân chủ yếu tập trung vào các vấn đề như chất lượng đào tạo, sức ì của chính các trường do bao cấp nên “thị phần” vốn đã rất hẹp lại không có sức hút nào đáng kể. 

Một vấn đề đáng ngại là tình trạng bỏ học của sinh viên các trường CĐ khá cao, trong đó có nguyên nhân do các em cảm thấy chán nản với chất lượng đào tạo nên nghỉ học để nuôi hy vọng vào ĐH. Cũng không thể phủ nhận, với quy mô tuyển sinh nhỏ và thường xuyên gặp nhiều khó khăn nên sự đầu tư của các trường TC, CĐ thường ở tình trạng nghèo nàn, khiến người học dễ nản.  

Sự phát triển cơ sở GDNN thiếu quy hoạch, mạnh ai nấy làm đã dẫn đến chồng chéo ngành nghề, tạo ra sự cạnh tranh lẫn nhau không đáng có. Khi các cơ sở mầm non mọc lên như nấm, số trường ĐH sư phạm đào tạo ngành này không đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng thì hàng loạt trường TC xin “đẻ” ra ngành sư phạm mầm non. Hiện nay, “quán quân” đã thuộc về tay nhóm ngành dược học và điều dưỡng. Hầu hết các trường TC, CĐ đều có những ngành này và đây là ngành hiếm hoi còn tuyển được, trở thành nguồn sống của các trường. 

Trong khi đó, theo số liệu công bố cuối năm 2018 của Tổng cục Thống kê và Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, Việt Nam có 55,1 triệu lao động trong độ tuổi với trình độ: ĐH 5,3 triệu người; CĐ khoảng 1,6 triệu người; TC 2,2 triệu người; dạy nghề 3 tháng có 3 triệu người và có tới 43 triệu lao động chưa qua lớp đào tạo kỹ năng nghề nào. 

Rõ ràng, do GDNN không thu hút được người học, các chính sách không đủ để bắt buộc người làm nghề phải có bằng cấp chuyên môn nhất định… nên mới dẫn đến tình trạng trên. Làm gì để nhanh chóng mở rộng quy mô tuyển sinh cho GDNN? Câu hỏi đơn giản nhưng trả lời thì khó. Thực tế đòi hỏi phải quy hoạch lại các cơ sở GDNN, cần thiết phải sáp nhập một số trường công lập để đào tạo đa nghề, đa cấp trình độ. Các cơ sở GDNN nên giao về các địa phương thực hiện quản lý nhà nước, xóa bỏ bộ ngành chủ quản và thúc đẩy sự tự chủ của cơ sở đào tạo…

Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, nhấn mạnh: khó khăn ngày càng lớn với các trường TC, CĐ chính là đầu vào. Chỉ còn cách duy nhất là cạnh tranh bằng chất lượng và việc làm ở đầu ra. Các trường phải nhìn thấy lợi thế của trường quy mô nhỏ là dễ quản lý đảm bảo chất lượng. Có như vậy, các trường mới đủ tự tin để cam kết việc làm cho người học. Chung quy người đi học chỉ mưu cầu cái nghề và việc làm ổn định, trường đáp ứng được điều này thì không lo “đói”.

“Nên kết hợp với doanh nghiệp, tạo sự hợp tác song phương. Doanh nghiệp muốn tuyển dụng nhân sự thì nên vào trường cùng đào tạo để tìm đúng người và thực tế là từ năm thứ hai sinh viên CĐ đã có việc làm, vẫn là nên tự cứu mình và người học”, ông Lý đề xuất. Đúng là các trường vẫn phải tự cứu lấy mình trong cảnh phập phồng chờ những chính sách từ các cơ quan quản lý. 

TP.HCM: Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp 

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định về kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp của TP.HCM năm 2019. Theo đó, Sở LĐ-TB và XH được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND quận, huyện thực hiện rà soát, xác định thế mạnh tuyển sinh theo lĩnh vực ngành nghề đào tạo của các trường, phân công đào tạo theo từng lĩnh vực; trong đó ưu tiên cho các trường chất lượng cao, trường có nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN, quốc gia và các ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên của thành phố.

Về việc thí điểm tổ chức thực hiện mô hình “đào tạo kép”, các trường CĐ, TC có đào tạo bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp tổ chức quá trình đào tạo cho học sinh, sinh viên theo phương thức: 30% thời gian học tại trường (lý thuyết và thực hành căn bản) và 70% thời gian học thực hành kỹ năng nghề chuyên sâu tại doanh nghiệp. Thành phố tập trung đầu tư trọng điểm, hình thành một số cơ sở GDNN có cơ sở vật chất hiện đại, đủ khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, chương trình đào tạo của một số nước tiên tiến, đáp ứng yêu cầu đào tạo các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực và quốc gia đến năm 2020 nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác GDNN theo hướng linh hoạt, chuẩn hóa, hội nhập quốc tế…

Tiêu Hà/Phunuonline

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)