Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Giáo dục nghề: Trường công dễ dàng, trường tư chật vật

Tạp Chí Giáo Dục

Năm nay, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp bị ảnh hưởng do dịch, nhưng khó khăn tập trung ở trường ngoài công lập trong khi trường công vẫn có nhiều lợi thế.

Nhiều thí sinh điểm cao chọn học nghề ở trường cao đẳng công lập

Theo thạc sĩ Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, có sự chênh lệch rõ ràng giữa trường công lập và ngoài công lập. Chẳng hạn nhiều trường công lập có uy tín đã tuyển đủ 100% chỉ tiêu.

Tiến sĩ Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết năm nay có khoảng 15.000 thí sinh (TS) đăng ký vào trường, trong khi chỉ tiêu là 4.500. Tính ở cả 2 phương thức xét học bạ và thi tốt nghiệp THPT, thì có khoảng 44,4% TS có tổng điểm 3 môn trong tổ hợp đạt 21 trở lên. Số TS trên 24 điểm là gần 500, chiếm 10,5%. Có những TS đạt điểm thi tốt nghiệp THPT là 25, 26 điểm, hoàn toàn có thể đậu vào trường ĐH tốp trên, nhưng đã quyết định nhập học vào trường.

Tại Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, thủ khoa ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp là 25,9 điểm, ở phương thức học bạ là 28,87 điểm và số lượng TS trên 20 điểm ở cả 2 phương thức lên tới 73%. Riêng số lượng TS có điểm thi tốt nghiệp THPT trên 22 chiếm gần 30%. Đặc biệt, ở các trường này, việc nhập học diễn ra khi các trường ĐH còn đang xét tuyển. Điều đó cho thấy có không ít TS học lực khá giỏi, ngay từ đầu đã xác định học CĐ công lập mà không cần phải đợi trượt ĐH mới đăng ký.

Giáo dục nghề: Trường công dễ dàng, trường tư chật vật  - ảnh 1

Nhiều trường nghề đã tuyển đủ thí sinh, ngược lại có những trường đang rất chật vật. MỸ QUYÊN

Như vậy, các trường CĐ công lập, đặc biệt là những trường có uy tín lâu năm vẫn có nhiều ưu thế và thuận lợi trong việc thu hút TS, mặc dù dịch bệnh và tuyển sinh bậc ĐH được cho là có ảnh hưởng lớn đến tuyển sinh của các trường nghề nói chung.

Trường ngoài công lập tiếp tục xoay xở

Trong khi đó, nhiều trường ngoài công lập đang chật vật chưa tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí có trường chỉ đạt dưới 50%.

Thạc sĩ Phan Thị Lệ Thu, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, cho biết: “Ở bậc CĐ, trường mới gọi được 70% chỉ tiêu. So với năm 2020, năm nay rõ ràng có chậm hơn do dịch bệnh kéo dài, tuyển sinh ĐH vẫn còn chưa xong. Dù sao việc tuyển sinh của một số trường CĐ vẫn phụ thuộc vào thời gian tuyển sinh bậc ĐH. Bởi không phải TS nào cũng xác định học CĐ từ đầu, có nhiều em đợi đến khi không đậu trường ĐH nào, lúc đó mới chọn CĐ”.

Theo thạc sĩ Lệ Thu, việc tân sinh viên phải học trực tuyến cũng ảnh hưởng rất nhiều tới tuyển sinh của trường năm nay. “Đúng ra đến thời điểm này trường đạt 90% chỉ tiêu, nhưng do các em nhập học trực tuyến xong, tiếp tục ở nhà để học mà không biết khi nào mới được tới trường học trực tiếp nên có đến 20% bỏ ngang. Các em đang rất háo hức khi bước sang môi trường học tập mới, mong muốn trải nghiệm, nhưng lại phải ngồi ở nhà đối diện với máy tính mà không được đến trường nên tâm lý chán nản là có thật”, thạc sĩ Lệ Thu nhìn nhận.

Tiến sĩ Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, cũng cho hay năm nay trường tuyển khoảng 500 chỉ tiêu, nhưng hiện mới đạt khoảng 60%. “Thời gian nào mà dịch Covid-19 tạm lắng, chúng tôi đều đến trực tiếp các trường THPT, THCS để tiếp cận người học. Nhưng nhiều tháng qua dịch căng thẳng, chỉ có thể sử dụng hình thức trực tuyến nên khá hạn chế. Chưa kể, vừa rồi TP.HCM là tâm dịch nên phụ huynh có xu hướng không cho con em đi học xa mà ở lại địa phương”, tiến sĩ Phúc nói.

Đối với bậc TC, có hiệu trưởng dùng từ “điêu đứng” để nói về việc tuyển sinh năm nay. “Trường tôi chỉ tiêu là 600, đăng ký xét tuyển qua mạng là 300, nhưng hiện mới chỉ nhập học được hơn 100 em. Nếu là bậc ĐH thì có lẽ các em còn cố gắng theo học dù ngay đầu năm học phải học trực tuyến. Nhưng với học nghề, tâm lý các em sẽ khác, sẵn sàng bỏ ngang ngay nếu thấy có chút chán nản dù đã đăng ký học trước đó. Giờ chúng tôi chỉ mong dịch bệnh nhanh hết, các em được tiêm vắc xin đầy đủ, việc đi lại dễ dàng, có như vậy mới hy vọng tuyển thêm được”, thạc sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường TC Bách khoa TP.HCM, chia sẻ.

Chỉ 27% thí sinh chọn học trung cấp

Số liệu thống kê mới đây của Phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho thấy tính đến ngày 1.9, trình độ CĐ trên địa bàn thành phố mới chỉ tuyển được 19.827/45.000 chỉ tiêu, đạt 44,06%, trong khi trình độ TC là 9.980/36.000 chỉ tiêu, đạt 27,72%. Tính các bậc học nói chung thì số lượng tuyển được năm nay giảm khoảng 15 – 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Đặng Minh Sự cho rằng giáo dục nghề nghiệp được tuyển sinh quanh năm, vì thế cố gắng đến ngày 31.12, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường tại TP.HCM sẽ đạt con số chung là 70%. “Các trường nên tiếp tục tăng cường tư vấn trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tuyển sinh để thu hút người học”, ông Sự nêu quan điểm.

Theo Mỹ Quyên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)