Không có nguồn thu khi trẻ nghỉ học nhưng vẫn phải đảm bảo nguồn chi để giữ chân người lao động, trả tiền thuê mặt bằng, tiền duy trì hoạt động… là thực trạng đang diễn ra tại nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập trong mùa dịch Covid-19.
“Càng trong lúc khốn khó như dịch bệnh này, nếu đơn vị sử dụng lao động không tính toán đến các phương án nhân văn để hỗ trợ, giữ chân người lao động thì khi qua mùa dịch, nhiều đơn vị sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng lao động khi không có lao động để sử dụng. Tuy nhiên, để có thể đưa ra những phương án nhân văn trong lúc này, các đơn vị giáo dục ngoài công lập lại rất cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước, các giải pháp căn cơ từ các cấp chính quyền”, cô Đào Thị Tin, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục Thiên Ân Phúc bày tỏ.
Không thu vẫn chi tiền tỷ
“Chủ nhà trọ vừa nhắn tin cho em đòi tiền trọ tháng này, người ta thấy mình đóng cửa đi suốt sợ mình trốn”, cô H. giáo viên Trường Mầm non tư thục Sao Sáng (Q.9) nói như mếu. Cô H. cho hay, suốt từ đầu tháng 2 đến nay, khi trường học đóng cửa, không có học sinh, cuộc sống của gia đình cô trở nên rất khó khăn khi mọi thứ từ nhà trọ, con cái, ăn uống chỉ trông vào hơn 5 triệu tiền lương cơ bản. “Nếu tiếp tục nghỉ một tháng nữa, có lẽ mình phải tìm kiếm việc làm thêm”, cô H. nói.
Không riêng gì người lao động, trong giai đoạn nghỉ dài này, gặp khó nhất phải kể đến cơ sở giáo dục ngoài công lập. Đơn cử như Thiên Ân Phúc, đơn vị có tổng cộng 6 cơ sở giáo dục, theo tính toán, riêng trong tháng 2 vừa qua, khi không có học sinh, đơn vị vẫn phải bỏ ra trên 1,1 tỷ đồng để duy trì hoạt động, trong đó là hỗ trợ tiền lương cơ bản, tiền đóng bảo hiểm cho 130 lao động và tiền thuê mặt bằng. “Rất đau đầu. Vì trước đó đơn vị vừa dốc sức chăm lo Tết cho người lao động, để người lao động có một cái Tết ấm áp, sum vầy, gắn bó lâu dài với trường, lớp”, cô Đào Thị Tin bày tỏ.
Một số cơ sở giáo dục với nhiều hoạt động của trẻ trước khi có dịch
Theo cô Tin, việc dịch bệnh là không thể lường trước được, vì vậy, nghỉ học để đảm bảo an toàn cho học sinh là điều hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, khi học sinh nghỉ học kéo dài thì cuộc sống của giáo viên tại các trường tư sẽ rất khó khăn, đảo lộn. Không chỉ giáo viên, rất nhiều phụ huynh cũng than khó. Nhiều phụ huynh phải nghỉ làm để ở nhà trông con, số khác lại phải mang con cùng đến cơ quan để làm việc. “Đa phần giáo viên đi thuê nhà. Khi học sinh nghỉ, Thiên Ân Phúc vẫn hỗ trợ chi trả trên 5 triệu đồng tiền lương cơ bản/tháng/giáo viên như một cách để chia sẻ và giữ chân người lao động trong thời gian này. Thế nhưng, với số tiền này, các thầy cô cũng rất khó để xoay xở cuộc sống, chưa kể đến những vấn đề phát sinh khác như ốm đau. Đối với nhà trường, việc duy trì hoạt động của từng cơ sở cùng với xoay vòng trả nợ ngân hàng cũng là điều khó khăn vô cùng”.
Nếu học sinh tiếp tục nghỉ học vào tháng 3 tới, không còn lựa chọn nào khác, phương án được cơ sở này tính toán đến là phải vay ngân hàng để hỗ trợ lương cho người lao động. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức lớn cho các đơn vị giáo dục ngoài công lập.
Cần sự hỗ trợ của các ban ngành
Trong giai đoạn khó khăn này, nếu mình bỏ rơi người lao động là không phải là giải pháp của người làm giáo dục. Càng không thể tinh giản lao động. Bởi càng lúc khó khăn, người lao động mới lại càng cần đến mình. Nhưng thật sự, cơ sở ngoài công lập hiện đang chịu rất nhiều áp lực, từ mọi phía. “Mong muốn làm sao Bảo hiểm xã hội, các đơn vị liên quan có chính sách hỗ trợ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong khoảng thời gian nghỉ để đời sống của người lao động trong giai đoạn này bớt khó khăn, đồng hành cùng cơ sở giáo dục ngoài công lập tháo gỡ khó khăn”, cô Đào Thị Tin mong mỏi.
Sự đìu hiu không một bóng dáng trẻ của trường khi học sinh nghỉ ở nhà chống dịch
Cùng chung mong muốn, cô Dương Thị Hồng (Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Sáng) cho rằng, hiện nay việc tìm kiếm giáo viên cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập là rất khó. Do vậy, nếu trong lúc khó khăn cơ sở không tìm cách giữ chân giáo viên thì sau khó khăn sẽ không còn giáo viên ở lại với mình. Sau khi hết dịch, lúc đó chính mình sẽ lại khủng hoảng về mặt nhân sự. “Giữ chân giáo viên bằng cách hỗ trợ tháng lương cơ bản chỉ là giải pháp tạm thời mà mỗi cơ sở giáo dục đang gồng mình trong giai đoạn này. Cần hơn là phải thay đổi chính sách về bảo hiểm cho người lao động, theo hướng có lợi cho người lao động – nhất là trong giai đoạn toàn ngành giáo dục TP.HCM dường như vừa nghỉ vừa dốc toàn lực để chống dịch Covid-19”, cô Hồng bày tỏ.
Ngoài giáo viên trong nước, giáo viên nước ngoài cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn trong mùa dịch Covid-19. Tại Trung tâm Ngoại ngữ Sao Mai
(TP.HCM) – đơn vị chuyên cung cấp giáo viên tiếng Anh hợp đồng theo giờ cho các trường tiểu học trên địa bàn quận 9, Thủ Đức, Gò Vấp, quận 2… ông Nguyễn Khoa Nam, Giám đốc Trung tâm cho hay, trung tâm có 9 giáo viên bản ngữ và 3 giáo viên Việt Nam. Giáo viên tại trung tâm sẽ ăn lương theo giờ đứng lớp. “Một tháng nay, khi trường học đóng cửa, ngoài nguồn thu nhỏ từ phía trung tâm, giáo viên không có nguồn thu đứng lớp, nhiều giáo viên bản ngữ đang than phiền về thu nhập và bày tỏ mong muốn trở về nước”. Theo ông Nam, với giáo viên nước ngoài sự ràng buộc thường ít hơn so với giáo viên Việt Nam. Dù có hợp đồng lao động nhưng chỉ là hợp đồng lao động bán thời gian. “Nếu việc nghỉ học kéo dài, sợ rằng sẽ không giữ chân được giáo viên nước ngoài, khi đi học lại sẽ thiếu giáo viên bản ngữ vào dạy trong các trường tiểu học. Trong khi đó, giáo viên nước ngoài tại trung tâm cũng có giấy phép giảng dạy tại Việt Nam, như vậy cũng cần phải có cơ chế hỗ trợ cho họ trong khoảng thời gian nghỉ dài như thế này”, ông Nam lo lắng.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)