Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giáo dục nhận thức đúng về lao động cho học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Hc sinh là nhng ngưi đang hc tp đ bt đu có th lao đng kiếm sng, phc v xã hi và bn thân cũng đã có nhng lao đng bưc đu trong điu kin c th ca mình.


Theo tác gi, nếu có điu kin, nhà trưng nên t chc cho hc sinh tri nghim mt s hình thc lao đng có nhng yếu t đc thù (nh minh ha). Ảnh: T.L

Bác Hồ đã dạy: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”; ngay từ bậc mẫu giáo, trẻ đã có thể bắt đầu lao động với các việc đơn giản như dọn đồ chơi, sắp xếp bàn ghế, giúp các cô bảo mẫu dọn bữa ăn… Ở bậc tiểu học, học sinh có thể tham gia vệ sinh trường lớp, sắp xếp bàn ghế ở buổi chào cờ hoặc giờ ăn… Không chỉ ở trường, học sinh cần được dạy giúp đỡ cha mẹ làm các việc ở nhà, tùy theo điều kiện cụ thể của mình. Tức là tuổi nào cũng có thể lao động, ai cũng có thể lao động, môi trường nào cũng có thể lao động chứ không phải đợi lớn một chút hoặc đủ sức khỏe mới lao động hay phải đủ những điều kiện nhất định thì mới có thể lao động.

Chúng ta thường nghe câu “lao động là vinh quang”. Lao động luôn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển, tiến bộ, trưởng thành của từng cá nhân nói riêng. Bởi lao động cho mỗi người những trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng, hình thành kinh nghiệm và nảy nở các nhu cầu, các động lực trong quá trình hoàn thiện bản thân. Với học sinh, điều đó lại càng quan trọng bởi tạo nên những ấn tượng, trải nghiệm đầu tiên để hình thành về nhu cầu lao động trong đời mình cùng những yếu tố có liên quan, như tính siêng năng, sự hăng say đóng góp, nhu cầu được thể hiện… Trong bất kỳ xã hội văn minh nào, các cá nhân thường thể hiện lao động sáng tạo, có kỷ luật, mang tính tự do, tự giác, tức là mỗi người lao động là để cho mình, cho tập thể, cho toàn xã hội. Tất cả những điều đó chỉ có thể có được thông qua việc giáo dục từ nhỏ cho trẻ, chứ không phải tự nhiên mà hình thành. Khi mỗi người có nhận thức đúng đắn về lao động thì sẽ làm việc với chất lượng và hiệu quả cao hơn, có ích nhiều hơn. Và điều đó phải được giáo dục, hướng dẫn, rèn giũa, uốn nắn, điều chỉnh từ khi còn nhỏ, trong đó có thời gian ngồi trên ghế nhà trường.

Câu chuyện sau đây nói về thái độ lao động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể xem là một bài học quý cho tất cả chúng ta, nhất là giáo viên, nhân viên trong nhà trường, để làm gương cho học sinh. Hồi còn ở ATK Việt Bắc, đội bảo vệ của Bác vẫn đào hầm sâu trong núi để đề phòng giặc. Một số anh em chưa quen nên làm việc có phần lúng túng, Bác đến và làm động tác mẫu từng động tác. Đến lúc bàn về tăng gia sản xuất, các anh em lại tranh luận mãi là nên trồng loại rau quả gì. Bác hỏi: “Các chú đều là nông dân phải không?”. “Dạ, chúng cháu đều là nông dân”. Bác giải thích: “Vì các chú mỗi người một quê khác nhau, thời tiết mỗi vùng một khác, kinh nghiệm trồng trọt cũng khác nên tranh cãi là bình thường. Song phải chú ý tới người xưa đã dạy ta rằng: Bao giờ đom đóm bay ra/ Cành xoan chân chó trồng cà mới nên…”.

Chúng ta đều biết Bác Hồ là tấm gương mẫu mực về lao động. Thời thanh niên, khi tìm đường cứu nước, Bác đã làm rất nhiều công việc chân tay nặng nhọc, không chỉ để kiếm sống mà còn để trải nghiệm, học tập, thâm nhập thực tế. Khi thâm nhập sâu vào các hoạt động cách mạng, Người trở thành một trí thức đúng nghĩa nhưng vẫn luôn lao động chân tay và không nề hà bất cứ việc gì. Khi trở thành người đứng đầu Đảng và Chính phủ, Người vẫn không rời các hoạt động chân tay, luôn xem đó là điều mình đương nhiên phải làm chứ không đợi người khác làm hoặc chờ được phục vụ. Câu chuyện hay hình ảnh Bác chẻ củi, tự mang vác hành lý, tự phục vụ các bữa ăn… luôn để lại ấn tượng và tình cảm tốt đẹp đối với tất cả mọi người về một vị lãnh tụ giản dị, gần dân, quý trọng sức lao động. Câu chuyện trên nhắc nhở mọi người rằng, khi làm việc gì phải tìm hiểu kỹ về việc ấy để làm thực sự có hiệu quả. Trong các công việc, đương nhiên kinh nghiệm là rất quan trọng nhưng cũng phải lĩnh hội các kiến thức mới chứ không được chỉ viện lấy kinh nghiệm và vận dụng một cách máy móc. Đồng thời, phải luôn xem xét các phương diện, khía cạnh khác nhau của công việc đó để bảo đảm rằng nó thực sự phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị, hoàn cảnh. Và điều quan trọng nữa là mỗi người không ngừng ra sức thi đua lao động sáng tạo, luôn học hỏi, trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, xây dựng phương pháp làm việc khoa học, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Là giáo viên, mỗi người càng cần thể hiện rõ điều này để không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như các hoạt động khác trong nhà trường. Bản thân mỗi người phải là một tấm gương cho học sinh noi theo về tinh thần, thái độ và năng suất lao động. Chẳng hạn, trong thực hiện các công việc liên quan đến dọn dẹp vệ sinh trong nhà trường, giáo viên không nên và không thể chỉ trỏ, ra lệnh mà phải hướng dẫn và trực tiếp làm việc để vừa thị phạm vừa làm gương cho học sinh. Hay kêu gọi học sinh tham gia các cuộc thi thì chính giáo viên phải thực hiện trước và thực hiện có chất lượng để truyền động lực và khích lệ học sinh tham gia.

Một yêu cầu hết sức quan trọng trong nhận thức về lao động là không được phân biệt lao động tay chân với lao động trí óc. Mỗi loại lao động đều có ý nghĩa và vai trò riêng đối với đời sống xã hội; dù xã hội có sự phân công từng cá nhân làm các công việc khác nhau nhưng nếu ai làm tốt công việc của mình, có đóng góp cho xã hội, cho đất nước thì đều rất quý, chứ không phải “lao động trí óc là lao động bậc cao, của nhóm tinh hoa, còn lao động chân tay là của giới bình dân, của nhóm ít học” (?) như có người ngộ nhận. Tất nhiên, đó đây vẫn còn những hiện tượng chưa hay, chưa đẹp. Chúng ta cần phê phán cá biệt một số người làm công việc chân tay chẳng qua để “làm màu”, để “diễn” trước chứng kiến của truyền thông, thực chất họ coi thường lao động chân tay mà chỉ cho là lao động trí óc mới là việc của người trí thức hay người có địa vị cao. Ta cũng cần “chỉ mặt” những người tỏ ra không coi trọng công việc đòi hỏi thể lực, thậm chí xem thường người lao động chân tay hay những người “sợ bẩn”, “sợ nguy hiểm” chỉ dám đứng xa xa với dân, với công việc rồi “chỉ trỏ”, hô hào là chính, chứ ít khi trực tiếp làm việc gì. Điều đó tuyệt đối tránh tồn tại trong nhà trường!

Nếu có những điều kiện thuận lợi, nhà trường nên tổ chức cho học sinh trực tiếp nhìn và trải nghiệm hay ít nhất là xem phim về một số hình thức lao động có những yếu tố đặc thù. Chẳng hạn, có những công việc rất vất vả cần được chia sẻ để các em trân quý hơn các kết quả, như việc người nông dân làm ra các loại nông sản, người công nhân vệ sinh làm sạch môi trường, người thợ đào mỏ phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, chiến sĩ phòng cháy chữa cháy phải làm trong điều kiện nguy hiểm và khẩn trương… Những điều đó sẽ giúp cho học sinh yêu quý lao động, dù là chân tay hay trí học, biết quý trọng từng sản phẩm của lao động, đồng thời có nhận thức tốt hơn về lao động để rồi khi trưởng thành sẽ trở thành những người lao động tích cực, hiệu quả!

Trúc Giang

Bình luận (0)