Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục phải biết “nhanh tay”… tiêu tiền

Tạp Chí Giáo Dục

Các dự án giáo dục đều chung mục đích nâng chất lượng giáo dục Việt Nam, rút ngắn khoảng cách cho trẻ vùng khó tiếp cận môi trường giáo dục…

Đó vừa là lời động viên, vừa là lời cảnh báo của ông ông Emanuel Jimenz, Giám đốc Phát triển Nguồn nhân lực khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại hội nghị đánh giá hoạt động các dự án giáo dục của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Cũng theo ông Emanuel Jimenz, “tổng số tiền tài trợ của các dự án chưa tới 5% tổng kinh phí Việt Nam chi cho giáo dục. Nếu chỉ dùng theo cách thông thường thì 5% chỉ là 5%, nhưng nếu các bạn sử dụng nguồn tài chính này sáng tạo thì 5% có thể chuyển hóa 50% trong tương lai”.

Về vấn đề sử dụng vốn ODA trong giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bành Tiến Long khẳng định: “Các nhà quản lý giáo dục Việt Nam luôn quán triệt sử dụng từng đồng USD đảm bảo chất lượng và hiệu quả.”

Rụt rè và tiết kiệm

Tuy nhiên, cũng vì tinh thần quán triệt sử dụng từng đồng USD này mà các dự án giáo dục của Việt Nam hiện nay đang trong tình trạng rụt rè tiêu tiền quá! Thông tin từ Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT), sau gần 10 thực hiện vay vốn ODA, đã có 3 dự án hoàn thành nhưng cả 3 đều giải ngân không hết.

Dự án ODA đầu tiên cho giáo dục là Dự án giáo dục tiểu học bằng vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) giải ngân được cao nhất với tỷ lệ đạt 97% (khoảng 77 triệu USD). Dự án giáo dục ĐH 1 giải ngân được 83% ngân sách. Dự án phát triển giáo viên tiểu học giải ngân được trên 80%.

Việc không giải ngân hết xuất phát từ nhiều lý do như: Dự án phát triển Giáo viên Tiểu học phải gửi giáo viên đi đào tạo nước ngoài nhưng không tuyển được do bị hạn chế bởi ngoại ngữ dẫn đến một khoản kinh phí lớn bị tồn đọng…

Hay như tại Dự án Giáo dục ĐH2 (2007-2011), mục tiêu của dự án là nâng cao chất lược đào tạo và nghiên cứu trong các trường ĐH để tăng tỷ lệ tìm được việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp và tính phù hợp của nghiên cứu.

Hiện, thách thức chủ yếu mà dự án gặp phải là: Xu thế toàn cầu hoá trong giáo dục ĐH ngày càng mạnh và ảnh hưởng sâu rộng đối với  Việt Nam. Bên cạnh đó, năng lực đội ngũ, cơ sở vật chất của các trường ĐH còn ở mức thấp, không đồng đều, nên khó khăn trong triển khai các chính sách đổi mới.

Mặt khác, tiến độ, chất lượng thực hiện dự án còn khác nhau nhiều do năng lực và quản lý của cán bộ chưa cao; một số trường chưa coi trọng công tác nghiên cứu, cũng như quỹ thời gian và con người vào các hoạt động của dự án.

Không có sai sót trong sử dụng vốn ODA

Theo ông Trương Thanh Hải, Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ GD-ĐT) thì về tình hình thực hiện các dự án giáo dục của Việt Nam đều được phía bạn hết sức cảm thông vì trong quá trình thực hiện các dự án, các nhà tài trợ đều biết những lý do vì sao không giải ngân hết nguồn vốn ODA cả về nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Tuy việc giải ngân ở một số dự án còn chậm, nhưng việc triển khai các dự án ODA trong giáo dục chưa có rào cản nào. Việc sử dụng nguồn vốn ODA trong giáo dục hầu như chưa có lỗi hay sai sót nào.

Theo đánh giá của các chuyên gia WB thì việc thực hiện tiến độ của các dự án còn chậm là do giáo dục Việt Nam còn nặng thực hiện quản lý tập trung, chưa phân cấp mạnh cho các địa phương. Mặt khác, hệ thống quản lý, lập kế hoạch thực hiện dự án và tập hợp thông tin còn mang mún với tâm lý cấp dưới chờ cấp trên quyết định rồi mới thực hiện khiến quy trình chờ đợi mất nhiều thời gian… Tuy nhiên, như theo nhận định của ông Emanuel Jimenz thì hiệu quả của việc thực hiện các dự án giáo dục vốn vay ODA không chỉ nhìn nhận ở góc độ giải ngân.

Hiện, để giám sát, điều hành việc sử dụng vốn ODA hiệu quả, tránh thất thoát, Bộ GD-ĐT đã thành lập Phòng quản lý ODA. Phòng có chức năng là đầu mối thực hiện các hoạt động: huy động nguồn tài trợ, tổ chức chuẩn bị, xây dựng các chương trình hoạt động của dự án. Đồng thời, điều phối việc thực hiện giám sát kế hoạch, đảm bảo thực hiện hiệu quả cam kết giữa các nhà tài trợ: Tăng cường tính hiệu quả nguồn vốn ODA; tăng cường tính làm chủ của bên tiếp nhận; Hài hòa hóa các thủ tục…

Thách thức của việc không dám… tiêu tiền

Vụ Kế hoạch – Tài chính của Bộ GD-ĐT cho biết nếu việc giải ngân theo đúng tiến độ thì mỗi năm ngành sẽ có thêm 165 triệu USD, bằng 5% ngân sách của Nhà nước cho giáo dục. Dù có nguồn ngân sách ODA nhưng ngân sách của Chính phủ Việt Nam đầu tư cho giáo dục không giảm nên với số tiền được nhận từ vốn ODA này hàng năm đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhưng việc tiêu tiền của các Dự án giáo dục hiện đang là quá chậm. Hầu hết trong 3 năm đầu tốc độ giải ngân đều dưới 20%. Như sự lo lắng của Trưởng Ban điều phối Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (PEDC) Đặng Tự Ân thì thời gian thực hiện dự án chỉ còn 12 tháng, nhưng kinh phí còn nhiều chưa biết giải ngân thế nào vì quy trình xây dựng các thủ tục triển khai vẫn tiếp tục quá chậm do cả yếu tố khách quan và chủ quan. Các nhà viện trợ đã cam kết viện trợ thêm khoảng 23-24 triệu USD. Với số tiền như thế, để “tiêu” được cũng là một thách thức đối với dự án.

Trong khi đó, Việt Nam có thể thoát ra khỏi danh sách các nước nghèo vào năm 2009 và khi đó rất có thể cũng sẽ khiến cho việc vay vốn ODA bị hạn chế. Nếu các Dự án giáo dục vẫn tiếp tục rụt rè như hiện nay thì đúng như ông Emanuel Jimenz đã cảnh báo: “cơ hội sẽ mất”!

Mai Minh (Dân trí)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)