Học viên học tiếng Anh với các trang thiết bị hiện đại |
TP.HCM là địa phương đi đầu trong cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động dạy và học. Theo đó, mỗi quận/huyện đều có những hoạt động tích cực, điển hình như ngành GD-ĐT Q.Gò Vấp, như khẳng định của ông Đặng Thanh Tuấn – Trưởng phòng GD-ĐT: “Ngành giáo dục phải đi đầu trong việc ứng dụng CNTT…”.
PV: Xin ông cho biết, ngành GD-ĐT Q.Gò Vấp đã đầu tư trang thiết bị như thế nào để phục vụ việc ứng dụng CNTT vào dạy học?
– Ông Đặng Thanh Tuấn: Có thể nói đến thời điểm này, hầu hết các lớp học từ mầm non đến THCS trên địa bàn quận đều có máy vi tính và màn hình LCD 42 inch. Các trường trang bị từ nhiều nguồn kinh phí như ngân sách, tiền cơ sở vật chất… Đặc biệt, có nhiều trường mượn của phụ huynh, sau khi con họ ra trường thì hoàn trả lại. Song, hầu hết phụ huynh đều tặng lại nhà trường.
Ngoài ra, hiện nay nhiều trường cũng đã trang bị được máy chiếu – màn chiếu, bảng tương tác. Nguồn kinh phí chủ yếu là liên kết với các trung tâm ngoại ngữ, sau đó các trung tâm này tặng lại trường.
Hàng năm, ngân sách của quận đều đầu tư cho các trường trang bị phòng máy tính. Theo đó, trung bình mỗi trường có từ 1 đến 2 phòng máy, đảm bảo mỗi học sinh có một máy khi học môn tin học.
Song song đó, tất cả các trường và phòng GD-ĐT quận đều được kết nối mạng internet và có trang web. Đây là cầu nối giữa các trường với phòng GD-ĐT, các trường với các trường, trường và phụ huynh – nhà trường đưa điểm của học sinh thông báo lên trang web để phụ huynh tham khảo…
Còn khả năng ứng dụng CNTT của giáo viên thì như thế nào, thưa ông?
– Từ nhiều năm nay, ngành GD-ĐT Q.Gò Vấp đã xác định nếu không ứng dụng CNTT vào dạy học thì sẽ thiệt thòi cho giáo viên và học sinh. Do vậy, hàng năm chúng tôi đều tổ chức các lớp tin học ứng dụng cho giáo viên. Đến thời điểm này, tất cả giáo viên đều biết soạn giáo án điện tử. Điểm đặc biệt ở Q.Gò Vấp là giáo viên chia sẻ với nhau, các trường cũng trao đổi với nhau để làm phong phú hơn giáo án điện tử. Vì vậy mà từ bậc mầm non đến bậc THCS đều có giáo án điện tử của đầy đủ các bộ môn. Tuy nhiên giáo viên sẽ không bê nguyên si giáo án này vào giảng dạy mà có sự điều chỉnh sao cho phù hợp với học sinh của lớp mình. Chúng tôi cũng chỉ đạo giáo viên không lạm dụng giáo án điện tử nếu không sẽ là “máy dạy” chứ không phải là giáo viên dạy…
Được biết, ông rất tâm đắc với sách giáo khoa điện tử. Liệu ông sẽ chỉ đạo các trường sử dụng sách này?
– Hiện nay, tôi và các chuyên viên của Phòng GD-ĐT, giáo viên ở Trung tâm Bồi dưỡng giáo dục quận đang tìm hiểu những ưu và nhược điểm của sách giáo khoa điện tử. Qua đó phát hiện một số nhược điểm như sách còn thiếu bài tập nâng cao, chưa phong phú về kênh hình, kênh phim… Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phát động cho giáo viên nghiên cứu, tìm hiểu về cuốn sách này. Sau đó sẽ phối hợp với nhà xuất bản để điều chỉnh cho phù hợp. Chúng tôi không bắt buộc các trường phải sử dụng sách giáo khoa điện tử nhưng ở Q.Gò Vấp có truyền thống cái nào hay, hỗ trợ tích cực cho dạy học thì giáo viên đều hưởng ứng tích cực.
Vừa qua, Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp đã tổ chức 3 buổi học chính trị trực tuyến cho khoảng 4 ngàn giáo viên trên địa bàn. Đây có phải là sự khởi đầu của những buổi học, cuộc họp… trực tuyến trong ngành giáo dục quận không, thưa ông?
– Trước đây, mỗi khi học chính trị, Phòng GD-ĐT lại phải tập trung khoảng 4 ngàn giáo viên về 2 trường gần nhau để ngồi nghe báo cáo viên báo cáo. Vì chỉ nghe (qua loa) mà không được nhìn thấy mặt báo cáo viên (do lớp quá đông) nên không ít giáo viên thiếu tập trung. Không những vậy, việc tập trung nhiều giáo viên về 1-2 trường sẽ gây nên tình trạng ùn tắc giao thông, mất trật tự. Và chúng tôi lo ngại nhất là khi có sự cố xảy ra. Còn về phía giáo viên thì tốn thời gian di chuyển, tốn tiền xăng xe…
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT đã trao đổi việc học trực tuyến với hiệu trưởng các trường và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. Theo đó, các trường chỉ bỏ ra hơn 1 triệu đồng để trang bị máy ghi âm và camera. Đường truyền internet, máy vi tính, máy chiếu và những thiết bị khác phục vụ học trực tuyến đều có sẵn.
Sau 3 ngày học trực tuyến, nhiều trường đề nghị nên tổ chức các cuộc họp giao ban, sinh hoạt chuyên môn, dự giờ… bằng hình thức trực tuyến.
Sau nhiều năm ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy học, ông tâm đắc nhất điều gì?
– Việc ứng dụng CNTT đã đem lại nhiều lợi ích cho ngành giáo dục quận nói chung, cho từng trường nói riêng. Và trên hết, giáo viên đã hướng dẫn học sinh tự học bằng cách tìm kiếm thông tin trên mạng.
Cũng cần phải nói thêm, nhờ các trường hưởng ứng tích cực việc ứng dụng CNTT mà trình độ tin học của phụ huynh ở Q.Gò Vấp cũng được nâng lên. Bởi vì học sinh học ở trường về nhà dạy lại cho phụ huynh…
Xin cám ơn ông!
Kim Anh (thực hiện)
Bình luận (0)