Thay đổi phương pháp dạy học là công việc khó khăn, liên quan đến nhiều khâu nên cần có sự đổi mới đồng bộ. Trong ảnh là tiết học tiếng Anh tăng cường tại Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM). Ảnh: N.Trinh
|
Quan điểm coi trọng “giáo dục – đào tạo là quốc sách hàng đầu” đang thực sự hiện hữu trong tư duy và hành động thực tiễn của các cấp, trong mỗi gia đình và từng cá nhân.
Những thành tựu của xã hội, thành quả của mỗi cá nhân ngày hôm nay đều mang dấu ấn về sự giáo dục và tự giáo dục của một nền giáo dục nhân văn và đang từng bước hiện đại hóa. Trong xu thế đổi mới và hội nhập, sự bùng nổ tri thức công nghệ đang làm thay đổi nội dung giáo dục để yêu cầu người học phải thay đổi cách học và người dạy phải thay đổi cách dạy.
Thứ nhất, đổi mới từ hệ thống giáo dục truyền thống sang giáo dục hiện đại. Trong đó các đặc trưng về người dạy, người học, mục tiêu học tập và phương pháp kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy học cần được làm rõ để phân biệt giữa hai hệ thống này. Trong hệ thống giáo dục hiện đại, nhà giáo là người dẫn dắt người học tới các nguồn tri thức. Còn người học có thể là bất kỳ ai trong hay ngoài trường và người học còn được thông qua hành. Người học tự định hướng cho việc hình thành và phát triển năng lực bản thân. Như vậy, thực chất của việc chuyển đổi từ hệ thống giáo dục truyền thống sang hệ thống giáo dục hiện đại là chuyển đổi cách tiếp cận, cách suy nghĩ, cách quản lý… về người dạy, người học, về kiểm tra, đánh giá, về mục tiêu và cơ hội tiếp cận giáo dục. Do đó khi bàn đến đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam là đề cập đến đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức…
Thứ hai, đổi mới đào tạo giáo viên. Đào tạo đội ngũ giáo viên theo hướng giảng dạy tích hợp liên môn, thực hiện đồng bộ các hoạt động nghiên cứu, hợp tác đào tạo bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ. Bởi yếu tố thành công của giáo dục đều mang dấu ấn thành quả lao động của người thầy. Giáo viên đóng vai trò quyết định đối với thành bại của sự nghiệp GD-ĐT ở mọi thời đại.
Thứ ba, đổi mới chương trình giáo dục. Theo đó, chúng ta đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo định hướng “coi trọng việc bồi dưỡng năng lực tự học của học sinh”. Chuyển từ cách tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, từ cách tiếp cận học một lần để dùng cả đời sang tiếp cận học suốt đời. Đồng thời đổi mới cơ chế định biên và tuyển dụng trong cơ quan, tổ chức nhà trường. Tránh tư duy bằng cấp trong tuyển dụng và bổ nhiệm, thay vào đó là cơ chế tuyển dụng và bổ nhiệm đúng người đúng việc.
Thứ tư, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá người học. Cần xem việc kiểm tra, đánh giá như là một công cụ để định hướng học tập, giúp cho người học có suy nghĩ, phương pháp và cách thức chọn lựa riêng trong tiếp cận với mọi chương trình giáo dục. Xóa bỏ tư duy xem kiểm tra, đánh giá người học với mục đích chỉ để phân loại và loại bỏ một số bộ phận không được theo học. Thay vào đó, việc kiểm tra, đánh giá người học là một công cụ thông tin phản hồi để các tổ chức, trường học cung cấp chương trình học tập phù hợp với khả năng, trình độ, sức khỏe, điều kiện kinh tế văn hóa – xã hội. Thực hiện chính sách giáo dục vì mọi người và mọi người vì giáo dục.
Thứ năm, đổi mới công tác quản lý. Tăng cường cơ chế quản lý đối với giáo dục phổ thông, bên cạnh tăng cường cơ chế giám sát đối với giáo dục mầm non. Công tác quản lý giáo dục đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao về khoa học và thực tiễn, bởi đặc thù về tính học thuật, nghệ thuật sư phạm… Sự phát triển giáo dục không ngừng kéo theo nhiều thay đổi phức tạp cho môi trường, đối tượng quản lý đòi hỏi người quản lý không chỉ bằng kinh nghiệm cảm tính, bằng thói quen chủ quan mà cần được thực hiện trên cơ sở khoa học và thực tiễn đã được nghiên cứu, thực nghiệm một cách khả thi.
Tóm lại, thay đổi phương pháp dạy học là công việc khó khăn, phức tạp liên quan tới nhiều khâu nên cần có sự đổi mới đồng bộ. Có như vậy chúng ta mới mong đạt được mục đích đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Nguyễn Đông Tùng
(Phó chủ tịch UBND Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
Một thế giới phẳng và các kênh thông tin đa chiều đã đặt ra yêu cầu mới về việc học, đó là vấn đề không chỉ học cái gì mà còn là học như thế nào và sử dụng công nghệ gì vào dạy học. Không chỉ được học kiến thức mà còn có khả năng tạo ra giá trị gia tăng từ kiến thức. |
Bình luận (0)