Có không ít bậc cha mẹ vẫn còn nhầm lẫn việc trẻ vi phạm pháp luật với những hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức và thường sử dụng phương pháp xử phạt để đe dọa con. Nhưng thực tế đó chỉ là biện pháp tạm thời, không thể xử lý tận gốc những hành vi sai phạm của trẻ.
Quan trọng hơn cả là phải biết giáo dục pháp luật cho trẻ nhận thức đầy đủ, thấu hiểu và hành động đúng theo pháp luật. Song, một vấn đề đặt ra là trong môi trường gia đình, nhiều bậc cha mẹ không biết giáo dục pháp luật cho con như thế nào để không rơi vào lý thuyết suông và trẻ có thể vận dụng ngay trong thực tiễn cuộc sống. Nhiều đứa trẻ sau khi lấy đồ chơi của bạn, hay đọc trộm thư tín, quay phim và tung video về người khác khi chưa được sự cho phép… đều không biết rằng mình đã có những hành vi vi phạm pháp luật.
Do đó, để cho con em ý thức và hành động tuân theo pháp luật, các bậc phụ huynh cần lưu ý:
Luôn gương mẫu nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật. Hành động làm gương của phụ huynh trong gia đình có sức thuyết phục rất lớn đối với trẻ. Chẳng hạn, muốn dạy cho con phải nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông như đi về bên phải, không vượt đèn đỏ, ngồi trên xe máy phải đội mũ bảo hiểm, không được phóng nhanh, vượt ẩu quá tốc độ cho phép… thì trước hết cha mẹ phải nghiêm túc thực hiện để con noi gương học theo, làm theo.
Hình thành cho con những phẩm chất và hành vi đạo đức tốt đẹp. Để trẻ biết chấp hành đúng pháp luật, cha mẹ hãy giáo dục cho con thói quen hành động theo các chuẩn mực đạo đức tốt đẹp. Giữa các quy định của pháp luật và chuẩn mực đạo đức có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Các thành viên trong gia đình thương yêu, chia sẻ, quan tâm lẫn nhau, tạo không khí đầm ấm, ứng xử tôn trọng và bình đẳng. Mặt khác, để thuyết phục trẻ, cần chỉ cho chúng thấy khi vi phạm pháp luật sẽ phải chịu lãnh hậu quả như thế nào. Chẳng hạn như chơi bời với những bạn xấu, hư hỏng có những hành vi như ăn cắp đồ, đánh đập người khác, đua xe… sẽ bị trừng phạt thích đáng, thậm chí là phải ngồi tù. Vì thế, phải thường xuyên quan tâm, chia sẻ với con về những nhóm bạn.
Cha mẹ phải trực tiếp tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho con mọi lúc mọi nơi. Các bậc phụ huynh cần phải thay đổi suy nghĩ và cách tác động để con trẻ hiểu và làm đúng theo pháp luật. Khá nhiều phụ huynh cho rằng giáo dục pháp luật cho trẻ là nhiệm vụ của nhà trường. Họ đã không chủ động tìm hiểu và trang bị cho con những hiểu biết về pháp luật mà khoán trắng, phó mặc cho giáo viên ở trường. Cách làm này đã tạo nên một khoảng trống về hiểu biết kiến thức pháp luật ở trẻ. Do đó, cha mẹ có trẻ vị thành niên cần chủ động phối hợp với nhà trường và xã hội để tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật đến các em. Tích cực cùng con tham gia các tổ chức, phong trào chống tệ nạn xã hội ở địa bàn mình ở. Cùng con bàn luận và phê phán những vụ vi phạm pháp luật điển hình nổi cộm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khuyến khích và định hướng trẻ phán xét các hiện tượng theo góc độ pháp luật và đạo đức. Nêu ra những tình huống cụ thể và những câu chuyện sinh động rồi yêu cầu trẻ đề xuất cách xử lý để các em lĩnh hội những kiến thức pháp luật một cách sâu sắc.
Trong mỗi cử chỉ, hành động cụ thể của trẻ, cha mẹ còn có thể giúp con nhận thức để biết được đâu là quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân. Tạo cho trẻ có thói quen sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật để trở thành người công dân có ích cho xã hội.
Lê Phạm Phương Lan
(giảng viên tâm lý)
Bình luận (0)