Học sinh đang tra cứu tài liệu trên mạng. Ảnh: I.T |
Tháng 9 năm 2006, công dân của quận Genève bằng lá phiếu của mình, đa số đã tán thành sáng kiến của Hiệp hội Chấn hưng Học đường (CHHĐ), theo đó từ nay trở lại với phương thức đánh giá chất lượng học tập bằng điểm số ghi trong phiếu điểm. Thực hiện ý kiến của nhân dân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc dân đã công bố rằng điểm số và điểm trung bình trên phiếu điểm lại có mặt trở lại trong phiếu điểm kể từ tháng 9 năm 2007.
Sự kiện này xảy ra y hệt như cuộc cải cách giáo dục ở Quebec, nghĩa là trở về với phiếu điểm, sau một thời gian loanh quanh với cách đánh giá chất lượng học tập bằng hình thức khác “thực chất hơn, khoa học hơn”! Nhưng mà tại sao dân chúng ở Genève lại bỏ phiếu theo hướng đó? Đó là điều mọi người đều muốn ông Chủ tịch Công đoàn Giáo dục vùng Thụy Sĩ nói tiếng Pháp Georges Pasquier giải đáp. Ông trả lời một cách rất là “triết lý”: Bạn có biết Luật Bachmann? Luật đó nói rằng: “Đối với mọi vấn đề phức tạp, đều có một giải pháp đơn giản dễ hiểu, nhưng mà sai!”. Ông nói tiếp: “Vấn đề lớn của giáo dục là vấn đề phức tạp. Thế mà nhiều người lại muốn có giải pháp đơn giản, và đó chính là đề nghị của Hiệp hội CHHĐ: trở lại với giải pháp cho điểm, và người ta muốn giải quyết dứt khoát cho xong với lý lẽ, đây là ý kiến xây dựng mang tính xã hội.
Thật đáng tiếc, cái kiểu tiếp cận phản sư phạm ấy mang hơi hướng bảo thủ của nhà trường hồi trước, dị ứng với cải cách giáo dục. Điều đó đã từng làm nản lòng thầy cô giáo ở các trường tiểu học ở quận Genève, khi họ dấn thân vào cải cách giáo dục một cách nhiệt tình. Cần nhớ rằng ở Thụy Sĩ, giáo dục thuộc trách nhiệm của mỗi quận. Trong đất nước 7 triệu dân này, có 26 quận, thì có 26 ông “Bộ trưởng Giáo dục”.
Ông Georges Pasquier nhớ lại: “Cuộc cải cách, mà người ta gọi là đổi mới, được bắt đầu từ năm 1993 trong 15 trường tự nguyện. Đối với chúng tôi, điều quan trọng là ngay từ đầu giáo viên phải là một phần của cuộc cải cách. Một cuộc cải cách áp đặt từ trên cao xuống chỉ dẫn đến thất bại”.
Cuộc thể nghiệm đã diễn ra suôn sẻ ở 15 trường đó, cho đến mức dần dần nó cũng được áp dụng ở tất cả các trường tiểu học của quận.
Giáo viên có quyền lựa chọn những tiếp cận sư phạm theo quan điểm riêng của mình. Ở Thụy Sĩ giáo viên có quyền tự do nghề nghiệp rất lớn. Hơn nữa giáo viên làm việc theo nhóm. Mỗi trường có một dự án và hoạt động sư phạm riêng. Tùy hoàn cảnh, điều kiện, có trường ưu tiên về tập đọc, có trường ở nơi đa sắc tộc lại chú ý nhiều về giáo dục tính cộng đồng.
Phương thức đánh giá cũng đa dạng: đánh giá nội dung giảng dạy là yếu tố chủ yếu của quá trình giáo dục, đánh giá kết quả học tập của học sinh là nội dung giáo viên cần báo cáo cho phụ huynh rõ, và cuối cùng là đánh giá mức độ thể hiện trên bằng cấp được thực hiện cuối mỗi cấp.
Nói tóm lại, công cuộc đổi mới bắt đầu cắm rễ vào tất cả các trường. Thế mà thật đáng tiếc, một “kiến nghị phản sư phạm” được một số người đưa ra theo tinh thần “dân chủ Thụy Sĩ” lại được dân chúng trong quận bỏ phiếu chấp nhận!
Sau cuộc trưng cầu dân ý chấm dứt quá trình đổi mới này, chắc là giáo viên nản lắm, nhưng ông Georges Pasquier vẫn lạc quan: “Giáo viên sẽ vẫn có cách tìm những biện pháp để lái những quy định này, làm cho chúng không cản trở quá trình đổi mới”.
Trong khi chờ đợi, thì “ý dân (trong quận) là ý Trời”. Giáo viên từ năm học này cũng phải ghi điểm trong học bạ, rồi cộng trừ nhân chia để tính điểm trung bình cho từng bộ môn, từng em, báo cáo cho phụ huynh rõ kết quả học tập của con em mình hàng quý, hàng năm.
Phan Thanh Quang
(Theo Tạp chí Công đoàn T.Ư Québec)
Bình luận (0)