Một tiết học theo nhóm của học sinh THPT. Ảnh: D.Bình |
Đó là khẳng định của TS. Huỳnh Công Minh – nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – khi trao đổi với Giáo dục TP.HCM về vấn đề có nên rút ngắn chương trình giáo dục phổ thông còn 11 năm.
Trước ý kiến cho rằng chương trình phổ thông hiện nay quá dài, tốn nhiều công sức dạy và học nhưng kết quả chưa được như ý muốn nên rất lãng phí thời gian, ông Minh cho biết:
– Hiệu quả giáo dục của chúng ta chưa đạt như ý muốn, theo tôi là do nhiều yếu tố quan trọng khác như nội dung chương trình, phương pháp dạy học, phương thức thi cử, đánh giá và công tác quản lý, tổ chức nhà trường. Về thời gian đào tạo 11 năm hay 12 năm, theo tôi chưa phải là điều quan trọng lúc này. Vả lại, hệ thống giáo dục phổ thông của nhiều nước trên thế giới hiện đang tổ chức theo cơ cấu 12 năm.
PV: Nếu nói đào tạo 12 năm phổ thông còn lãng phí và quá tải thì lãng phí và quá tải ở những khâu nào, thưa ông?
– Người ta chê giáo dục lãng phí và quá tải, theo tôi sự lãng phí nhiều nhất là ở chỗ công tác hướng nghiệp và đào tạo chưa được tổ chức phù hợp, sự liên thông giữa các cấp học bậc học cũng chưa được tổ chức khoa học dẫn đến sự trùng lắp, hiệu quả đào tạo không cao. Sự quá tải thể hiện nhiều ở chỗ kinh điển xa rời thực tế, nội dung học thì nhiều nhưng áp dụng cho cuộc sống không bao nhiêu…
Thưa ông, có ý kiến đề xuất chương trình phổ thông chỉ nên học 11 năm, như vậy cũng đủ cho một quá trình đào tạo và đó cũng là một hướng đi của ngành GD-ĐT về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục?
– Như trên đã nói, trong công cuộc đổi mới hiện nay đang có quá nhiều việc phải làm.
Dư luận cho rằng, trước đây có thời gian miền Bắc đào tạo theo hệ 9 năm, 10 năm cũng đã mang lại kết quả rất tốt về chất lượng giáo dục. Điều này có hoàn toàn chính xác không, thưa ông?
– Mỗi giai đoạn lịch sử có những yêu cầu mục tiêu về giáo dục riêng. Vấn đề chất lượng cũng đang trong quá trình thống nhất về chuẩn mực để đánh giá. Chúng ta cần phân biệt giữa những tài năng thiên bẩm với một hệ thống giáo dục phổ thông là nền tảng văn hóa của dân tộc. Ở đó, đem lại cho mọi người cuộc sống văn minh, tiến bộ, biết tôn trọng luật pháp, có trách nhiệm với cộng đồng và hiểu biết khoa học một cách căn cơ, chắc chắn.
Giả sử ngành GD-ĐT rút ngắn khung chương trình còn 11 năm thì cách làm phải như thế nào (về biên soạn chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy và cả đào tạo sinh viên sư phạm), thưa ông?
– Nếu đã thống nhất chương trình 11 năm thì người ta có cách cân đối.
Thưa ông, nếu giữ nguyên chương trình 12 năm thì có lợi gì và cần cải tiến thêm ở những khâu nào để làm một cú đột phá giáo dục phổ thông?
– Trước hết, phải xây dựng mô hình đào tạo, thiết kế chương trình đáp ứng yêu cầu mục tiêu đào tạo ấy. Chương trình thiết kế khoa học, đảm bảo sự phân luồng, tính liên thông và đặc biệt là phù hợp với yêu cầu cuộc sống đòi hỏi.
Từ đó, mà cho phép những ai có điều kiện viết sách giáo khoa, đổi mới thi cử đánh giá, đổi mới thiết chế tổ chức nhà trường và đổi mới quản lý theo yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện hiện nay của Đảng và Nhà nước.
Xin cảm ơn ông!
Phan Ngọc Quang (thực hiện)
Bình luận (0)