Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì toàn quốc sẽ có 46 trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh vào năm 2030, đáp ứng năng lực đào tạo khoảng 876.000 sinh viên mỗi năm.
Sinh viên Trường ĐH Văn Hiến học nội dung về an ninh, quốc phòng
Việc quy hoạch này nhằm xây dựng, phát triển hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh đồng bộ; phân bố hợp lý theo vùng kinh tế – xã hội; ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dạy – học môn giáo dục quốc phòng và an ninh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Khoảng 876.000 sinh viên sẽ được học an ninh, quốc phòng mỗi năm
Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2030, toàn quốc sẽ có 46 trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh. Trong đó, tiếp tục duy trì, nâng cấp 38 trung tâm đã được quy hoạch và thành lập trước năm 2021; bổ sung, đưa vào quy hoạch, thành lập mới 8 trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh các trường. Cụ thể là các trường: ĐH Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp, ĐH Lao động – Xã hội, ĐH Công đoàn, ĐH Phạm Văn Đồng, ĐH Thủ Dầu Một, CĐ Lào Cai, CĐ Kỹ thuật – Công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu, CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Cần Thơ.
Đồng thời, không phát triển thêm các trường được tự chủ môn học giáo dục quốc phòng và an ninh. Dựa trên tình hình thực tiễn về lưu lượng sinh viên của từng vùng kinh tế – xã hội cùng với đánh giá chất lượng đào tạo của từng trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh trong kỳ quy hoạch làm cơ sở để nâng cấp quy mô hoặc đưa ra khỏi quy hoạch những trung tâm không đạt mục đích, yêu cầu của môn học này; bổ sung các trường hiện đang được tự chủ môn học giáo dục quốc phòng và an ninh có đủ năng lực, khả năng đào tạo môn này vào quy hoạch.
Về cơ cấu, trong 46 trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, Bộ Quốc phòng và Bộ GD-ĐT mỗi bộ sẽ quản lý 13 trung tâm; Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch quản lý 3 trung tâm; Bộ Công thương quản lý 2 trung tâm; các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Lao động – Thương binh và Xã hội mỗi bộ quản lý 1 trung tâm; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quản lý 2 trung tâm; UBND các tỉnh, thành phố quản lý 10 trung tâm.
Cũng theo quy hoạch, năng lực đào tạo của hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh đến năm 2030 đạt khoảng 876.000 sinh viên/năm. Trong đó, vùng trung du và miền núi phía Bắc với 7 trung tâm sẽ đào tạo khoảng 80.000 sinh viên/năm. Vùng đồng bằng sông Hồng với 14 trung tâm sẽ đáp ứng năng lực đào tạo 305.000 sinh viên/năm. Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung với 11 trung tâm sẽ đáp ứng năng lực đào tạo 140.000 sinh viên/năm. Vùng Tây Nguyên với 2 trung tâm sẽ đào tạo khoảng 25.000 sinh viên/năm. Vùng Đông Nam bộ với 8 trung tâm đáp ứng năng lực đào tạo cho 246.000 sinh viên/năm. Vùng đồng bằng sông Cửu Long với 4 trung tâm có năng lực đào tạo 80.000 sinh viên/năm.
Nhu cầu dự kiến 10.797 tỷ đồng
Để đảm đương trọng trách đào tạo, định hướng tới năm 2030, sẽ phát triển đội ngũ gồm 1.784 cán bộ quản lý và 5.916 giảng viên; trong đó, 35% đạt trình độ thạc sĩ và 5% trình độ tiến sĩ trở lên. Đến năm 2030, đất sử dụng để phát triển các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh được điều chỉnh từ quỹ đất của nhà trường, địa phương đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giao cho các trung tâm này quản lý sử dụng. Nhu cầu sử dụng đất của hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh là 621ha trên địa bàn 29/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Còn nhu cầu vốn thực hiện quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh đến năm 2030 dự kiến là 10.797 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn thực hiện quy hoạch gồm: Ngân sách Nhà nước (85%); cơ quan chủ quản (10%); kinh phí của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chi cho giáo dục quốc phòng và an ninh, các khoản đầu tư, tài trợ của tổ chức, cá nhân và các khoản thu hợp pháp khác (5%).
Để thực hiện, trong 8 nhóm giải pháp được đưa ra có giải pháp về cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, môi trường khoa học công nghệ, liên kết hợp tác phát triển, giáo dục – tuyên truyền, hợp tác quốc tế, phân bổ nguồn vốn đầu tư, mô hình quản lý – phương thức hoạt động.
Bộ Quốc phòng được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức công bố và lập kế hoạch thực hiện quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, đánh giá kết quả quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch; đề xuất bổ sung, điều chỉnh quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ GD-ĐT được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương liên quan ban hành quy định về tiêu chuẩn, định mức giảng viên, chế độ chính sách cho cán bộ quản lý, giảng viên giảng dạy quốc phòng và an ninh thuộc các ĐH vùng, ĐH Quốc gia, trường ĐH và sư phạm. Bên cạnh đó, ban hành giáo trình, tài liệu môn học này cho sinh viên…
Việt Ngân
Bình luận (0)