Đẩy mạnh học gắn với thực hành, phát triển năng lực học sinh theo mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục STEM đang được các trường học tại TP.HCM triển khai mạnh mẽ trong năm học này không chỉ mang đến màu sắc mới mẻ trong môn học mà còn góp phần kiến tạo trường học hạnh phúc.
Học gắn với trải nghiệm
Vài buổi trong tuần, học sinh các khối lớp tại Trường Tiểu học Phan Văn Trị (Q.1) lại di chuyển từ lớp học xuống phòng STEM để học các môn khoa học, công nghệ hay thiết kế sản phẩm. Đây luôn là những giờ học mà học sinh mong chờ nhất vì vừa được thay đổi không gian lớp học vừa được tiếp cận với kiến thức một cách mới mẻ, thoát ly khỏi phấn trắng, bảng đen, màn hình ti vi, thay vào đó là những dụng cụ và các em được tự mày mò chế tạo sản phẩm. Thầy Lê Hồng Thái (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, năm học này giáo dục STEM được nhà trường đẩy mạnh triển khai bằng nhiều hình thức như câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm…, đặc biệt là đẩy mạnh qua STEM bài học, gắn trực tiếp với các môn học để học sinh không chỉ được học thông qua thực hành, học đi đôi với hành mà thông qua đó còn rèn cho các em những kỹ năng cần thiết, quan trọng. “Kiến thức các môn công nghệ, toán học, khoa học nếu đơn thuần chỉ dừng ở kiến thức sách vở thì các em có thể sẽ rất dễ dàng nhanh quên, nhưng khi kiến thức đó một lần nữa được nhắc lại thông qua chính trải nghiệm thiết kế sản phẩm bằng việc vận dụng kiến thức thì lại khác. Học sinh sẽ ghi nhớ kiến thức, hiểu kiến thức mình học từ sách vở sẽ được ứng dụng trong thực tế như thế nào, vận dụng vào xung quanh ra sao… Hơn nữa, các em còn được trang bị các kỹ năng về làm việc nhóm, thuyết trình, sử dụng những vật dụng trong gia đình như dao, kéo, súng bắn keo…”, thầy Thái phân tích.
Tương tự, học sinh Trường Tiểu học Đặng Thùy Trâm (Q.7) cũng đầy háo hức, thích thú với những tiết học STEM bài học, khi trong tiết học các em được sử dụng những vật dụng để chế tạo ra các sản phẩm gắn cùng kiến thức bài học. Những vật dụng tái chế như bìa cứng, que kem, giấy màu, giấy nilon, hộp sữa, chai nhựa… tưởng chừng bỏ đi, song khi được đưa vào trong bài học lại trở thành công cụ biến giờ học trở nên sinh động, mới mẻ. “Khác với những giờ học thông thường, học sinh có thể chia nhóm thảo luận bài học thì các tiết học STEM lại mang đến sự sáng tạo và đưa học sinh chạm đến các kỹ năng tư duy, phản biện, lập luận vấn đề. Kiến thức bài học được dễ dàng hình dung qua chính những sản phẩm mà các em sáng tạo. Đây là điều rất mới mẻ mà các tiết học STEM mang lại, vì thế học sinh vô cùng thích thú”, thầy Trịnh Minh Quân (giáo viên của trường) chia sẻ.
Theo thầy Quân, chính sự hào hứng, thích thú và trao cho học sinh sự sáng tạo của tiết học STEM đã giúp các giờ dạy – học của thầy và trò thực sự hạnh phúc. “Các em cùng nhau lên ý tưởng, cùng nhau phác họa và lên kế hoạch về những vật dụng sẽ sử dụng để vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Thậm chí, đứng trước một kiến thức, các em còn chủ động nêu lên ý tưởng vận dụng kiến thức đó vào đời sống thì sẽ giải quyết được vấn đề gì. Điều này mang đến cho các em sự chủ động, tự tin chứ không còn thụ động tiếp cận kiến thức một chiều, rất phù hợp với mục tiêu mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang hướng tới”, thầy Quân phấn khởi.
STEM mang đến những giờ học hạnh phúc
Hiện giáo dục STEM đang rất được quan tâm từ phía ngành giáo dục các địa phương trên địa bàn TP.HCM, tạo thành làn sóng với những ngày hội lớn. Ở đó, các mô hình STEM từ nhà trường do chính học sinh sáng tạo trong giờ học cùng góp mặt, là một trong những cách thức để mỗi cơ sở giáo dục giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong triển khai giáo dục STEM. “Trước đây, khi STEM mới đưa vào trường học thì đa phần chỉ dừng ở việc triển khai theo hình thức câu lạc bộ robotics. Thế nhưng, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, STEM đã trở thành một phương pháp giúp học sinh vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, cực kỳ phù hợp với mục tiêu và hướng đi của chương trình mới. Do vậy, STEM không còn đơn thuần là cách đi của robotics như trước đó mà hiện nay STEM đã đi vào từng bài học, môn học với nhiều cách thức triển khai, mang đến cho cả thầy và trò những giờ học hạnh phúc”, ông Phan Văn Quang (Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Bình) chia sẻ.
Theo ông Quang, các ngày hội STEM được tổ chức ở cấp độ phòng giáo dục sẽ giúp nhà trường, giáo viên có những hình dung bao quát hơn về việc triển khai STEM ở các cơ sở giáo dục khác trên toàn quận, đồng thời có thêm kinh nghiệm để thực hiện các cách thức giáo dục STEM trong trường mình sao cho phù hợp với đối tượng học sinh.
Tại Q.Tân Phú, đi cùng với ngày hội STEM ngoài phần giới thiệu, trưng bày, hội thi về sản phẩm giáo dục STEM luôn là những tọa đàm, hội thảo về giáo dục STEM. Riêng trong năm học này, ngành giáo dục Q.Tân Phú còn triển khai thêm ứng dụng AI trong dạy và học trong ngày hội, giúp giáo viên có thêm những thông tin, kiến thức để mạnh dạn triển khai. Ông Phan Sĩ Đạt (Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Phú) đánh giá, đến thời điểm này, với sự chỉ đạo sâu sát của Sở GD-ĐT TP.HCM và Phòng GD-ĐT quận, đa phần các nhà trường, giáo viên đã rất tự tin, chủ động trong triển khai giáo dục STEM theo nhiều hình thức. Điểm mới nhất trong năm học này đó là STEM bài học được nhân rộng trong các trường tiểu học, trở thành một hoạt động giáo dục thường xuyên của giáo viên. Chính điều này không chỉ giúp giáo viên chắc tay trong triển khai mà còn trở thành một phương pháp triển khai hiệu quả việc đổi mới giảng dạy khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo ra những giờ học “chất lượng cao”. “Ngành giáo dục quận xác định, việc xây dựng trường học hạnh phúc không tách rời với việc đổi mới giáo dục, mà trở thành hoạt động song hành cùng nhau. Chính những giờ học đổi mới, giờ học thực hành mang đến cho học sinh sự trải nghiệm sẽ là những giờ học kiến tạo hạnh phúc. Do đó, hiện nay các nhà trường đều rất mạnh dạn ứng dụng giáo dục STEM trong dạy học”, ông Đạt nói thêm.
Bài, ảnh: Thành Nam
Bình luận (0)