Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục TCCN đang bị “suy dinh dưỡng”!

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh xem lại bài thi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2009. Vì chưa được hướng nghiệp đầy đủ nên vào đại học luôn là áp lực đối với thí sinh

Thông qua các cuộc “hội thảo bàn tròn” về chất lượng giáo dục trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) do các tỉnh thành cũng như Bộ GD-ĐT tổ chức trong thời gian gần đây, một thực tế cho thấy công tác giáo dục TCCN tuy được quan tâm, nhưng chưa được đầu tư đúng mức, đang có dấu hiệu “suy dinh dưỡng”…
Khó khăn chồng chất
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TP.HCM, những năm gần đây “cỗ xe” giáo dục TCCN càng ngày càng lớn mạnh, không ngừng phát triển nhưng vẫn chưa theo kịp “guồng quay” sự phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó giáo dục chuyên nghiệp chưa thật sự gắn với nhu cầu xã hội, chương trình còn có vẻ cao sang, mang nặng lý thuyết hàn lâm, xa rời thực tế lý thuyết. Ngoài ra, sự kết hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường chưa có hiệu quả. Ngay tại Hà Nội, chất lượng đào tạo so với yêu cầu sử dụng doanh nghiệp vẫn có khoảng cách nhất là khả năng thích ứng với công nghệ mới và sự chuyển đổi cơ cấu lao động theo cơ chế thị trường. Vì thế giáo dục chuyên nghiệp ở Hà Nội vẫn chưa đáp ứng kịp thời việc đào tạo các ngành nghề phù hợp với các địa bàn cụ thể. Khi đánh giá về thực trạng này, Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận chất lượng giáo dục TCCN nhìn chung còn thấp, nhiều ngành chưa đáp ứng nhu cầu kiến thức và kỹ năng thực hành mà thị trường đòi hỏi. Giữa các địa phương bên cạnh những “vùng cao” về chất lượng vẫn còn những “vùng trũng” do chất lượng không đồng đều. Công tác đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp ở các trường thực hiện còn chắp vá chưa đồng bộ và thiếu chất keo gắn kết với nhu cầu doanh nghiệp. Một khiếm khuyết mà Bộ GD-ĐT cũng nhìn thấy là sự phân bố cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa bám sát với thị trường nhu cầu lao động. Đặc biệt nhiều trường TCCN ngoài công lập có xu hướng đào tạo những nghề quay vốn nhanh, ít phải đầu tư thiết bị công nghệ như CNTT, kế toán, văn thư, quản trị kinh doanh. Một số trường trước đây đào tạo những ngành nghề truyền thống về nông lâm ngư nghiệp lại có xu hướng chuyển nhanh sang những lĩnh vực khác do ít nhu cầu của người học.
 Cơ sở vật chất yếu kém của trường chuyên nghiệp cũng kéo theo sự hứng thú của người học và sụt giảm về chất lượng. Nhìn chung trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho đào tạo kỹ năng nghề nghiệp vừa thiếu lại vừa lạc hậu. Không chạy theo kịp thị trường lao động các doanh nghiệp. Cơ sở các trường ngoài công lập chủ yếu là thuê mướn nên ít được sửa chữa, xây mới. Nhiều năm nay đội ngũ giáo viên trong hầu hết các trường còn thiếu do không có chỉ tiêu biên chế và không tuyển dụng được. Mặt khác nhìn thẳng vào sự thật mới thấy chất lượng của giáo viên TCCN chưa theo kịp yêu cầu giáo dục nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn không được cập nhật thường xuyên, kỹ năng thực hành giậm chân tại chỗ. Điều quan ngại là nhiều giáo viên chưa tiếp cận được phương pháp giảng dạy hiệu quả, chưa nâng cao trình độ nhất là ngoại ngữ và tin học. Không những thế đội ngũ cán bộ quản lý các phòng GDCN chưa được bồi dưỡng chuyên môn về quản lý nhà nước đối với giáo dục chuyên nghiệp, thiếu kinh nghiệm về quản lý giáo dục TCCN.
Đâu là căn nguyên?
Không thể phủ nhận vai trò của giáo dục chuyên nghiệp trong việc định hướng nghề nghiệp và đào tạo công nhân giỏi, lành nghề cho xã hội. Khi nhìn nhận những tồn tại và hạn chế, các nhà quản lý đã tìm ra được các nguyên nhân làm cho “bánh xe” GDCN chưa theo kịp guồng máy chung, chưa tiếp cận được với trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Giáo dục chuyên nghiệp cần một nguồn lực đầu tư như cơ thể con người cần cơm ăn nước uống nhưng thực tế vẫn chưa được cung ứng đúng mức nên vẫn bị suy dinh dưỡng không cáng đáng được thị trường đào tạo.
Nhiều năm trước và cho đến cả bây giờ giáo dục nghề nghiệp chưa được xã hội quan tâm, nhiều người quan niệm đi học nghề là bước vào ngõ cụt theo kiểu “chuột chạy cùng sào”. Cũng từ đó mà vị thế của các trường nghề chưa được coi trọng. Mặc dù một số địa phương như quận Tân Phú, Tân Bình (TP.HCM) đã có giải pháp phân luồng học sinh sau THCS và THPT nhưng các điển hình này chưa được nhân rộng nên chưa thu hút học sinh vào con đường giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh, giữa đào tạo và nhu cầu đào tạo vẫn chưa có sự ăn ý nhịp nhàng. Do thiếu thông tin dự báo về nhu cầu đào tạo, thông tin về thị trường lao động ở thành phố nên gây lãng phí trong đào tạo. Sự gắn kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp chưa có cơ chế ràng buộc cho nên đào tạo chưa thật sự phù hợp với thực tế sản xuất, chưa gắn kết với việc làm. Giáo dục chuyên nghiệp cần một nguồn lực đầu tư như cơ thể con người cần cơm ăn nước uống nhưng thực tế vẫn chưa được cung ứng đúng mức nên vẫn bị suy dinh dưỡng không cáng đáng được thị trường đào tạo. Các trường chuyên nghiệp trong cả nước vẫn ở mức sàn sàn như nhau chưa có những “cột cờ” được chọn ra từ “bó đũa”, thiếu mô hình đào tạo chuẩn mực để phục vụ theo yêu cầu doanh nghiệp hiện đại trong nước cũng như tìm kiếm nguồn nhân lực cho xuất khẩu lao động.
 Đổi mới giáo dục chuyên nghiệp vẫn là một bài toán còn nhiều ẩn số. Tuy nhiên nếu biết đổi mới chính sách đào tạo tuyển dụng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục TCCN; đổi mới tài chính, tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới chương trình đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, đẩy mạnh quan hệ hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác quốc tế thì chúng ta sẽ có câu trả lời chính xác nhất.
Nguyễn Trọng Quế
(Sở GD-ĐT Thừa Thiên-Huế)

Bình luận (0)