Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú đang trình bày giải pháp tăng cường giáo dục thanh thiếu niên trong thời đại hiện nay. Ảnh: Mê Tâm |
Tọa đàm “Tiếng nói học sinh THPT” và hội thảo khoa học “Giáo dục thanh thiếu niên (TTN) ở trường phổ thông trong tình hình hiện nay” được tổ chức trong 2 ngày 8 và 9-4 cho thấy những nỗ lực của Sở GD-ĐT TP.HCM về đổi mới nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục TTN trong thời đại hiện nay.
Phụ huynh “giao khoán” con cho nhà trường
Tại hội thảo, ông Nguyên Văn Ngai (Phó giám đốc sở GD-ĐT) khẳng định thanh niên ngày nay có những phát triển vượt bậc so với thế hệ trước về tri thức, sức khỏe, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin.
TP.HCM hiện có gần 3 triệu TTN (chiếm gần 48% dân số) trong đó có khoảng 2 triệu thanh niên. Lực lượng này có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng thành phố và tổ quốc. Đa số thanh niên quan tâm đến thời cuộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự phát triển của thành phố; có ý chí vươn lên và mong muốn cống hiến công sức xây dựng tổ quốc. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, niềm tin, không tuân thủ pháp luật, có biểu hiện tiêu cực trong đạo đức, chạy theo lối sống thực dụng, đua đòi…
Ông Ngai cho rằng, với những tồn tại của thanh niên, một phần do hệ thống giáo dục xã hội, gia đình và nhà trường chưa đồng bộ, thiếu nhất quán trước sự đổi mới mạnh mẽ của xã hội. Nhiều đại biểu cũng đồng tình, không ít bậc cha mẹ (vì các nguyên nhân khác nhau) đã chưa thể hiện hết trách nhiệm, “đẩy” hết nhiệm vụ giáo dục học sinh sang phía nhà trường. Đơn cử như trường hợp một số học sinh có cha mẹ làm công nhân ở các xí nghiệp ngoại thành (huyện Bình Chánh), do yêu cầu của công việc nhiều khi phải tăng ca liên tục. Sau giờ làm, họ không còn thời gian dành cho con. Thậm chí có giáo viên sau 5 lần đến nhà mà vẫn không gặp được phụ huynh để trao đổi về việc học của các em. TS. Đinh Phương Duy cũng ý kiến: “Như việc vi phạm pháp luật của trẻ em, học sinh không phải hoàn hoàn là “tội lỗi” và trách nhiệm của các em mà còn có trách nhiệm của chính các bậc cha mẹ”.
Ông Nguyễn Văn Bạch (Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh TP.HCM) nhận định, chương trình giáo dục ở các cấp học của ta chưa chú ý nhiều đến mục tiêu giáo dục con người mà mới chỉ chú trọng truyền thụ kiến thức. Các nhà giáo dục cũng công nhận rằng chương trình học hiện nay còn nặng khiến học sinh quá tải, còn giáo viên thì mải lo dạy kiến thức để “chạy” cho kịp chương trình. Cả thầy và trò đều hầu như không còn có thời gian dành cho hoạt động ngoại khóa.
Dành ngày thứ 7 để hoạt động đoàn hội…
Ông Huỳnh Công Minh (Giám đốc Sở GD-ĐT) khuyến khích các trường dành ngày thứ 7 hoặc một ngày nào đó thuận tiện trong tuần (tùy điều kiện từng trường) để hoạt động đoàn hội. Đây là một trong những hướng mới nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục thanh thiếu niên trong thời gian tới. Hoạt động này sẽ đi cùng với những việc cải thiện, tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ trợ lý thanh niên tại các trường.
Một thực tế là hiện nay vẫn còn một bộ phận cán bộ đoàn thiếu tâm huyết, ít sáng tạo trong công tác thanh niên. Thậm chí có trường, giáo viên ở tuổi 40 vẫn còn làm công tác Đoàn, nhiều khi khó tạo được sự gần gũi hay nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của các bạn trẻ. Đại diện Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận nêu lên thực trạng chung là một số cán bộ trẻ hiện nay làm công tác đoàn một cách miễn cưỡng. Hầu như lực lượng cán bộ đoàn hiện nay thiếu sự đào tạo bài bản (chủ yếu chỉ qua những lớp tập huấn ngắn hạn). Đây chính là một trở ngại đáng kể. Cô Dương Thị Trúc Bạch (Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai) bày tỏ: “Trợ lý thanh niên không phải chỉ đơn thuần thực hiện tốt những kế hoạch được giao. Chúng ta luôn trông chờ những ý tưởng mang tính sáng tạo, thiết thực từ phía các đoàn viên. Chính điều này mới thúc đẩy hoạt động đoàn hội đi lên được”. Cô Trúc Bạch trao đổi thêm, cái thiếu của cả giáo viên lẫn học sinh là kỹ năng sống. Trong điều kiện hạn chế do thời gian dạy và học nhiều quá thì việc tận dụng các môn học tự chọn ở trường để trau dồi thêm kỹ năng cho học sinh là cách làm hiệu quả. Bên cạnh đó, việc tuyên dương gương người tốt việc tốt dù là việc nhỏ nhặt nhất cũng là sự khích lệ kịp thời tinh thần học sinh, hướng các em đến những việc làm tốt hơn, tích cực hơn. Các ý kiến khác cũng nhấn mạnh giải pháp “đầu tư” thêm về nội dung, phương pháp dạy – học môn giáo dục công dân, thông qua đó đẩy mạnh công tác giáo dục thanh thiếu niên.
MÊ TÂM
Bình luận (0)