1. Những người đọc “Truyện cổ Andersen” của đại văn hào người Đan Mạch (1805-1875) hẳn đều nhớ đến câu chuyện rất hay và sâu sắc là “Đôi giày hạnh phúc”.
Học sinh lớp 12 học môn lịch sử (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi
Chuyện kể rằng, một ngày nọ, thần May Rủi đặt một đôi giày hạnh phúc trước cửa một ngôi nhà nọ; đôi giày ấy có phép lạ, hễ ai mang vào thì khi nghĩ gì hoặc muốn gì thì đều được toại nguyện. Ngài thẩm phán nọ ở bữa tiệc khi bước ra về đã mang nhầm vào đôi giày hạnh phúc, vì ngài còn nhớ đến câu chuyện về thời đại vua Hans(1) và luôn nghĩ rằng đó là thời đại tuyệt vời nhất. Vì vậy, khi xỏ chân vào đôi giày đó, thay vì đi về nhà trên con đường quen thuộc thì ngài lại đi trên con đường của thời đại vua Hans, có lẽ cách đó bốn thế kỷ. Thay vì đi trên con đường lát đá sạch sẽ thì ngài phải lội bùn và các vũng nước; thay vì có đèn đóm sáng sủa thì chỉ có các ngọn đèn tù mù chẳng thấy gì rõ cả; thay vì đường phố nhộn nhịp, có xe ngựa để về được đến nhà thì ngài chỉ thấy phố xá vắng ngắt, xa xa mới có vài túp lều; thay vì có một cây cầu bắc qua sông thì chỉ thấy có mấy người chèo thuyền… Không tìm được đường về nhà, ngài phải đi tìm và thấy một quán rượu, ngài cũng tham gia chuyện trò nhưng càng lúc càng không hiểu nhau, đến độ ngài tưởng mình đã say rượu, phải chui xuống gầm bàn để bò ra ngoài. Có người túm chân ngài lại, làm tụt đôi giày ra khỏi chân, và vì vậy ngài thoát khỏi cuộc sống của thời của Hans… Rồi ngài nhớ lại những lo sợ khổ ải vừa trải qua và thầm khen cuộc sống thực tại sung sướng và hạnh phúc; ngài nghĩ bụng, rõ ràng thời đại chúng ta chưa hoàn hảo lắm, nhưng đã hơn nhiều cái thời đại mà mình sống lúc nãy!
2. Thời gian qua, có một số người hay hoài niệm về cuộc sống “vàng son” trước kia của miền Nam Việt Nam, của Sài Gòn, nơi được mệnh danh “hòn ngọc Viễn Đông”. Trong đó, một số người hay nói giáo dục đạo đức học đường ở miền Nam ngày trước rất hay, trẻ biết lễ độ, thưa gửi đúng mực, đi đường gặp đám tang thì biết dừng lại ngã mũ, cúi đầu chào, không có chuyện trò mà dám hỗn hào với thầy cô hay người lớn tuổi… Người ta cũng khen giáo dục miền Nam rất tiến bộ và nhân văn, thực chất và hiệu quả, không có chuyện chạy theo thành tích, không bị thương mại hóa, người học có kiến thức thực chất và có thể đem kiến thức đó áp dụng vào thực tế cuộc sống… Người ta nhân đó nói về đạo đức xã hội ngày trước rất trong sáng và nền nếp. Cũng một số người còn so sánh với một số thủ đô trong khu vực, nào là so với Bangkok (Thái Lan), Manila (Philippines), Seoul (Hàn Quốc)… thì Sài Gòn và miền Nam Việt Nam “ăn đứt” về nhiều mặt, từ sự giàu có cho đến sự văn minh. Từ sự so sánh đó, họ quy trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam thống nhất hiện nay, về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay là nguyên nhân của tình trạng tụt hậu, xuống dốc, yếu kém… Chính lập luận đó khiến không ít người lầm tưởng là chân lý, bởi thực tiễn hiện nay của nước ta thì có nhiều mặt thua sút với các nước, hay ngay trong nước cũng có những biểu hiện không được lành mạnh. Nhưng người ta quên mất rằng, so sánh sẽ khập khiễng, kết luận sẽ là ngụy biện, nếu không cùng đặt vào một hệ tiêu chí.
3. Khi Sài Gòn trước đây được cho là đô thị thịnh vượng, văn minh bậc nhất khu vực Đông Nam Á thì liệu biểu hiện đó có bao nhiêu phần được tạo dựng từ chính người Sài Gòn, hay vốn được lập ra từ thời Pháp và Mỹ, bằng các chính sách kinh tế theo kiểu thực dân cũ và mới? Khi so sánh miền Nam Việt Nam với tư cách một quốc gia với một quốc gia khác, rồi lại so sánh Việt Nam thống nhất với quốc gia đó hiện nay thì liệu có cùng hệ quy chiếu, việc so sánh có hợp logic? Hay khi so sánh Việt Nam với một nước ở các mốc lịch sử thì liệu đã xét đầy đủ các yếu tố khách quan và chủ quan tương đồng ở từng nước?… Nếu không lý giải được đầy đủ những điều đó thì sự so sánh thực ra vô cùng gượng ép và có tính áp đặt. Thí dụ, căn cứ vào đâu nói rằng đạo đức xã hội hiện nay kém hơn đạo đức xã hội ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975? Cứ cho là hiện nay phạm pháp hình sự khá nhiều, các vụ án giết người khá nhiều thì khi so sánh với trước đây đã có tính toán trên số dân (tỷ lệ số vụ trên số dân), mức độ thường xuyên (bao lâu diễn ra một vụ), mức độ nghiêm trọng (số thương vong ở mỗi vụ)…? Liệu căn cứ vào một vài chi tiết trong giáo dục đạo đức thì có đủ cơ sở để kết luật rằng việc giáo dục đạo đức hiện nay kém hơn việc giáo dục đạo đức ở miền Nam trước 1975? Hoặc nói giáo dục miền Nam tích cực hơn giáo dục Việt Nam hiện nay thì có xét đến những chỉ tiêu như tỷ lệ người được đi học, tỷ lệ người biết chữ, tỷ lệ trẻ em gái được đi học và biết chữ… hay chưa? Và còn nhiều điều khác nữa.
Do đó, ở góc độ người tiếp nhận, chúng ta không nên vội tin vào điều gì đó của ai đó nêu không có những căn cứ thực sự khoa học, thuyết phục! Đặc biệt là trong giáo dục, chúng ta cần nhìn vào những kết quả cụ thể của nền giáo dục hiện nay: Tỷ lệ người biết chữ (đương nhiên phải theo tiêu chí “biết chữ” thông dụng), tỷ lệ trẻ em gái và phụ nữ biết chữ, mức độ phổ cập giáo dục các bậc học, tỷ lệ giáo viên và học sinh, sinh viên trên tổng số dân, số trường học trên tổng số dân… Không cần phải tham khảo các công trình nghiên cứu gì to tát, chúng ta đều biết các chỉ số đó đều cao hơn hẳn 50 năm trước. Và, những người hiện trên dưới 50 tuổi, hầu như được trưởng thành hoàn toàn trong nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, đang có vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động của xã hội (lãnh đạo đất nước và các địa phương, là nhà nghiên cứu, doanh nghiệp…), không phải là một minh chứng cụ thể của nền giáo dục hiện nay hay sao?
4. Trở lại với câu chuyện “Đôi giày hạnh phúc”, chúng ta có thể rút ra một điều: Trong lịch sử có thể có những giai đoạn hoàng kim (chẳng hạn như dân gian vẫn nói: Đời vua Thái Tổ Thái Tông/ Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn) với những thành tựu rực rỡ về nhiều mặt thì so với thời đại sau nó, nhất là hiện nay, vẫn có những hạn chế do yếu tố thời đại mà không thể nào khắc phục được. Yếu tố thời đại đem lại những thành tựu khác, là những thành tựu do nhân loại có được và mỗi dân tộc có thể tiếp thu được qua quá trình hội nhập. Do đó, nói Sài Gòn trước năm 1975 dẫu giàu có thế nào thì sự văn minh, sự tiện nghi, sự tiên tiến về nhiều mặt cũng không thể nào bì được với Sài Gòn – TP.HCM hiện nay, khi thành phố này đã tiếp thu được rất nhiều tinh hoa về khoa học, kỹ thuật, lối sống… của thế giới. Điều kiện kinh tế – xã hội Việt Nam hiện nay vẫn còn khoảng cách khá xa so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Dẫu vậy, so với chính chúng ta với những đau thương, mất mát trong nhiều cuộc chiến tranh dai dẳng thì đã có những tiến bộ vượt bậc. Chỉ cần nhìn lại những năm trước đổi mới với hiện nay cũng đủ thấy sự thay đổi có thể nói là “một trời một vực”. Dẫu một số nơi, còn một số người còn gặp khó khăn, nhất là sau đại dịch, nhưng nhìn chung, chất lượng sống trên tất cả các mặt của người dân đều được nâng cao. Thành tựu đó không tự nhiên mà có, mà do sự nỗ lực của toàn dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Bởi vậy, như nhận xét của ngài thẩm phán trong câu chuyện “Đôi giày hạnh phúc”, chúng ta cũng có thể thấy rằng, rõ ràng thời đại chúng ta chưa hoàn hảo lắm, nhưng đã hơn nhiều các thời đại đã qua! Gần như với tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục!
Nguyễn Minh Hải
(1) Vua Johann Hans, thuộc triều đại Oldenburg, trị vì giai đoạn 1481-1513, được cho là có nhiều thành tựu rực rỡ.
Bình luận (0)