Trong lộ trình chuyển đổi số giáo dục mà ngành GD-ĐT TP.HCM đang xây dựng, toàn ngành hướng tới giáo dục thông minh (GDTM), thúc đẩy ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động quản trị và giảng dạy của nhà trường. Vấn đề đặt ra là trong lộ trình chuyển đổi số và GDTM đó, giáo viên sẽ kế thừa gì và kế thừa như thế nào GD truyền thống để đảm bảo rằng sẽ không có bất cứ sự lệch pha nào trong phương thức tiếp cận, hòa nhập của giáo viên giữa 2 phương thức, 2 nền tảng GD, nhất là trong bối cảnh thực hiện Chương trình GD phổ thông 2018.
Dù đã “lui về” gần 10 năm nay nhưng NGƯT Nguyễn Văn Ngai vẫn dành nhiều tâm huyết cho giáo dục, hàng ngày ông vẫn đọc báo để cập nhật tin tức về giáo dục
1. GD hiện nay so với GD thời trước đã có rất nhiều bước tiến lớn cũng như sự thay đổi, khác biệt rõ rệt. Từ việc theo dõi thông tin và từ đúc kết của bản thân, tôi rất đồng tình với quan điểm rằng GDTM là GD có sự hỗ trợ của các phương tiện GD hiện đại phù hợp với xu thế phát triển CNTT, truyền thông của thế kỷ 21, của thời đại 4.0. GDTM sẽ tạo ra một hệ thống hỗ trợ cho quản trị GD, quản trị nhà trường, hỗ trợ việc giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh, mang lại hiệu quả tốt nhất trong dạy và học.
Nếu như GD truyền thống đặt ra mục tiêu GD học sinh kiến thức cơ bản theo kiểu truyền thụ một chiều từ phía giáo viên và giáo viên luôn đúng thì GDTM đã mở ra không gian lớp học mở, học sinh là trung tâm, người giáo viên chỉ đóng vai trò hỗ trợ hướng dẫn học sinh tiếp nhận kiến thức chứ không còn là người truyền thụ kiến thức nữa. Mục tiêu của GDTM cũng hướng đến phát huy năng lực, phẩm chất người học. Có nghĩa là vai trò của giáo viên trong GDTM đã thay đổi rất nhiều, có đôi khi thầy cô thậm chí còn không giỏi bằng học sinh trong một mảng kiến thức nào đó.
TP.HCM đang chủ trương xây dựng ngành GD hướng tới GDTM, chuyển đổi số. Có thể thấy rằng để xây dựng GDTM lại phải cần đến sự đồng bộ rất nhiều thứ, từ chủ trương, giải pháp, cho đến cơ sở vật chất và đặc biệt trước hết là sự chuẩn bị về nguồn lực con người. GDTM trước hết thì con người phải thông minh, ở đây chính là đội ngũ giáo viên phải nhanh nhạy, thích ứng được với CNTT, bắt kịp được với những thiết bị công nghệ hiện đại khi đưa vào nhà trường. Và quan trọng hơn cả đó là nhận thức của đội ngũ giáo viên phải chuyển đổi, chuyển đổi từ phương pháp nhận thức của GD truyền thống để tiệm cận với xu thế GDTM. Trong GDTM thì CNTT đóng vai trò then chốt thế nhưng CNTT chỉ là phương tiện chứ không phải là tất cả. Để chuyển đổi sang GDTM thì giáo viên cần phải biết linh hoạt đưa CNTT vào trong bài giảng một cách thông minh, tiết chế chứ không phải lạm dụng. Cùng với đó, thầy cô phải trang bị tư duy mở, chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của học sinh, tạo môi trường để học sinh được tranh biện. Và thêm nữa, thầy cô phải xây dựng được tâm thế học tập suốt đời, thậm chí là học tập từ chính học sinh mình.
2. Với chủ trương mà ngành GD-ĐT TP đang xây dựng, tôi cho rằng ngành GD nên đưa ra những lộ trình và các chỉ tiêu trong từng giai đoạn cụ thể, để từng đơn vị nhà trường nhìn vào đó có sự tự đánh giá, rà soát lại đơn vị mình xem còn thiếu gì, đạt gì và chưa đạt gì, từ đó xây dựng hướng phấn đấu. Nghĩa là làm sao đưa ra bước đi chi tiết nhất với khung, vạch xuất phát và nêu rõ ràng trong khung đó, trong vạch xuất phát đó thì cần các yếu tố cơ bản nào, để trong tiến trình xây dựng GDTM mọi đối tượng học sinh từ quận trung tâm cho đến huyện ngoại thành đều có thể được thụ hưởng ở một mức độ sàn như nhau sau đó mới là đơn vị nào mạnh (có tiềm lực) thì đi trước, làm trước chứ không phải ngay từ ban đầu đã mạnh đơn vị nào đơn vị đó làm. Tôi thấy mô hình thư viện thông minh hay trường học không dùng tiền mặt, ngành GD xây dựng theo hướng thí điểm ở một vài đơn vị nhà trường trước khi nhân rộng toàn TP là hướng đi rất phù hợp khi xây dựng GDTM. Từ những mô hình này, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong nhà trường cũng vậy, nên có các tiêu chí cụ thể, đánh giá để có sự hỗ trợ các đơn vị gặp khó. Ngoài ra, khi tiến tới GDTM thì không thể thiếu được sự đồng thuận của phụ huynh, các đơn vị nhà trường cũng nên đẩy mạnh tuyên truyền để phụ huynh hiểu có sự ủng hộ.
Nhiều hoạt động giáo dục được các nhà trường đưa CNTT vào, mang đến sự thích thú cho người học
GDTM chính là một trong những phương thức để thầy cô đổi mới GD. Vậy, để đổi mới GD từ phương thức này đạt hiệu quả thì không gì hơn đó là giúp tự thân giáo viên hiểu được rằng bằng phương thức này họ “được lợi gì” trong giảng dạy, trong GD học sinh. Tức là cần làm cho giáo viên nhận ra vai trò cần thiết của việc chuyển đổi có những mặt được gì so với việc “đứng im” thì tự thân họ sẽ chuyển đổi, đổi mới sẽ khắc phục như thế nào những hạn chế đang tồn tại. Điều này cũng sẽ đúng với đội ngũ giáo viên lớn tuổi, nếu đã nhận ra được sự cần thiết thì khó khăn đến mấy thầy cô cũng sẽ nỗ lực. Tất nhiên là cần thêm sự hỗ trợ, tạo điều kiện của người đứng đầu đơn vị nữa.
3. Trong bất cứ một phương thức GD nào ở một thời điểm nào đó cũng đều sẽ có những ưu điểm và hạn chế. Chúng ta không thể nào phủ nhận rằng GD truyền thống mang ưu điểm của sự gắn kết thầy trò, đề cao vai trò tôn sư trọng đạo, song khi đặt trong bối cảnh GD hiện nay thì rõ ràng phương thức GD truyền thống truyền thụ cứng nhắc một chiều đã không còn phù hợp mà thay vào đó phải là bằng những phương thức GD linh hoạt, đa dạng hơn phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội.
Tuy nhiên, GDTM hay GD truyền thống thì cái đích đến cuối cùng cũng vẫn là GD học sinh nhân cách, hướng tới chân thiện mỹ, trở thành những người công dân sống thiện lương, có lý tưởng hợp với lý tưởng của thời đại. Như vậy là trong bất cứ phương thức GD nào thì thầy cô vẫn là hình mẫu để học sinh nhìn vào, soi vào. Nếu như trước đây thầy cô chỉ cần là hình mẫu của sự chuẩn mực thì bây giờ khi sự học đã mở rộng, kiến thức đến từ nhiều nguồn, thầy cô ngoài sự chuẩn mực về đạo đức lại cần thêm là hình mẫu của sự tự học, tự nghiên cứu, của tinh thần ham học hỏi, tinh thần đổi mới, vượt khó để học sinh noi theo. Hình mẫu này có thể được cụ thể qua từng bài giảng của thầy cô với những phương pháp GD sáng tạo, sự mạnh dạn làm mới tiết dạy, tính cởi mở trong tiếp cận học sinh…, bởi như đã nói GDTM không đâu khác thầy cô phải thông minh và bắt đầu từ chính nhận thức của thầy cô.
NGƯT Nguyễn Văn Ngai
Bình luận (0)