Tầm quan trọng của sách trong đời sống, đặc biệt là trong không gian trường học là không cần bàn cãi. Ngành giáo dục đã và đang nỗ lực khuyến đọc để học sinh nâng cao nhận thức và thói quen đọc, tiến tới đạt mục tiêu phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.
Thời gian qua, tôi nhận thấy nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM chủ động phối hợp với các đường sách để đưa học sinh tới tham quan, học tập, lắng nghe, chia sẻ việc đọc với các diễn giả, học giả… Việc các nhà văn, nhà thơ, nhà báo giới thiệu sách luôn gây nhiều cảm hứng và kích thích học sinh tìm hiểu sách, đọc sách và cả việc tò mò để viết được quyển sách cho riêng mình. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu phát triển văn hóa đọc không phải chỉ ở quyết tâm và mô hình của lãnh đạo các ban ngành. Theo tôi, trường học là môi trường quan trọng thứ hai sau môi trường gia đình để khuyến khích sự đọc và phát triển văn hóa đọc cho học sinh. Tại sao tôi lại nói trường học là môi trường thứ hai, bởi vì một gia đình có truyền thống đọc thì đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong môi trường đó sẽ gần như yêu thích, có thói quen đọc được nuôi dưỡng từ cha mẹ. Song, với quá nhiều áp lực trong đời sống hiện nay, không phải bậc cha mẹ nào cũng yêu thích sự đọc. Quan trọng hơn là không phải gia đình nào cũng có điều kiện mua sách cho con đọc nên trường học sẽ đảm nhiệm trọng trách phát triển sự đọc một cách bài bản, quy củ và hệ thống. Thư viện trường học là nơi chứa đựng tri thức nhân loại, phù hợp cho phát triển văn hóa đọc tại trường. Tuy nhiên, bài viết này không đề cập tới vai trò của thư viện nhà trường mà tôi xin chia sẻ kinh nghiệm hình thành thói quen đọc sách cho học sinh ở khía cạnh là giáo viên chủ nhiệm. Theo đó, mỗi người giáo viên có trách nhiệm định hướng sự học và sự đọc cho học sinh, nhưng giáo viên chủ nhiệm mới là người gần gũi và có ảnh hưởng nhất đến học sinh của mình. Vì vậy, giáo viên chủ nhiệm là người thúc đẩy tiến trình đọc sách hiệu quả và nắm bắt được tiến trình ấy của từng học sinh trong lớp.
Đầu năm học này, vào buổi sinh hoạt với phụ huynh, trong nhiều nội dung có một nội dung tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm, hưởng ứng và đồng cảm. Đó là giáo dục kỹ năng đọc sách cho học sinh trong lớp. Quy trình như sau: Bước 1, giáo viên chủ nhiệm đề xuất lên lãnh đạo nhà trường về việc lập mô hình kệ sách, tủ sách tại lớp học. Trong đó trình bày kế hoạch về thời gian cho học sinh đọc sách trong tuần. Trình bày kế hoạch và định hướng hoạt động là tiền đề quan trọng để nhận được sự ủng hộ và thông qua của lãnh đạo nhà trường. Với bối cảnh các trường trung học hiện nay hầu như đã có thư viện đầy đủ và thể loại đa dạng, giáo viên chủ nhiệm phải trả lời được câu hỏi: Tại sao phải cần có kệ sách lớp học? Quá trình vận hành tủ sách lớp học diễn ra như thế nào? Học sinh sẽ đọc sách vào thời điểm nào trong ngày, trong tuần? Sách nào được phép đưa vào kệ sách, tủ sách của lớp học?… Bước 2, giáo viên chủ nhiệm chủ động trang bị kệ sách và sách tuyển chọn cho học sinh của mình dựa trên các sách đã được thẩm định phù hợp lứa tuổi học sinh. Bước 3, công tác truyền thông đến phụ huynh và học sinh trong lớp học. Buổi họp đầu năm với phụ huynh là cơ hội tuyệt vời để giới thiệu mô hình tủ sách lớp học đến với phụ huynh. Với kế hoạch rõ ràng và định hướng hoạt động cho tủ sách, tôi đã nhận được sự ủng hộ của nhiều phụ huynh về việc lập tủ sách và các buổi đọc sách bắt buộc cho học sinh. Có phụ huynh đã đề xuất được đưa học sinh đến đọc sách vào khung giờ giáo viên chủ nhiệm trực. Công tác truyền thông vô cùng quan trọng để đưa sách đến học sinh một cách hiệu quả như chụp hình, quay phim về tủ sách, viết lời giới thiệu một số sách mới, sách hay… Gửi thông tin vào nhóm lớp, nhóm phụ huynh về hoạt động đọc của lớp, của từng cá nhân… để lan tỏa sự đọc. Bước 4, thiết kế các giờ đọc bắt buộc. Trong các hoạt động của lớp chủ nhiệm, tôi thiết kế khung thời gian đọc sách bắt buộc từ 13 giờ đến 15 giờ 30 phút chiều thứ sáu hàng tuần để những học sinh vi phạm khuyết điểm trong tuần đến đọc và viết cảm nhận về những gì mình đã đọc. Học sinh đến lớp đọc sách theo yêu cầu của giáo viên, thông thường tôi yêu cầu các em đọc khoảng 20 đến 30 trang sách, sau đó viết lại những gì mình cảm nhận được. Hoạt động ban đầu này khó khăn cho cả thầy và trò. Bởi thầy phải ngồi đó để quản lý học sinh đọc tại chỗ, còn học sinh bị gò bó trong một khung giờ và phải tập trung đọc để có thể rút ra nhận định của bản thân. Đối với nhiều học sinh chưa quen việc đọc, ngồi đọc từ một đến hai tiếng đồng hồ với sự giám sát của giáo viên thường phải là rất kiên nhẫn. Còn giáo viên phải biết sách và số trang sách đưa cho học sinh đọc có nội dung gì để nhận xét khi đọc cảm nhận của học sinh. Bước 5, đánh giá chất lượng đọc. Ngoài các giờ đọc bắt buộc học sinh viết cảm nhận, tôi còn cho học sinh mượn sách về đọc trong hai ngày cuối tuần. Qua đó, học sinh từng bước làm quen việc đọc với các sách dễ hiểu, tựa sách thu hút… Bước 6, chỉnh sửa các thiếu sót. Trong quá trình hoạt động, là người theo sát quá trình đọc, tôi nhận thấy học sinh cần nhiều hơn các quyển sách phù hợp lứa tuổi, truyện tranh, thể loại sách phát triển bản thân… Đây là những sách dễ đọc và thu hút.
Để ra đời và duy trì được tủ sách lớp học đòi hỏi sự dấn thân, không phải giáo viên nào cũng làm được. Giáo viên không chỉ mất thời gian để theo sát quá trình đọc, mà còn tốn chi phí cho việc mua sách, quản lý sách… Hơn hết, giáo viên phải đọc sách để biết sách hay thể loại sách nào mà học sinh được phép đọc, nên đọc, cần đọc, phải đọc. Chính vì vậy, tủ sách lớp học là phương tiện nối dài của thư viện trường học, bổ sung cho những hạn chế mà thư viện chưa tiếp cận tới được. Sẽ là lý tưởng nếu như tủ sách, kệ sách đạt được hiệu quả như mục đích ở trên. Như đã từng nhắc đến, không phải lớp học nào, không phải giáo viên nào cũng có thời gian, công sức, tiền bạc để đảm nhận thêm một công việc không công cũng như tính khả thi chưa hoàn toàn chắc chắn. Tuy nhiên, xét đến cùng, tủ sách hay kệ sách trong lớp học đều nhằm mục đích hướng tới giáo dục con người trưởng thành, phát triển nhân cách, phản tỉnh mỗi ngày và có văn hóa (văn hóa ở đây là con người văn hóa tổng quát với hàm nghĩa đầy đủ về hiểu biết và nhận thức chứ không riêng gì về trình độ hay bằng cấp). Nhưng, theo tôi, tủ sách hay kệ sách trong lớp học không phải là con đường duy nhất hình thành thói quen đọc, tiến tới phát triển văn hóa đọc cho học sinh. Chúng ta có thể xây dựng kế hoạch đọc cho học sinh tại thư viện, khuyến khích giờ đọc sách tại lớp, tặng sách cho học sinh, giới thiệu sách hay cho học sinh…
Bài, ảnh: Nguyễn Minh Thanh
(Giáo viên Trường THCS Trương Văn Ngư, TP.Thủ Đức)
Bình luận (0)