Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giáo dục tinh thần tự lực, tự cường cho học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

1. Hẳn rất nhiều người trong chúng ta đều nhớ đến bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi học sinh nhân ngày khai trường năm 1945, chỉ ít ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Thư có đoạn vừa như tâm sự vừa như nhắn nhủ, động viên, thúc giục: “Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm trời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”…


Hc sinh thuyết trình ni dung đ tài trong mt cuc thi khoa hc. Ảnh: TL

Còn đây là một câu chuyện khác có ý nghĩa rất sâu sắc về tinh thần tự cường của Bác Hồ. Sau khi khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội thắng lợi, Bác Hồ cùng một số cán bộ từ Việt Bắc trở về thủ đô. Trên đường đi, Bác ghé lại một địa phương nọ, dừng lại xem các khẩu hiệu cách mạng kẻ trên tường. Chợt nhìn thấy hàng dãy cờ căng trước cổng thôn, Bác hỏi: “Sao các chú lại làm cờ của ta nhỏ hơn cờ của các nước đồng minh?”. Một đồng chí thưa: “Dạ, giấy đỏ và vàng nhân dân mua làm cờ nhiều quá nên thiếu ạ! Vì muốn cho đủ nên chúng cháu phải cắt nhỏ đi một chút ạ”. “Không nên”, Bác khẽ lắc đầu và bảo: “Các chú phải hiểu là cách mạng đã thành công, nước ta đã giành được độc lập và đã ngang hàng với các nước, vì vậy cờ của ta phải bằng cờ các nước khác. Có thế mới tỏ rõ chí tự cường, tự trọng của mình”.

Chúng ta có thể thấy, gần như trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trân trọng sự giúp đỡ chí tình của các Đảng Cộng sản anh em, của bạn bè thế giới… nhưng Người luôn thể hiện rõ tinh thần tự lực, tự cường. Chính những lời dạy trên của Người trong bối cảnh cách mạng đang trong cơn triều dâng thác lũ và vừa thành lập Nhà nước non trẻ, như đã vẽ ra cho mọi người về viễn cảnh một Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, chắc chắn sẽ diễn ra không lâu nữa, để động viên, khích lệ sự tham gia, đóng góp của tất cả mọi người. Đồng thời, Người cũng nhắc nhở dân tộc ta, đất nước ta, mọi người dân ta không thể tự xem mình là nhược tiểu, là yếu hèn so với các nước mà phải dũng cảm và hiên ngang đứng ngang với các nước khác, kể cả nước lớn, ít nhất về mặt vị thế, về sự tự tôn và tự hào dân tộc.

Hơn 20 năm sau, ngày 17-7-1966, khi Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và quân các nước chư hầu vào tham chiến trực tiếp trên chiến trường miền Nam, đồng thời leo thang đánh phá miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn quốc chống Mỹ, cứu nước. Lời kêu gọi có đoạn: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”. Thêm một lần nữa, Hồ Chí Minh thể hiện tinh thần tự lực, tự cường một cách mạnh mẽ, cương quyết.

2. Nhiều năm trước, có thể một số người khi xuất ngoại hoặc gặp bè bạn nước ngoài đã ngại cho mọi người biết mình là người Việt Nam, bởi tâm lý tự ti là công dân của một nước nhỏ, nghèo và chưa được ghi nhận nhiều dấu ấn tích cực. Thế nhưng trong bối cảnh “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, với sự phát triển nhanh chóng về nhiều mặt, với uy tín quốc tế ngày càng rõ nét, với những đóng góp ngày càng tích cực cho nhân loại, đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã từng bước nâng cao vị thế trên vũ đài thế giới. Việc “sánh vai với các cường quốc năm châu” đã dần được thể hiện rõ nét.

Từ lời dạy của Bác Hồ, đối với mỗi người Việt Nam, việc học tập tinh thần tự cường thực sự có ý nghĩa sâu sắc. Tự mỗi người phải luôn có ý thức nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức, vị thế, uy tín của mình một cách thực chất, thông qua việc không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu. Đó là luôn thể hiện khao khát làm việc, đóng góp tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, thời gian sau phải có sự tiến bộ hơn trước. Đó là luôn hướng tới việc hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho cơ quan, đơn vị của mình. Đó là luôn có ý thức tự làm giàu cho bản thân, gia đình một cách chính đáng để đóng góp vào sự phát triển, thịnh vượng chung của xã hội, của đất nước. Và, đó là trong nhận thức, không bao giờ để tâm lý dựa dẫm, lệ thuộc ai, dù ở vai trò cá nhân hay khi nghĩ về hiện tình của đất nước. Bản thân từng người nỗ lực thay đổi nhận thức và có hành động cụ thể như trên là rất quý. Nhưng quan trọng hơn nữa là phải duy trì và trao truyền tinh thần tự lực tự cường cho các thế hệ mai sau. Điều đó cần được thực hiện ngay trong nhà trường.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, với thông tin rất nhiều chiều, nhất là thông tin từ nước ngoài, tư tưởng vọng ngoại, sùng ngoại trong một bộ phận người dân là không nhỏ, từ đó lây lan đến trẻ em, thanh niên… Có không ít thanh thiếu niên tỏ ra rất hăm hở các “thần tượng” đến từ nước ngoài, trong đó có nhiều diễn viên điện ảnh, ca sĩ, người mẫu, các ban nhạc…, rồi từ đó mê đắm lối sống của nước đó, cách sinh hoạt của các cá nhân đó… Từ đây, có người cảm thấy tự ti, mặc cảm về dân tộc Việt Nam, muốn sớm được như các nước khác hoặc muốn ra nước ngoài sinh sống mà không thực sự nỗ lực để góp phần phát triển nước nhà. Bên cạnh đó, một số thông tin sai trái của những người có thành kiến với chế độ, với đất nước cũng ra rả về những điều hạn chế, tiêu cực trong nước, về những ảo ảnh, hào quang của các quốc gia khác, cũng có thể làm một số bạn trẻ ảo tưởng, tin vào những điều viển vông đó và tự ti về đất nước của mình.

Khi nói đến “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, đó chính là khát vọng hùng cường của đất nước, của dân tộc, thì đều xuất phát từ đóng góp của mỗi cá nhân, bằng tinh thần tự lực, tự cường, từ trong suy nghĩ và hành động cụ thể của mỗi người! Tinh thần này cần được hun đúc, xây dựng từ thế hệ trẻ để khi trưởng thành, từng người không ngừng phấn đấu, nỗ lực và đóng góp theo điều kiện cụ thể của mình. Do đó, giáo viên cần lồng ghép vào các bài giảng tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường của người Việt Nam, trong lịch sử cũng như trong hiện tại để dần hình thành trong tiềm thức về một dấu ấn tự lực, tự cường và không bao giờ có ý thức dựa dẫm, ỷ lại. Đồng thời, cần phê phán thái độ trông cậy vào người khác, chờ đợi kẻ khác rũ lòng thương hoặc ban phát mà không tự mình quyết định vận mệnh đất nước, dân tộc của mình.

Suy cho cùng, đó cũng là cách xây dựng cho mỗi học sinh tinh thần tự lực cánh sinh, là một thói quen, một nếp sinh hoạt, một đức tính, chứ không thể sống bám, dựa dẫm, dù là dựa vào cha mẹ. Và đương nhiên, mỗi giáo viên phải thể hiện việc nêu gương về vấn đề này, từ trong suy nghĩ cho đến hành động.

Nguyn Minh Hi

 

 

Bình luận (0)