Hãy để trẻ em được chơi, được đọc những gì mình thích (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: T.L |
Nhiều năm qua, tác giả VINADO Nguyễn đã có nhiều công trình nghiên cứu về phương pháp giáo dục trẻ mầm non. Trong đó, đề tài “Trung tâm đức-trí-thể dùng trò chơi để giáo dục trẻ em” đã đạt giải cuộc thi Ý tưởng sáng tạo” do Trung tâm Triển lãm Giảng Võ Hà Nội tổ chức năm 2010.
Giáo dục trẻ thông qua trò chơi
Ý tưởng dùng hệ thống trò chơi để giáo dục đức-trí-thể là nhằm mục đích giáo dục nhân cách, trí tuệ và thể chất cho trẻ một cách tự nhiên. Những trò chơi hấp dẫn, lôi cuốn có thể mang lại hiệu quả cao trong quá trình giáo dục trẻ. Ý tưởng này không những áp dụng được ở những sân chơi quy mô như truyền hình, sân vận động mà còn vận dụng được ngay trong trường học, nhà thiếu nhi hoặc một lớp tập huấn chuyên đề. Đặc biệt, nó còn có thể áp dụng trong gia đình để các bậc cha mẹ cùng vui chơi và giáo dục con cái.
Khi chơi, trẻ học được những gì?
Khi chơi trẻ em tiếp thu rất tốt. Không ít các bậc cha mẹ đều mong muốn đứa con từ ba đến bốn tuổi của mình được chuẩn bị học chữ và sốt ruột khi thấy trường mẫu giáo cho cháu chơi nhiều hơn học. Chúng ta cần biết, chơi là chương trình học rất tốt, tất cả các hoạt động vui chơi mà bé tham gia sẽ xây dựng cho trẻ khả năng nhận thức, tình cảm, thể lý và xã hội.
Học từ các khối nhựa, gỗ: Những vật hình khối giúp trẻ nhận thức được không gian ba chiều, khái niệm sau này sẽ là nền tảng cho những bài hình học, vật lý, kiến trúc và kỹ thuật. Trẻ mẫu giáo thích tưởng tượng những vật hình khối có kích cỡ to, vừa, nhỏ như đó là bố, mẹ và con. Qua đó, trẻ thể hiện sự hiểu biết về những mối tương quan kích cỡ trong thế giới thật.
Học qua đường nét: Hầu hết trẻ ba tuổi thích vẽ hay viết nguệch ngoạc. Với bạn, những đường nét đó là vô nghĩa nhưng với trẻ rất có ý nghĩa. Lúc bốn tuổi, nhiều em bắt đầu vẽ những hình ảnh và tranh biểu tượng con người, cảnh vật hoặc những thứ mà trẻ tưởng tượng ra. Cũng như việc học từ vựng giúp trẻ suy nghĩ tốt hơn, chuyện vẽ hay viết là bước đệm ban đầu để trẻ quan sát thế giới xung quanh. Khi những hình vẽ của trẻ ngày càng phức tạp, chúng cũng chú ý đến nhiều chi tiết và thường hỏi những câu cụ thể hơn.
Học khi hát và múa: Hát những bài hát ngắn giúp trẻ ba tuổi thưởng thức âm thanh của từ, đây là bước chuẩn bị cho trẻ học đọc sau này. Khi bốn tuổi, chúng có thể hát những bài dài hơn, múa những bài múa đơn giản theo nhịp điệu của những nhạc cụ như trống, thanh gõ, và trống lắc. Hát và múa cũng giúp trẻ tự tin, linh động và sáng tạo, những điều rất cần trong cuộc sống.
Trí tưởng tượng trong chuyển động: Khi chơi với những đồ chơi như xe hơi, máy bay, tàu lửa… và giả vờ hồi hộp với tốc độ, trẻ mẫu giáo cảm thấy mình lớn mạnh và trưởng thành hơn. Khi trẻ tưởng tượng và chơi trò đi xe trên một con đường dài, có thể trẻ đang nghĩ cách vượt qua nỗi lo lắng vì phải xa rời người thân.
Chơi ráp hình: Khi chơi ráp hình, trẻ phát triển khả năng suy luận về không gian, quan sát những kiểu mẫu và chi tiết, thực tập sự phối hợp bằng tay và mắt. Những bài tập lắp ráp không nên quá khó (sẽ gây bực dọc) cũng không nên quá dễ (gây nhàm chán) mà phải vừa đủ thách thức trẻ để dạy chúng tập trung và kiên trì. Nếu cho một nhóm cùng làm, chúng có thể làm được những bài tập ráp hình rất khó, đồng thời trẻ học được từ các động tác và biết chia sẻ.
Chơi ngoài trời: Động tác chạy và leo trèo làm cho trẻ phát triển những kỹ năng thể lý, củng cố cơ bắp và thực tập thế cân bằng. Vì ngoài sân trẻ ít bị giám sát hơn trong lớp nên sân chơi cũng là nơi hoạt động chung để học những bài học có tính xã hội. Ngoài sân trẻ học tính chia sẻ, bày trò để chơi chung. Khi xung đột nảy sinh, chúng thường giải quyết bằng cách thương lượng với nhau.
Giả vờ đọc: Một số ít trẻ mẫu giáo có thể đọc thật nhưng thường thì chúng không biết đọc và chỉ thích lướt qua những quyển sách nào có nhiều hình minh họa. Kiểu đọc cũng như viết giả vờ là nền tảng vững chắc cho việc đọc và viết thật sự. Lúc này trẻ đang học ba bài quan trọng: kể chuyện có mở đầu, nội dung, kết thúc; chia sẻ câu chuyện với người khác và luyện trí nhớ, “kết bạn” thật sự với sách.
ViNaDo Nguyễn – Tuy An
Ở Nhật Bản, tác giả KuMo đã đề ra phương pháp dạy học rất hay gọi là PP KuMo nhưng đề tài này chỉ giúp học sinh phát triển về văn hóa còn đạo đức, trí tuệ thì KuMo chưa nói đến.
(ViNaDo Nguyễn)
|
Bình luận (0)