Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục toàn diện hay ôm đồm?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Cần có thái độ thực tế hơn để mạnh dạn cắt bỏ chương trình của từng bộ môn và cắt bỏ cả những môn học không cần thiết
Việc thay đổi cách dạy và cách học ở bậc phổ thông là cần thiết nhưng sẽ không thực hiện được nếu như chương trình học vẫn còn quá nặng như hiện nay.
Sao tiếp thu nổi khái niệm triết học?

Chương trình ở bậc THPT được thiết kế quá nhiều môn học trong cùng một thời gian (hằng tuần đều có 13 môn học) làm cho học sinh rất căng thẳng và mệt mỏi. Cũng vì thế làm nảy sinh môn chính, môn phụ là điều không tránh khỏi.
Ấy thế mà còn có ý định đưa vào chương trình nhiều nội dung hơn nữa như: Chống tham nhũng, giáo dục giới tính, luật giao thông, bảo vệ môi trường, thậm chí còn đưa vào trò chơi dân gian… Có lẽ cần phải quan niệm lại thế nào là giáo dục toàn diện.

Theo tôi, cần phải có thái độ thực tế hơn để mạnh dạn cắt bỏ chương trình của từng bộ môn và cắt bỏ cả những môn học không cần thiết.

Để lấy làm một ví dụ, tôi xin nêu chương trình môn giáo dục công dân. Lớp 10 có 35 tiết với các nội dung trong học kỳ 1 như sau: Thế giới quan duy vật, biện chứng pháp; vật chất và tồn tại khách quan; sự vận động và phát triển của thế giới vật chất; nguồn gốc và cách thức vận động, phát triển của sự vật và hiện tượng; khuynh hướng phát triển; thực tiễn và vai trò của nó đối với nhận thức; tồn tại xã hội và ý thức xã hội; con người là chủ thể xã hội và là mục tiêu phát triển xã hội…

Việc thay đổi cách dạy và học khó thực hiện vì chương trình học còn nặng.
Ảnh: N. HỮU
Có người nói vui là giống như chương trình lý luận chính trị. Điều khó hiểu là làm sao một đứa trẻ 15 tuổi lại có thể học được, tiếp thu được các khái niệm triết học rối rắm đến như thế. Học những điều ấy trong môn giáo dục công dân thì có lợi gì?
Tôi cho rằng các nội dung đó hoàn toàn không cần thiết, nên bỏ hẳn và thay bằng giáo dục những kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi 15 (như biết chăm sóc bản thân, giao tiếp với mọi người, biết kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, biết sống thân thiện với bạn bè, quan tâm đến môi trường, không vi phạm pháp luật, thực hiện tốt nội quy nhà trường…).

Đề nghị bỏ 4 môn học

Ví dụ thứ hai là môn toán (hình học và đại số) của ban cơ bản có 3 tiết/tuần. Với chỉ 3 tiết/tuần thì thầy trò chỉ có cách “dạy nhồi” và “học nhét” mà thôi. Có thể nói không có nước nào trên thế giới chỉ học 3 tiết toán/tuần. Tôi được nghe nhiều ý kiến của các thầy cô giáo nói rằng với chương trình ấy, sách giáo khoa ấy, nếu có 5 tiết toán/tuần thì có thể dạy được, học được.
Vấn đề ở đây không phải là nội dung kiến thức quá khó, quá cao siêu mà là vì thời lượng quá ít. Không thể tăng thời lượng lên được (vì chỉ học một buổi/ngày) nên chỉ có cách cắt bớt chương trình. Có thể mạnh dạn bỏ hẳn nhiều bài, thậm chí nhiều chương sao cho chỉ còn lại hơn một nửa của nội dung chương trình.
Phải trên cơ sở sách giáo khoa hiện có mà nghiên cứu việc cắt bỏ cho khoa học, theo phương châm “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”.

Việc thứ hai là cắt bỏ bớt các môn học. Hiện nay, bậc THPT có 13 môn học và 4 hoạt động giáo dục (cũng là môn học) là quá nhiều, trong khi đại đa số các nước chỉ có 6 đến 8 môn mà thôi.

Tôi đề nghị bỏ các môn học sau đây: môn công nghệ, môn giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động giáo dục nghề phổ thông, hoạt động giáo dục hướng nghiệp. Có ba môn học cần được học cả 3 năm lớp 10, 11 và 12 là toán, tiếng Việt, ngoại ngữ; còn các môn học khác như hóa học, vật lý, sinh học, tin học, lịch sử, địa lý có thể bố trí dạy hai, ba hoặc bốn học kỳ.
Như vậy, trong học kỳ này đã học hóa thì không học lý, đã học sử thì không học địa. Môn học nào kết thúc thì làm bài thi bộ môn và dùng kết quả thi đó để xét tốt nghiệp.
Theo NLĐ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)