Ngành truyền thông đa phương tiện tại Việt Nam phát triển như thế nào? Ngành quan hệ công chúng đào tạo ra sao? Cơ hội việc làm của ngành thiết kế đồ họa? Không giỏi tiếng Anh học ngành công nghệ thông tin được không?… Đây là những thắc mắc của các em học học sinh trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 14 năm học 2021-2022 diễn ra tại các trường THPT tỉnh Bình Thuận…
TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban CTSV, ĐHQG TP.HCM) tư vấn cho học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai
Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức với hình thức trực tuyến có sự phối hợp của Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận, ĐH Quốc gia TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) cùng sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM.
Chương trình tư vấn thu hút sự tham gia của rất nhiều phụ huynh, học sinh tỉnh Bình Thuận. Đa phần học sinh tỉnh này đều xác định được hướng đi cho bản thân mình nhưng vấn đề mà các em băn khoăn nhất đó là chương trình đào tạo, cơ hội phát triển nghề nghiệp, cơ hội việc làm sau khi ra trường… Trước khó khăn đó, các chuyên gia tư vấn đã lần lượt tháo gỡ cho các em, giúp các em an tâm, tự tin hơn với quyết định của mình.
Em Nghi (lớp 12A5, Trường THPT Hòa Đa) bày tỏ: “Em muốn học ngành truyền thông đa phương tiện, vậy ngành này tại Việt Nam nó phát triển như thế nào? ThS. Nguyễn Thị Phương Dung (Đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết, ngành truyền thông đa phương tiện là việc ứng dụng công nghệ thông tin để sáng tạo, thiết kế, xây dựng những ứng dụng đa phương tiện trong lĩnh vực truyền thông, giải trí, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống. Cụ thể đó là việc viết kịch bản phim, thiết kế đồ họa, biên tập âm thanh, xử lý hình ảnh, sử dụng các kỹ thuật thiết kế và lập trình đồ họa 2D, 3D trên máy tính để thực hiện các sản phẩm truyền thông và giải trí hiện đại. “Hiện nay tại Việt Nam, ngành truyền thông đa phương tiện phát triển rộng lớn, môi trường trải nghiệm đầy thú vị, nhiều cơ hội việc làm bởi cơ quan, doanh nghiệp nào cũng cần người truyền thông để đưa sản phẩm của mình đến với công chúng. Vì vậy, những năm gần đây, ngành này thu hút nhiều sinh viên, ra trường các em đều có nhiều cơ hội để phát triển bản thân. Tuy nhiên, người theo học ngành này phải có thiên hướng nghệ thuật, thích sáng tạo, học hỏi”, ThS. Dung nhấn mạnh.
Chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 14 năm học 2021-2022” diễn ra tại Bình Thuận từ ngày 14-11
Cùng trường với em Nghi, em Ý Như (lớp 12A3) chia sẻ mong muốn học ngành quan hệ công chúng. ThS. Nguyễn Quốc Huy (Đại diện Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) khẳng định, những năm gần đây ngành quan hệ công chúng được nhiều sinh viên lựa chọn để theo học. Ngành này được hiểu là việc thực hiện các công việc, chiến lược cụ thể nhằm thiết lập cầu nối giữa tổ chức, doanh nghiệp với cộng đồng, khách hàng nhằm định hình, khẳng định tên tuổi, thương hiệu sản phẩm hoặc đơn vị trong toàn bộ hoạt động và tiến trình phát triển. Khi học ngành quan hệ công chúng, sinh viên được học các phương pháp: viết bài, truyền thông, tổ chức sự kiện, quảng cáo… tiếp cận khách hàng, xây dựng và duy trì mối quan hệ trong giai đoạn phát triển. Để có cơ hội phát triển hơn, người theo đuổi ngành này phải có vốn ngoại ngữ. Sau khi tốt nghiệp, người học quan hệ công chúng có thể làm việc tại các công ty tổ chức sự kiện, quảng cáo, làm biên tập viên, phát thanh viên, dựng, quay cho các đài truyền hình; làm các cơ quan sở, ban, ngành hoặc giảng dạy, nghiên cứu tùy năng lực có thể lựa chọn.
Trước quan tâm của của nhiều học sinh, Trường THPT Bắc Bình về cơ hội việc làm của ngành thiết kế đồ họa, ThS. Võ Ngọc Nhơn (đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) thông tin, với sự phát triển nhanh chóng của truyền thông và quảng cáo tại Việt Nam, thiết kế đồ họa đang trở thành một trong những ngành hấp dẫn giới trẻ, nhất là với những ai đam mê sáng tạo và thích làm việc trong môi trường năng động. Học ngành này, sinh viên được đào tạo về mỹ thuật, hội họa, các phương pháp vẽ, công nghệ vẽ… Sau khi tốt nghiệp, các người học có thể làm chuyên gia thiết kế cho các công ty truyền thông, quảng cáo; làm việc tại các công ty in ấn, thiết kế; công tác tại các đài truyền hình. Bên cạnh đó, các em còn có thể tham gia giảng dạy. “Có rất nhiều cơ hội cho ngành thiết kế đồ họa. Tùy mong muốn của bản thân, học sinh có thể tìm hiểu và theo đuổi”, ThS. Nhơn nhắn nhủ
ThS. Nguyễn Thị Phương Dung (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) tư vấn cho học sinh Trường THPT Hòa Đa và ThS. Nguyễn Quốc Huy (Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) tư vấn cho học sinh Bình Thuận
Trong khi đó một số học sinh Trường THPT Bắc Bình cũng băn khoăn: “Không giỏi tiếng Anh có học ngành công nghệ thông tin được không?”. ThS. Võ Minh Tiến (Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM) khẳng định, ngành công nghệ thông tin đòi hỏi người học phải giỏi toán và môn tiếng Anh. Tuy nhiên nếu học sinh nào chưa giỏi tiếng Anh thì khi vào Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM sẽ được đào tạo, khi nào đạt chuẩn tiếng Anh theo yêu cầu mới chuyển sang học chuyên ngành. Do đó, những học sinh học chưa giỏi tiếng Anh muốn học công nghệ thông tin vẫn có cơ hội.
Tư vấn cho học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban CTSV, ĐHQG TP.HCM) cho biết, tại Việt Nam hiện nay có khoảng 800 nghề nghiệp nằm trong danh mục với khoảng 400 trường ĐH, 600 trường CĐ. Phần lớn các trường hiện nay đều tự chủ tài chính nên học phí sẽ có sự dao động. Do đó trước khi cho ngành, chọn nghề, chọn trường học sinh cần tìm hiểu kỹ để con đường học tập diễn ra được thuận lợi.
Học sinh tỉnh Bình Thuận tham gia chương trình tư vấn bằng hình thức trực tuyến
Trong chương trình tư vấn diễn ra tại Trường THPT Hàm Thuận Bắc, Trường THPT Bùi Thị Xuân, nhiều học sinh cũng quan tâm và đặt câu hỏi cho các ngành nghề: báo chí, truyền thông; tổ chức sự kiện; ngôn ngữ Anh; ngôn ngữ Trung, marketing, kế toán… tất cả đều được ban tư vấn giải đáp cụ thể giúp học sinh thỏa mãn nhu cầu về việc chọn lựa ngành nghề, trường học, bậc học.
H.Trinh
Bình luận (0)