Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo dục TP.HCM: Chuyển biến mạnh mẽ

Tạp Chí Giáo Dục

Lãnh đạo thành phố, Sở GD-ĐT chúc mừng đội ngũ học sinh giỏiKết quả bầu chọn đơn vị xuất sắc cụm các thành phố lớn, TP.HCM xếp hạng I và được Thủ tướng tặng bằng khen vì đạt nhiều thành tích cao về giáo dục và đào tạo trong năm học 2007-2008. Năm học 2008-2009, một năm học với nhiều thách thức, đòi hỏi ngành GD-ĐT không chỉ phát huy những thuận lợi đã có mà còn tập trung sáng tạo hơn nữa để đưa con thuyền giáo dục TP.HCM xứng tầm so với cả nước.

Tăng học sinh và trường đạt chuẩn quốc gia

Năm học 2007-2008, bậc mầm non, về phía nhà trẻ có 637 trường, tăng 39 trường và 815 nhóm lớp mầm non tư thục, tăng 43 nhóm lớp. Số cháu đến nhà trẻ 44.511, so với cùng kỳ tăng 623 cháu. Trong đó, số cháu học trường công lập là 21.355 và học trường ngoài công lập 23.156, đạt tỉ lệ 99,53%. Về phía mẫu giáo, số học sinh (HS) học trường công lập là 126.590 và tư thục là 84.812 HS. Riêng HS mẫu giáo 5 tuổi là 73.019 em, tăng 6.552 em đạt tỉ lệ 98%. Có thêm 6 trường đạt chuẩn Quốc gia nâng số trường đạt chuẩn lên 54 của 23/24 quận, huyện. Ngành xây dựng và triển khai nhân rộng mô hình “chăm sóc nuôi dưỡng tốt” thay thế cho mô hình “phòng chống suy dinh dưỡng”. Chú ý giải pháp tăng cường cho trẻ vận động. Nhiều trường trang bị bổ sung sân chơi, sân tập thể dục cho HS nhằm giúp trẻ phát triển cơ bắp. Tiếp tục phát huy và củng cố giáo dục lễ giáo; làm quen với văn học, toán học và chữ viết thông qua các chuyên đề; tổ chức nhiều hoạt động có chủ đề về an toàn giao thông, góc khoa học cho bé… Bậc tiểu học, có 27 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 5 trường đạt chuẩn mức 2. Đến nay đã có 435/470 trường dạy hai buổi/ngày. Nhiều trường được đầu tư thiết bị hiện đại, trong đó các quận: 10, Phú Nhuận và Tân Phú trang bị 100% cho các trường máy tính, máy tính xách tay, máy trình chiếu, máy chiếu đa vật thể. Đội ngũ giáo viên tiểu học, 100% đạt chuẩn 12+2 trở lên, trong đó 18 người đạt trên đại học, 4.966 đạt trình độ đại học và 4.824 đạt trình độ cao đẳng. Tỉ lệ HS bỏ học là 0,07%, hầu hết rơi vào diện tạm trú.

Tăng cường tin học và ngoại ngữ

Năm học 2007-2008, thành phố có thêm 5 trường THCS và 8 trường THPT nâng tổng số trường 235 THCS và 130 THPT, trong đó có 76 trường THCS và 20 trường THPT thực hiện dạy và học 2 buổi/ngày. So với yêu cầu còn chậm do tiến độ xây trường quá ì ạch. Có 3 trường THCS đạt chuẩn quốc gia nâng tổng số trường đạt là 1 trường THPT và 11 trường THCS. Đến nay đã có 165/235 trường THCS được trang bị phòng máy tính và 100% các trường THPT có một đến hai hoặc ba phòng máy tính có kết nối internet. Ngoài ra, các trường THPT đều có đủ các phòng thực hành thí nghiệm, phòng Lab. Một số trường đầu tư xây dựng phòng bộ môn với trang thiết bị hiện đại. Có trường xây dựng thư viện điện tử.

Tất cả học sinh lớp 10 được học bộ môn tin học theo chương trình THPT phân ban và 4.305 với 127 lớp tự chọn môn tin học và 5.111 HS THPT với 119 lớp tăng cường tin học. Ngoại ngữ có tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật và tiếng Trung, trong đó 100% HS THCS và THPT được học tiếng Anh và 3 trường THPT, 6 trường THCS có lớp tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp, 6 trường THPT tổ chức giảng dạy ngoại ngữ 2 là tiếng Pháp; tiếng Nhật tổ chức thí điểm ở 2 trường THCS và tổ chức giảng dạy tiếng Trung tại 2 trường THCS và 2 trường THPT. Kết quả giáo dục của bậc học, tỉ lệ HS đạt học lực khá giỏi của THCS đạt 66,57% và tỉ lệ bỏ học 1,03%; tỉ lệ HS đạt học lực khá giỏi 43,93% và tỉ lệ bỏ học là 1,99%. Về phổ cập giáo dục, năm 2002 hoàn thành phổ cập THCS. Còn phổ cập trung học, đến nay có 14/24 quận huyện (275/322 phường xã) đạt chuẩn phổ cập theo tiêu chuẩn của thành phố. Hầu hết đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đều đạt chuẩn hay trên chuẩn và 100% giáo viên dự các lớp bồi dưỡng thay SGK lớp 10 (kể cả giáo viên khối 11 và 12). Đồng thời giáo viên còn tham gia bồi dưỡng thường xuyên chu kỳ 3. 12.000 giáo viên hoàn thành chương trình tập huấn tin học các khóa học do Intel và Microsoft phối hợp tổ chức. 80% giáo viên có trình độ A tin học và đến cuối năm 2008, sẽ phổ cập tin học cho 100% giáo viên.

Mở rộng quy mô, tăng cường CSVC

Hiện nay, TP.HCM có 30 trường TCCN và 7 cơ sở đào tạo TCCN, trong đó có 5 trường mới thành lập. Năm 2007 có 27.862 HS, so với năm trước tăng 3.126 HS theo học các hệ chính quy trong các trường TCCN và số lượng HS đang theo học tại các trường TCCN là 41.374 HS, tăng 4.368 HS so với năm trước. Tổ chức cho giáo viên đi học tập ở nước ngoài, tổ chức mạng lưới chuyên với 7 ngành đào tạo. Đội ngũ giáo viên TCCN có 39/1.753 trình độ tiến sĩ, 254/1753 trình độ thạc sĩ, 1.279/1.753 trình độ đại học số còn lại trình độ cao đẳng. Nhiều trường TCCN mở rộng việc liên kết và hợp tác đào tạo với các doanh nghiệp hay với ban quản lý các khu công nghiệp. Tính đến nay, thành phố có 29 giáo dục thường xuyên, 19 phân hiệu bổ túc văn hóa, 470 trung tâm ngoại ngữ, tin học và bồi dưỡng văn hóa, 82 trung tâm học tập cộng đồng với 39.162 học viên bổ túc văn hóa, 130.797 lượt người học ở trung tâm học tập cộng đồng và 1.116.800 lượt người học ở trung tâm ngoại ngữ – tin học. Năm học 2007-2008, số người đang theo học xóa mù chữ là 4.155 người, học bổ túc tiểu học là 3.208 người và 100% phường xã đạt chuẩn xóa mù chữ. Tỉ lệ xếp loại học lực khá giỏi của học viên bổ túc THCS là 32% và bổ túc THPT là 12%. Tỉ lệ bỏ học cao (15%), do học viên dành nhiều thời gian cho công việc, không theo kịp. Tổ chức sinh hoạt chuyên môn như trường THPT như: dự giờ, thao giảng, tổ chức chuyên đề bộ môn, tổ chức hội thi, hội giảng cụm … nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ giáo viên. Hội thi Giáo viên giỏi có 68 giáo viên dự vòng 2 với 8 môn và 28 giáo viên đạt giải cấp thành phố. Tổ chức thi chứng chỉ A, B, C và chứng chỉ của Đại học Cambridge.

Năm học qua, ngành đã gặt hái nhiều thành tích. Tuy nhiên, trong đào tạo, một số bộ môn như: toán, lý, hóa thành tích trong các kỳ thi HS giỏi quốc gia hay quốc tế, HS của TP.HCM đạt rất ít giải, trong khi các bộ môn như tiếng Anh, tiếng Pháp, Tin học thì đạt nhiều giải cao. Điều đó, cho thấy còn bất cập trong việc đầu tư đồng bộ. Như lời của bà Nguyễn Thị Thu Hà: “Trong buổi lễ tuyên dương khen thưởng, tôi nhận thấy HS TP.HCM chỉ đoạt giải cao các môn ngoại ngữ và tin học còn các môn khoa học tự nhiên thì đoạt giải rất thấp?”.

T.Q

Bình luận (0)