Khi chọn đúng nghề, có năng lực làm việc và luôn chiếm vị trí quan trọng trong thị trường lao động thì các em sẽ cảm thấy vô cùng “hạnh phúc”. Đó là chia sẻ của các chuyên gia trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 14 năm học 2021-2022 diễn ra tại nhiều trường trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp như: THPT Lai Vung 1, THPT Lai Vung 2, THPT Nguyễn Du, THPT Thành phố Sa Đéc…
TS. Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM tư vấn cho học sinh tỉnh Đồng Tháp
TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị tri thức) giải đáp thắc mắc cho học sinh Đồng Tháp
Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức với hình thức trực tuyến có sự phối hợp của Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, ĐH Quốc gia TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) cùng sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM.
Năm cuối cấp, nhiều học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đối mặt với nhiều nỗi lo về kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như cách lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân, năng lực, thị trường lao động. Một phần học sinh tỉnh này là con của người lao động, nông dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, không có nhiều điều kiện để cập nhật tin tức nhanh chóng, kịp thời. Hơn nữa, trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh Đồng Tháp cũng căng thẳng, các em không thể đến trường học trực tiếp nên công tác hướng nghiệp cho các em cũng bị hạn chế. Chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” đến với các em đúng thời điểm, các chuyên gia giàu kinh nghiệm đã tư vấn “hết ruột gan” với thái độ nhã nhặn, vui vẻ, luôn xem các em như bạn đã tạo nên những buổi trao đổi đáng nhớ trong lòng các em học sinh. Qua đó các em cảm thấy an tâm, mạnh dạn hơn khi chia sẻ khó khăn với ban tư vấn.
Điển hình như chương trình tư vấn tại Trường THPT Lai Vung 2, em Dương Văn Nhớ (lớp 12A6) mạnh dạn bày tỏ mong muốn học ngành bảo vệ thực vật và rất cần chuyên gia nói thêm về ngành này. TS. Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM cho biết, bảo vệ thực vật là một trong những ngành nghề thuộc nhóm ngành nông nghiệp. Sinh viên học ngành này sẽ được đào tạo kiến thức, kỹ năng nghiên cứu, phòng trừ các tác nhân gây hại tài nguyên thực vật, để bảo vệ cây trồng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, người học còn được cập nhật kiến thức về tổ chức, quản lý dịch bệnh, xây dựng kế hoạch, dự án, nắm vững phương pháp nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu ứng dụng,… góp phần phát triển nền nông nghiệp nước nhà. Do phải thường xuyên tiếp xúc với các loại thuốc liên quan đến bảo vệ thực vật nên đòi hỏi người học phải tỉ mỉ, cẩn thận, có tính nguyên tắc. “Khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng có thế mạnh trong phát triển nông nghiệp. Do đó, việc lựa chọn ngành bảo vệ thực vật là một hướng đi tốt, nhất là đối với những em có mong muốn làm việc tại tỉnh nhà sau khi tốt nghiệp. “Đối với học sinh tỉnh Đồng Tháp, muốn học ngành bảo vệ thực vật có thể học tại Trường ĐH An Giang, ĐH Cần Thơ hoặc học ở Trường ĐH Nông lâm TP.HCM…”, bà Mai gợi ý.
Học sinh tỉnh Đồng Tháp tương tác trực tuyến với ban tư vấn
Trước nhiều thông tin về ngành nghề, một số học sinh tỉnh Đồng Tháp lo lắng không biết nên chọn ngành nào để có công việc tốt. ThS. Nguyễn Vũ Hoàng, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM khẳng định: “Cơ hội việc làm phụ thuộc vào năng lực. Người học hành chăm chỉ, có đủ kiến thức, kỹ năng sẽ được doanh nghiệp trọng dụng, xem xét cho nắm vị trí tốt, thu nhập hấp dẫn. Điều đó, cho thấy cơ hội việc làm tốt hay không tốt không phụ thuộc vào ngành nghề đã chọn mà phụ thuộc chủ yếu vào bản thân. Do đó, các em cần phải biết phấn đấu, vươn lên để có được công việc tốt”.
Là một chuyên gia tư vấn tràn đầy kinh nghiệm, TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị tri thức) khi lựa chọn ngành nghề, các em học sinh không nên chọn theo ngành “hot”, thu nhập cao.
TS. Tùng lý giải: “Có thể lúc lựa chọn, ngành đó “hot”, lương cao. Đến khi học ra trường, tầm 4-5 năm nữa ngành đó có còn “hot” nữa hay không thì không ai biết trước được. Chính vì vậy, việc chọn ngành phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng nhất là chọn theo năng lực. “Các em chọn đúng ngành nghề, có năng lực để làm việc, luôn chiếm vị trí quan trọng trong thị trường lao động, được cơ quan, doanh nghiệp săn đón thì các em sẽ cảm thấy rất “hạnh phúc”. Khi hạnh phúc thì kéo theo đam mê và yêu nghề”, TS. Tùng chia sẻ.
Chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” luôn đồng hành cùng học sinh THPT trên cả nước
Lý giải thông tin ngành công nghệ ô tô đang “hot” tại Việt Nam cho nhiều học sinh, ThS. Nguyễn Vũ Hoàng cho rằng, ngày nay, nền kinh tế nước nhà đang ngày càng phát triển, nhu cầu đời sống càng ngày càng tăng cao và ô tô đang dần trở thành phương tiện đi lại của mọi người. Do đó nhu cầu nguồn nhân lực của ngành công nghệ ô tô luôn ở mức cao. Thậm chí, các thương hiệu ô tô hàng đầu như: Toyota, Honda, Audi… tại Việt Nam thường xuyên tuyển dụng nhưng cung không đủ cầu. Và hẳn nhiên, không thể không nhắc đến “cơn bão” mang tên VinFast – thương hiệu ô tô “made in Vietnam” với nhiều tín hiệu tích cực. “Ngành công nghệ ô tô có nhiều đầu công việc sau khi ra trường như: chăm sóc khách hàng, kiểm định chất lượng ô tô, phát triển sản phẩm, mở cửa hàng ô tô… Vì thế, ngành công nghệ ô tô không chỉ được nam mà nữ cũng chọn theo học với nhiều ưu đãi hấp dẫn”, ThS Hoàng thông tin.
Hồ Trinh
Bình luận (0)