Trong chương trình tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển ĐH, CĐ “Cùng bạn định hướng tương lai” năm học 2021-2022 diễn ra tại tỉnh Tây Ninh vừa qua, các chuyên gia không chỉ bật mí cho học sinh bí quyết chọn ngành, cách chọn phương thức xét tuyển phù hợp mà còn giúp các em giữ vững tâm lý mùa thi.
Ban Tư vấn đợt 1
Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh cùng Đài phát thanh và Truyền hình Tây Ninh thực hiện, phát sóng trực tiếp trên Đài phát thanh và Truyền hình Tây Ninh đồng thời live stream trên Fanpage Youtube “Kênh Tuyển Sinh Hướng Nghiệp”. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF) và Trường ĐH Gia Định là những đơn vị đồng hành cùng chương trình.
Ban Tư vấn đợt 2
Không có nghề “hot”, chỉ có con người “hot”
Theo ThS. Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM), việc trúng tuyển vào các trường ĐH hiện nay không khó, cái khó là lựa chọn ngành học sao cho phù hợp.
ThS. Phạm Doãn Nguyên
ThS. Nguyên cho rằng, để chọn ngành học phù hợp học sinh phải đánh giá được bản thân, xác định phẩm chất năng lực cá nhân thông qua các công cụ, sự tham chiếu, các hoạt động thực tiễn của bản thân, thế mạnh của gia đình… Bên cạnh đó, học sinh phải tìm hiểu kỹ về ngành nghề vì mỗi ngành nghề yêu cầu tố chất khác nhau cũng như những khoảng lặng và hào quan của nghề. Ngoài ra, trước khi chọn nghề học sinh cũng nên tìm hiểu về thị trường lao động để đạt được thành công. Những yếu tố trên chưa đủ, trong quá trình học ĐH, các em cũng phải tự học, tự nghiên cứu để tăng giá trị hành nghề. Nếu đầu tư nghiêm túc trong học tập, có bản lĩnh theo đuổi thì cơ hội thành công rất cao. “Những người giỏi là những người chưa bao giờ thất nghiệp, những người thất nghiệp là những người chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Không có bất cứ ngành nghề nào “hot”, chỉ có con người “hot” trong nghề đó”, ThS. Nguyên khẳng định.
PGS-TS Lê Thanh Tùng
Hiện nay, một trong những ngành có tỉ lệ trội cao khi xét tuyển vào ĐH là các nhóm ngành liên quan đến kinh tế trong khi đầu ra có việc làm không phải ít. Để học sinh biết bản thân có phù hợp với nhóm ngành này, PGS-TS Lê Thanh Tùng (Trưởng khoa kinh tế và quản lý công, Trường ĐH Mở TP.HCM) cho rằng, ngành kinh tế là ngành có sự phù hợp với tất cả mọi người. Dẫn chứng về nhận định này, PGS-TS Tùng cho biết, khoa kinh tế và quản lý công có 2 ngành đào tạo đó là ngành kinh tế và ngành quản lý công. Ngành kinh tế gồm 3 chuyên ngành: kinh tế học, kinh tế quốc tế và kinh tế đầu tư. “Với những người hướng nội khi học kinh tế đầu tư có thể ngồi phân tích số liệu một cách tỉ mỉ, đưa ra xu hướng để đầu tư. Người hướng ngoại có thể sử dụng kỹ năng của mình để tham gia vào các chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu của ngành kinh tế quốc tế. Đó là ví dụ cụ thể tuy nhiên tùy thuộc vào sở thích và triển vọng nghề nghiệp cũng như kỳ vọng của gia đình các em có thể lựa chọn hướng đi riêng cho mình”, PGS-TS Tùng gợi ý.
PGS-TS Trịnh Khánh Sơn
Đối với những ngành liên quan đến công nghệ hóa học, công nghệ thực phẩm, PGS-TS Trịnh Khánh Sơn (Phó Trưởng khoa công nghệ hóa học và thực phẩm, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho biết, những người theo học ngành này đa phần thiên về khối khoa học tự nhiên. Để nghiên cứu được, người học phải có kiến thức về các môn họa học cơ bản như: toán, lý, sinh… đặc biệt là khả năng ngoại ngữ để tham khảo tài liệu nghiên cứu nước ngoài. “Thông thường, đối với các em sinh viên sau năm học thứ 2 là có thể cùng thầy cô làm nghiên cứu khoa học”, PGS-TS Sơn khẳng định.
ThS-Luật sư Trịnh Hữu Chung
Là đơn vị đồng hành cùng chương trình, ThS-Luật sư Trịnh Hữu Chung (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định) cho biết, năm nay chương trình đào tạo của nhà trường có nhiều điểm mới. Thứ nhất về mức học phí phù hợp với sinh viên: Một học kỳ tầm 7,5-12,5 triệu đồng. Thứ hai, năm 2021 Trường ĐH Gia Định đón chào khoảng 253 học sinh tỉnh Tây Ninh vào học, trong đó Trường THPT Trần Đại Nghĩa có 50 học sinh. Đây là điều đáng mừng và nhà trường đã dành mức học bổng từ 10-100% dành cho các em. Thứ ba, nhà trường đào tạo bậc ĐH chỉ trong thời gian 3 năm, tức khi các em ra trường đi làm thì một năm sau các bạn sinh viên trường khác mới tốt nghiệp. Đặc biệt, nhà trường còn đào tạo chương trình dành cho sinh viên tài năng với 5 ngành: công nghệ thông tin, ngôn ngữ anh, maketing, quản trị kinh doanh và ngành quan hệ quốc tế. Đây là những ngành đón đầu thời đại, không thể biến mất trong giai đoạn đất nước phát triển. “Năm nay nhà trường có những phương thức xét tuyển: dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT; dựa vào điểm học bạ; dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM”, ThS-Luật sư Chung thông tin.
“Bí quyết” tránh xung đột khi chọn ngành
Tiến sĩ Tô Nhi A
Trong chương trình tư vấn, chuyên gia tâm lý Tiến sĩ Tô Nhi A cho rằng, dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng đến tâm lý chọn nghề của nhiều học sinh. Việc học được nghề nghiệp, ngành học để định hướng tương lai không chỉ là trăn trở của các em mà còn của các bậc phụ huynh. Có những ngành mới gần đây phụ huynh chưa biết tới trong khi học sinh lại nắm rõ và lựa chọn. Tâm lý của phụ huynh là muốn con chọn ngành theo sự định hướng của mình từ đó dẫn đến bất đồng. “Thay vì nóng vội, ngăn chặn con mình chọn ngành nghề thì phụ huynh có thể tận dụng công nghệ để tìm hiểu về ngành nghề tránh sự xung đột, ảnh hưởng đến tâm lý học sinh”, Tiến sĩ Nhi A khuyên.
ThS. Trần Vũ
Trong các phương thức tuyển sinh: dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT; dựa vào điểm học bạ; tuyển thẳng; kỳ thi riêng của từng trường… thì kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG thu hút nhiều thí sinh lựa chọn trong những năm gần đây. Để giúp học sinh đạt được điểm cao trong kỳ thi này, ThS. Trần Vũ (Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH KHTN, ĐHQG TP.HCM) cho biết, học sinh phải hiểu rằng kỳ thi đánh giá năng lực không phải là kỳ thi sát hạch mà là kỳ thi mang tính chất đánh giá về khả năng nhìn nhận mọi phương diện trong đời sống. Cho nên khi quyết định tham gia kỳ thi này, học sinh phải cố gắng học tập trong suốt những năm ngồi trên ghế nhà trường và giữ tâm thế thật thoải mái để có được tâm lý ổn định phục vụ cho kỳ thi. “Hàng năm, kỳ thi đánh giá năng lực diễn ra 2 đợt: Đợt 1 diễn ra vào khoảng cuối tháng 3 (trước kỳ thi tốt nghiệp THPT); đợt 2 diễn ra vào khoảng tháng 7 (sau kỳ thi tốt nghiệp THPT). Về số câu hỏi trong đề thi có 120 câu với tổng số điểm là 1.200 điểm. Học sinh có quyền tham gia 2 đợt, đợt nào điểm cao có thể dùng điểm đó để xét tuyển ĐH. Đây là cơ hội lớn cho thí sinh vì hiện các trường dùng phương thức xét tuyển này như phương thức chính, uy tín, đặc biệt là những trường thành viên của ĐHQG”, ThS. Trần Vũ thông tin.
Nhi Nhi
Bình luận (0)