Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo dục TP.HCM: “Gồng mình” tiếp nhận học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Phó thủ tướng trò chuyện với học sinh Trường THPT Lê Quý ĐônChiều 6-10, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có buổi làm việc với ngành GD-ĐT TP.HCM để ghi nhận những thành tựu đã đạt được, đồng thời lắng nghe những kiến nghị của ngành GD-ĐT TP.HCM.

Gồng mình

Theo báo cáo của TS. Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT: “Năm học 2008-2009, chỉ riêng bậc THPT, thành phố tiếp nhận 1.975 học sinh chuyển trường từ các tỉnh thành khác”. Như vậy, với số học sinh chuyển trường này, thành phố phải xây thêm một trường THPT mới. Nếu tính đến số học sinh các cấp còn lại, thành phố không biết mỗi năm phải xây thêm bao nhiêu ngôi trường mới? Trong khi tiến độ xây trường chậm hơn rùa bò thì mọi thứ đành … “trăm dâu đổ xuống đầu tằm”. Các ngành liên quan luôn có hàng trăm lý do để lý giải cho việc chậm thực hiện các dự án. Khi dự giờ tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận 10, TP.HCM, Phó thủ tướng – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã thấy rất rõ hiệu quả của việc sĩ số không vượt quá con số 30 em/lớp, ông nói: “Sĩ số 30 em/lớp đã giúp giáo viên không chỉ thuận lợi trong việc quản lý học sinh mà còn theo dõi, giúp đỡ, kèm cặp từng học sinh một”. Lượng học sinh tăng bắt buộc phải bổ sung giáo viên, nhưng với đồng lương èo uột nên khó mời gọi mọi người nói chi đến việc thu hút người tài. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học mới tuyển thêm được 2.879 giáo viên còn thiếu 1.330 giáo viên. Thực tế, có được bao nhiêu người chính thức nhận nhiệm vụ tại đơn vị được phân công hay “một đi không trở lại”. Vòng luẩn quẩn: phòng học chưa có – thiếu giáo viên – sĩ số/lớp “vượt sàn” tất yếu dẫn đến hệ lụy thầy cô gồng mình hứng. Trong khi Đại hội IX Trung ương đề ra phấn đấu đến năm 2010 giảm sĩ số trong lớp và nâng số lượng học sinh học 2 buổi/ngày, với đà xây trường chậm kiểu này và đồng lương chưa cải thiện, e TP.HCM khó thực hiện.

Bộ ghi nhận và chia sẻ

Không thể phủ nhận sự quan tâm và đầu tư hết mình của Thành ủy và chính quyền thành phố. Như lời Giám đốc Huỳnh Công Minh: “Có sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo các cấp thành phố, quận huyện, phường xã và thị trấn đối với ngành GD-ĐT TP.HCM. Nhờ đó cơ sở vật chất trường lớp và trang thiết bị dạy học đạt chuẩn cao so với cả nước”. Bên cạnh đó, không ít cơ sở giáo dục còn nhận được sự đầu tư hỗ trợ của phụ huynh và doanh nghiệp. Nhưng vai trò và sự quan tâm giúp đỡ của Bộ GD-ĐT cũng vô cùng quan trọng. Tại buổi họp, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, bày tỏ quyết tâm của thành phố trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong giai đoạn phát triển và hội nhập. Đồng thời thành phố cũng kiến nghị với lãnh đạo Bộ GD-ĐT một số vấn đề của thành phố nhằm giúp cho thành phố chủ động hơn trong công tác phát triển giáo dục. Phó thủ tướng – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đánh giá: “TP.HCM đã thực hiện tốt việc triển khai nhiệm vụ năm học. Qua thực tế đến thăm và dự giờ, tôi nhận thấy việc đổi mới phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, dạy học theo hướng cá thể đã được các trường triển khai khá đều. Công tác ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp dạy học cũng đã phát huy được hiệu quả tích cực. Bên cạnh đó cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” cùng với chủ đề năm học “Trường học thân thiện – Học sinh tích cực” đã được các trường triển khai một cách hiệu quả và thiết thực”. Phó thủ tướng – Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân ngợi khen chương trình “Sử ca học đường”. Ông cho rằng: “Đây là một sáng kiến rất đáng hoan nghênh. Một hướng đi tốt, đúng với định hướng. Giáo dục Việt Nam phải đào tạo ra con người Việt Nam: yêu truyền thống, lịch sử dân tộc nhưng có kiến thức và kỹ năng quốc tế. Đây là một mô hình giáo dục hay cần tổng kết và nhân rộng”. Việc triển khai công tác ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp quản lý và dạy – học; việc tiếp cận với các chương trình dạy học tiên tiến của Intel, Microsoft… cũng được ông đánh giá tốt. Tuy nhiên, ông lưu ý, TP.HCM cần phải có chỉ tiêu phấn đấu cụ thể để từ nay đến hết năm 2010 có nhiều giáo viên được tiếp cận với các chương trình dạy học tiên tiến hơn và phải quan tâm đến việc dạy đạo đức cho học sinh ngay từ những lớp còn nhỏ.

T.T.Q

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)