Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Giáo dục TP.HCM mang “kho thông tin” hướng nghiệp đến với học sinh tỉnh Vĩnh Long

Tạp Chí Giáo Dục

Tiếp nối thành công tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 14 năm học 2021-2022 tiếp tục đến với học sinh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Hàng ngàn học sinh nơi đây vô cùng vui mừng, phấn khởi vì chương trình đã mang đến “kho thông tin” bổ ích, giúp các em tháo gỡ được những băn khoăn, lo lắng trong việc lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp THPT.


ThS. Lê Dũng tư vấn cho học sinh tỉnh Vĩnh Long

Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức với hình thức trực tuyến có sự phối hợp của Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long, ĐH Quốc gia TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) cùng sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM.

Là tỉnh nằm ở trung tâm châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long, giữa sông Tiền và sông Hậu, Vĩnh Long có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý và khí hậu nên tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn. Trong tương lai, các em học sinh chính là thế hệ được kỳ vọng sẽ làm nên “kỳ tích” đưa địa phương vươn xa hơn nữa, tiến tới con đường hội nhập, phát triển. Chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” đến đúng vào lúc các em cần giúp các em khám phá bản thân, chọn hướng đi đón đầu xu thế.

Trong chương trình tư vấn tại Trường THPT Bình Minh một số học sinh bày tỏ mong muốn học ngành Quản lý đất đai. Để các em nắm rõ thông tin về ngành học này, ông Nguyễn Quốc Cường (chuyên gia hướng nghiệp tuyển sinh) cho biết, đây là ngành học có tiềm năng nếu người học trở về địa phương công tác. Khi học ngành Quản lý đất đai, sinh viên được đào tạo kiến thức cơ bản về các nguyên tắc, quy trình, kế hoạch sử dụng đất, các quy định chính sách của nhà nước về quản lý đất đai cũng như các kiến thức cơ bản nhất về đầu tư, kinh doanh, khả năng đo vẽ, chỉnh lý và thành lập nên các bản đồ trong chuyên ngành quản lý đất đai. Thực hiện đúng quy trình, thủ tục đăng ký đất đai, lập, cập nhật, chỉnh lý và quản lý hồ sơ địa chính… “Ngành học này đòi hỏi người học phải có tư duy, am hiểu nhiều kiến thức về đất đai. Hơn hết, người học cũng cần có phẩm chất đạo đức, văn hóa năng lực chuyên môn để có thể quản lý được đất đai”, ông Cường thông tin.


Ông Nguyễn Quốc Cường

Trước quan tâm của một học sinh về ngành Quản lý xây dựng, ThS. Nguyễn Xuân Luyện (Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho hay, ngành này không đào tạo chuyên sâu về xây dựng, tính toán mà thay vào đó là đào tạo về khả năng quản lý, lập kế hoạch, quản lý dự án, cơ sở hạ tầng, tài chính…. Khi làm việc, các em phải theo sát nhà thầu, công trình, công nhân, kỹ sư, phụ trách mua vật liệu… Lĩnh vực xây dựng của Việt Nam càng ngày phát triển, các công trình xây dựng: nhà cửa, công ty, văn phòng, cao ốc… không ngừng mọc lên. Mỗi công trình đều có ban quản lý dự án học ngành Quản lý xây dựng. “Ngành Quản lý xây dựng được đào tạo khá nhiều ở các trường đại học, các em có thể tham khảo các trường đào tạo có uy tín như: Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, Trường ĐH Thủy lợi, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM… Sinh viên được trang bị các kỹ năng như  kỹ năng ngoại ngữ, các kỹ năng giao tiếp, đàm phán, quản lý thời gian… và chú trọng phát triển các kỹ năng chuyên môn để có thể ứng dụng tốt nhất vào ngành nghề của mình”, ThS. Luyện cho biết.

Tại Trường THPT Hoàng Thái Hiếu, em Dương Thành Kha (lớp 12A2) thắc mắc: “Cho em hỏi cao đẳng và đại học khác thế nào? Ông Nguyễn Quốc Cường cho biết, hiện nay có những bậc học: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, địa học và sau đại học. Trong đó bậc đại học là bậc tương đối cao hơn so với bậc trung, đào tạo sinh viên thiên về lý thuyết, hướng đến nghiên cứu khoa học trong thời gian từ 4 đến 7 năm, tùy ngành học. Bậc cao đẳng học 2,5-3 năm, chú trọng nhiều vào thực hành với 70% thời lượng thực hành. Chẳng hạn: học sinh muốn học ngành công nghệ ô tô để ra trường trở về Vĩnh Long mở cửa hàng ô tô thì có thể học cao đẳng. Nếu các em muốn học công nghệ ô tô để tham gia vào công việc thiết kế, sản xuất ô tô… thì phải học đại học để được đào tạo chuyên sâu. Hay nếu các em muốn làm các công việc về chăm sóc sắc đẹp, pha chế, đầu bếp… thì có thể học trung cấp. Tùy vào công việc sau này, học sinh có thể chọn ngành học. Các em cũng cần lưu ý, có những công việc phải học đại học mới có thể bước vào thị trường lao động: giáo viên, bác sĩ, luật sư… “Hàng năm tại Đồng bằng sông Cửu Long nhu cầu về bạc đại học chiếm từ 18-21%, bậc cao đẳng chiếm 23%, còn lại là bạc trung cấp, sơ cấp, THPT. Thành công không phải ở chỗ chọn bậc học mà thành công là giá trị mà chúng ta mang lại trong công việc”, công Cường nhấn mạnh.


Học sinh tỉnh Vĩnh  Long tham dự chương trình tư vấn online

Tại Trường THPT Phan Văn Hòa, em Nguyễn Quốc Bằng (lớp12A1) bày tỏ muốn học ngành tổ chức sự kiện. ThS. Lê Dũng (Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho biết, ngành tổ chức sự kiện nằm trong nhóm ngành quản trị kinh doanh kết hợp với truyền thông, quan hệ công chúng, marketing… Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngày nay có nhu cầu rất cao trong việc quảng bá thương hiệu, sản phẩm nên nghề này đang rất phát triển. Học ngành này sinh viên được đào tạo từ xây dựng kịch bản đến vốn sống vốn văn hóa… “Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM được biết đến là trường đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế với chương trình đào tạo song ngữ. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên được tăng cường đào tạo ngoại ngữ, các kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết… Đặc biệt, người học được trải nghiệm môi trường học tập chuyên nghiệp, mang tính thực tế cao, phát huy tối đa thế mạnh và khả năng của bản thân trong lĩnh vực mới mẻ và đầy triển vọng này. Tốt nghiệp ngành tổ chức sự kiện làm nhiều lĩnh vực, từ truyền thông báo chí đến phòng tổ chức sự kiện tại các công ty, cơ quan, doanh nghiệp…”, ThS. Dũng cho hay.

H. Trinh

Bình luận (0)