Lần thứ ba thực hiện kỳ thi tốt nghiệp theo chủ trương “nói không với tiêu cực trong thi cử”, TP.HCM đạt tỷ lệ tốt nghiệp THPT 94,71%, xếp hạng 4/63 tỉnh thành trong cả nước. Hai năm trước là 95,4% (2007), xếp hạng nhất; và 93,4% (2008), xếp hạng nhì. Tưởng cũng nên nhắc lại, trước khi có cuộc vận động “hai không” tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh THPT thành phố cũng xấp xỉ 93-97%.
Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP cùng nhiều cán bộ quản lý có kinh nghiệm đều cho rằng chất lượng giáo dục nói chung hay chất lượng dạy học của thành phố từ trước tới nay là khá ổn định. Điều này có ý nghĩa là từ trước đến nay hoạt động giáo dục nói chung, dạy học nói riêng của TP.HCM luôn coi trọng thực chất, không chạy theo hình thức, phô trương thành tích. Điều đó càng đáng trân trọng vì có không ít tỉnh thành, tỷ lệ tốt nghiệp trước và sau “hai không”, hoặc ngay trong ba năm thực hiện “hai không” tỷ lệ tốt nghiệp cao thấp bất thường, chênh nhau rất xa.
Không phải ngẫu nhiên hay may mắn trong nhiều năm mà tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh phổ thông thành phố luôn ổn định ở mức cao như vậy. Nhìn lại quá trình tác động của ngành giáo dục và của các lực lượng xã hội của thành phố mới thấy kết quả như vậy là tất yếu. Thành phố luôn đầu tư ngân sách cho giáo dục ở mức cao nhất nước, huy động các nguồn lực thực hiện xã hội hóa giáo dục cũng ở mức cao nhất nước; cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học tuy còn thiếu so với yêu cầu hội nhập, hiện đại hóa nhà trường nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với hầu hết tỉnh thành khác; ngành luôn đề cao cải tiến công tác quản lý và đổi mới phương pháp dạy học; TP.HCM cũng là nơi có nhiều hoạt động phong trào có tính tự nguyện nhằm hỗ trợ các giải pháp thực hiện tốt nhất mục tiêu giáo dục toàn diện. Đó là các giải thưởng, các cuộc thi nhắm vào việc khuyến khích thầy cô giáo và học sinh cải tiến, sáng tạo; ôn tập, rèn luyện kiến thức, kỹ năng… như Giải thưởng Võ Trường Toản; Giải Trần Đại Nghĩa, Lê Quý Đôn, Văn hay Chữ tốt; Giải bóng đá THPT toàn thành mở rộng; giải thưởng Ngọn nến Sáng tạo; cuộc thi Giải quyết tình huống giáo dục…
Đạt được kết quả khả quan so với tình hình chung cả nước, nhưng giáo dục đào tạo thành phố cũng đã và sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là trước yêu cầu hiện đại hóa nhà trường một cách toàn diện – từ cơ sở vật chất, đội ngũ đến công tác quản lý – để hội nhập ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia…
Để giáo dục thành phố có thể hội nhập với giáo dục khu vực và các nước phát triển khác trên thế giới, chắc chắn đảng bộ, chính quyền thành phố, ngành và các lực lượng xã hội còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới. Một kế hoạch dài và trung hạn đến 2020, đến 2015 có tính khả thi là rất cần thiết trong thời điểm bước vào năm học mới sắp tới. Một kế hoạch như vậy cần được xây dựng trên cơ sở khoa học, về điều tra và dự báo, trên cơ sở định hướng chiến lược, quan điểm chỉ đạo đã được xác lập trong Thông báo 242 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII trong tình hình mới. Có như vậy giáo dục TP.HCM mới phát triển mạnh, bền vững, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhuận Đức
Bình luận (0)