Từ năm học 2020-2021, nội dung GD trải nghiệm, GD lịch sử địa phương sẽ được đưa vào giảng dạy bắt buộc cho HS lớp 1. Dù vậy, thời điểm này các trường tiểu học vẫn đang dè dặt và lúng túng khi triển khai nội dung này.
HS lớp 1 Trường Tiểu học An Hội, Q.Gò Vấp năm học 2020-2021
Bài toán kinh phí
Trong Chương trình GDPT hiện hành, nội dung GD văn hóa, lịch sử địa phương cho HS tiểu học thường được chú trọng triển khai ở các khối lớp lớn như 4, 5, được tích hợp vào một số môn học thông qua hình thức GD trải nghiệm như tham quan khu di tích lịch sử, thăm mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn quận, huyện và rộng hơn là trải nghiệm tại những địa điểm văn hóa, lịch sử trong TP. Với các khối lớp nhỏ hơn, hoạt động này thường được lồng ghép trong các tiết sinh hoạt dưới cờ theo chủ đề của tháng… Vì vậy, khi hoạt động trải nghiệm cùng nội dung GD lịch sử địa phương trở thành một môn học chính khóa cho HS lớp 1 Chương trình GDPT 2018 năm học 2020-2021, nhiều trường tiểu học bày tỏ sự lúng túng trong triển khai.
Năm học này, Trường TH An Hội (Q.Gò Vấp) có 13 lớp 1 với sĩ số trung bình 46-48 HS/lớp, cũng có lớp là 52 em. Cô Phan Thúy Trang – Hiệu trưởng nhà trường – cho hay, căn cứ theo chương trình, giáo viên sẽ đưa ra kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm, GD lịch sử địa phương như thế nào để phù hợp nhất với đối tượng HS trong lớp, điều kiện nhà trường.
“Trên tinh thần các nội dung GD phải vừa sức với HS lớp 1, vừa có sự đổi mới thường xuyên để tạo được hứng thú cho các em khi tham gia. Do đó, điều khó khăn nhất để triển khai một cách đa dạng các hoạt động trải nghiệm mang tính GD cho HS lớp 1 vẫn là vấn đề kinh phí thực hiện. Ngoài ra, sĩ số HS/lớp quá đông cũng phần nào tác động đến hình thức tổ chức nội dung GD này, nhà trường, giáo viên cũng phải tính toán đến việc làm sao mọi HS đều có thể trải nghiệm được…”, cô Trang bày tỏ.
Bài toán kinh phí cũng là trăn trở chung của nhiều đơn vị GD tiểu học khi triển khai nội dung GD trải nghiệm, GD lịch sử địa phương cho HS lớp 1 trong năm học này.
Nhìn từ khó khăn của đơn vị mình, thầy Lê Ngọc Phong – Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Thái Bình (Q.4) – phân tích, khi GD lịch sử địa phương của Q.4, của TP.HCM cho HS lớp 1 thì không thể nào thầy trò cứ mãi ngồi trong lớp học để nói về Bến Nhà Rồng, về Dinh Độc Lập, về chợ Bến Thành hay Địa đạo Củ Chi mà phải kết hợp giữa nội dung giảng dạy trên lớp với việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài giờ chính khóa, có như vậy mới phù hợp và thỏa mãn hết được yêu cầu, mục tiêu của chương trình mới.
“Kinh phí thuê xe cho HS đi lại không phải đơn vị nào cũng sẽ có điều kiện. Hơn nữa, nếu trường tự tổ chức đi là không được mà phải hợp đồng với công ty du lịch thì quận mới duyệt cho đi. Nhưng nếu trường chỉ đi một vài lớp thì công ty du lịch lại thường từ chối tổ chức vì họ không có lãi”, thầy Phong nêu vấn đề.
Ngay cả khi nhà trường “mang lịch sử, văn hóa địa phương” về sân trường cho HS lớp 1 trải nghiệm sẽ bớt đi chi phí về chuyến đi nhưng thầy Phong cho biết, cũng vẫn đòi hỏi về kinh phí tổ chức.
Cần sự phối hợp của địa phương
Theo nhìn nhận của nhiều nhà quản lý, với đối tượng HS lớp 1, nội dung GD lịch sử địa phương cũng không nên yêu cầu quá khó mà chỉ cần lồng ghép nhẹ nhàng giúp trẻ nhận biết những cơ sở ban đầu, cơ bản về lịch sử địa phương, TP chứ không đặt nặng đi vào tìm hiểu yếu tố lịch sử, sự kiện, nhân vật.
“Nội dung có thể chỉ đơn giản là giới thiệu hình ảnh, địa điểm lịch sử nổi bật của quận, huyện, của TP. Điều cần thiết khi GD lịch sử địa phương cho HS lớp 1 là thông qua hình ảnh trực quan, sinh động, phim ảnh để các em thấy hứng thú, dễ hiểu, nếu qua các hoạt động trải nghiệm thực tế thì càng tốt”, cô Nguyễn Thị Cúc – Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.2 chia sẻ.
Ở hoạt động trải nghiệm thực tế địa phương, cô Cúc cho rằng: “Nếu như trước đây, việc GD trải nghiệm này là không bắt buộc, tùy theo từng điều kiện của nhà trường mà HS được trải nghiệm thêm những nội dung khác nhau; thì hiện nay, với Chương trình GDPT mới, nội dung GD lịch sử địa phương là nội dung yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng cho HS lớp 1. Như vậy để các trường có thể thực hiện tốt được nội dung này, từng địa phương phải ngồi lại, liệt kê ra các di tích lịch sử văn hóa của địa phương mình và phải hỗ trợ các nhà trường trong việc tổ chức nội dung GD sao cho phong phú, hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi HS tại chính những địa điểm này, giúp các em cảm thấy tự hào về nơi mình sinh sống…”.
Đại diện một trường tiểu học tại Q.3 nêu quan điểm, việc tổ chức hoạt động GD trải nghiệm đúng nghĩa là một hoạt động GD cho HS lớp 1, chứ không phải là đi tham quan cho có. Mỗi hoạt động phải có sự chuẩn bị về nội dung, thảo luận, ghi chép, báo cáo và phải cho HS tham gia. Tùy từng hoạt động, các bước này có thể sẽ khác nhau. Giáo viên cần phải được hướng dẫn sâu hơn nữa với cách thức tổ chức này.
Theo Chương trình GDPT 2018, quy định hoạt động trải nghiệm, GD văn hóa lịch sử địa phương có thời lượng 3 tiết/tuần. Tuy nhiên, việc quyết định đưa nội dung GD lịch sử địa phương giảng dạy như thế nào, thời lượng dao động ra sao, tích hợp trong từng môn học lại là “quyền” của mỗi giáo viên, miễn sao phù hợp với đặc trưng và nội dung của môn học. Vì vậy, để nội dung GD này không có sự “lệch pha” ngay trong mỗi nhà trường thì từng nhà trường cũng cần phải ngồi lại với nhau, tính toán đưa đến thống nhất.
Nhằm hỗ trợ các trường thực hiện nội dung GD trải nghiệm, GD lịch sử địa phương cho HS lớp 1 năm học 2020-2021, trong tháng 9 này Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ ban hành tài liệu hướng dẫn cụ thể…
Bài, ảnh: Đỗ Lan
Bình luận (0)