Đối với trẻ, những hoạt động trải nghiệm thú vị, bổ ích luôn giúp các em hình thành và phát triển các giá trị và kỹ năng sống phù hợp.
Phụ huynh nên giáo dục trẻ qua các hoạt động trải nghiệm bổ ích (ảnh minh họa). Ảnh: I.T |
Được trải nghiệm cuộc đời cũng là cơ hội để các em ý thức được tầm quan trọng của việc học tập và quyết tâm nỗ lực cố gắng hơn nữa trong các lĩnh vực hoạt động của bản thân. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo như một trò chơi khám phá thế giới bất tận, càng đào sâu càng say mê hơn. Vì thế, trong quá trình giáo dục trẻ, cha mẹ cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để thiết kế cho trẻ các chương trình giáo dục trải nghiệm vừa sáng tạo vừa hiệu quả.
Trải nghiệm nấu nướng chế biến các món ăn ngay trong chính gia đình mình. Không một đứa trẻ nào lại không thích thú khi tham gia thử sức sáng tạo ra các món ăn với cha mẹ mình. Thỉnh thoảng cho trẻ cảm nghiệm điều thú vị với việc nấu ăn bằng rơm rạ ở đồng quê, hay nướng thức ăn bằng than hồng tí tách. Khi trẻ được thưởng thức món ăn bằng các phương pháp chế biến khác nhau trẻ sẽ sáng tạo ra cách nấu nướng của riêng mình. Các bậc cha mẹ hãy khuyến khích con thể nghiệm sự sáng tạo ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu chế biến. Hãy đưa ra cho trẻ nhiều cơ hội lựa chọn và phân tích cho trẻ hiểu thế mạnh của mỗi cách lựa chọn để trẻ được quyết định. Không ở đâu như trong thế giới ẩm thực, trẻ sẽ được thỏa mình trải nghiệm sự sáng tạo không ngừng.
Trải nghiệm với thiên nhiên như làm vườn, chăm sóc cây. Trẻ sẽ rất sung sướng và phát huy hết trách nhiệm nếu được cha mẹ giao cho chăm sóc một số cây nào đó. Đúng là “trăm nghe không một thấy”, trẻ sẽ học hỏi được nhiều điều thú vị từ trong thế giới tự nhiên qua “mắt thấy tai nghe”. Trẻ cũng sẽ cố gắng tìm hiểu để xem vì sao với cây cối thì có triết lý rằng “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Và thật sự hứng thú khi có sự thi đua chăm sóc cây giữa các thành viên với nhau. Ngoài ra, cha mẹ nên cho trẻ được xem hoặc cùng tham gia những người nông dân chăm sóc các loài cây nông sản, cùng thu hoạch hoa quả và chăn dắt những con vật dân dã của thôn quê. Đó là những bài học thiết thực hình thành ở trẻ lòng yêu lao động, biết trân trọng giá trị của các sản vật và thêm yêu thiên nhiên.
Trải nghiệm với những chuyến tham quan. Bên cạnh đó, bài học trải nghiệm sáng tạo cũng có thể thông qua hoạt động đi tham quan những làng nghề, hay bảo tàng, di tích lịch sử trong những ngày nghĩ cuổi tuần, để trẻ hiểu biết và tự hào hơn về truyền thống hào hùng của cha ông. Không chỉ, cho trẻ bổ túc thêm những kiến thức về xã hội, cha mẹ nên cố gắng cùng con tham gia những chuyến thám hiểm rừng xanh hay đùa vui cùng biển sóng. Qua đó, gia đình sẽ trang bị cho bé những hiểu biết cơ bản về tài nguyên rừng và biển của đất nước. Chắc chắn chúng sẽ hứng thú với việc khám phá về hệ động, thực vật đa dạng và phong phú của rừng và biển. Đề nghị trẻ nghĩ ra những cách giữ gìn nguồn nước biển và bảo vệ lá phổi xanh của đất nước. Hình thành ở trẻ niềm đam mê và xây dựng ý thức tự giác bảo vệ môi trường.
Cuộc đời là những chuyến phiêu lưu, trẻ sẽ trưởng thành thật sự từ những chuyến trải nghiệm đó. Gia đình hãy dành cho con nhiều cơ hội để được trải nghiệm và sáng tạo. |
Cho trẻ trải nghiệm các cung bậc cảm xúc – trẻ sẽ trưởng thành hơn. Tạo mọi điều kiện cho trẻ đến thăm các bạn nhỏ ở trại mồ côi hoặc trường khuyết tật để giúp bé nhận thấy mình là người may mắn và hiểu được giá trị của cuộc sống. Nhất là đối với những bé thường có mặc cảm, tự ti về một khuyết điểm nào đó trên cơ thể mình. Hãy khuyến khích con biết giữ gìn những món đồ chơi, những quyển vở, sách giáo khoa, truyện tranh và áo quần cũ để tặng các bạn nhỏ bất hạnh nhân những chuyến thăm. Những việc làm tuy nhỏ bé này nhưng sẽ hình thành ở trẻ lòng yêu thương con người, biết chia sẻ những gì mình có với những mảnh đời không may mắn. Đề nghị trẻ đưa ra ý tưởng về các cách chăm sóc và chia sẻ những trường hợp bé gặp phải. Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa như gia nhập đội tình nguyện giúp đỡ những gia đình neo đơn và có hoàn cảnh khó khăn, trắc trở.
l Cho trẻ có cơ hội trải nghiệm và kiểm chứng. Một trong những môi trường để trẻ trải nghiệm hiệu quả nhất là các lớp học rèn kỹ năng sống trong những buổi học ngoại khóa hay những dịp hè của trẻ. Khác với những chuyến đi chơi cùng cha mẹ, tham gia các lớp học kỹ năng sống trẻ sẽ luyện được tính tự lập, sự dũng cảm bằng việc tham gia những hoạt động bổ ích như sống và học tập trong môi trường quân đội, trong nhà chùa… Trẻ còn được hình thành những phẩm chất cần thiết như tinh thần tập thể, làm việc theo nhóm – những kỹ năng xã hội cần thiết cho cuộc sống của trẻ sau này. Từ đó giúp trẻ trở nên mạnh mẽ, năng động, tự chủ và tích cực hơn.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý)
Bình luận (0)