Cha mẹ cần đồng cảm với con, sau đó mới giáo dục. Ảnh: N.Trinh
|
Cùng với sự chuyển biến của kinh tế – xã hội, mối quan hệ trong gia đình hiện nay cũng có nhiều thay đổi.
Đa số các bậc cha mẹ cho rằng con cái ngày nay khó dạy hơn trước. Có người gắt gao trong việc giáo dục con nhằm giữ nề nếp gia phong. Nhưng bên cạnh đó, có không ít gia đình do bận kế sinh nhai nên kiểm soát không nổi con mình, phó mặc cho nhà trường và xã hội. Vậy nên dạy con theo kiểu “cấm cung” hay “thả nổi”? Đây là vấn đề của mỗi gia đình hiện nay.
1. Ở TP.HCM, nhiều em ở độ tuổi mới lớn đi đến trung tâm tư vấn tâm lý để nhờ các chuyên gia “gỡ rối” rất nhiều vấn đề mà người lớn phải suy nghĩ. Chẳng hạn, có em thổ lộ: “Không ai nói chuyện với con. Bà giúp việc thì già và lúi húi làm việc cả ngày. Bao giờ con ngủ rồi thì ba mẹ mới về. Ba mẹ dặn bà giúp việc không cho bạn con tới chơi, sợ mất đồ. Họp phụ huynh ba mẹ luôn vắng mặt…”.
Thực tế đây không chỉ là vấn đề của trẻ ở TP.HCM mà còn xuất hiện trong nhiều gia đình hiện nay ở các tỉnh/thành khác. Có gia đình hoàn toàn không quan tâm đến việc giáo dục con cái. Họ nuôi dạy con theo kiểu để trẻ phát triển tự nhiên, cho đó là phương pháp giáo dục hiện đại “như Tây”, đồng thời khoán trắng mọi thứ cho người giúp việc và nhà trường. Cùng đồng hành với cách giáo dục trên là sự nuông chiều thái quá ở các gia đình ít con hoặc khá giả khiến trẻ trở nên ích kỷ, đua đòi. Đối lập với phương pháp “thả cửa” là cách giáo dục gò ép – tương đối phổ biến ở một số gia đình kiểu “gia trưởng”, họ thường bắt con tuân thủ mọi mệnh lệnh do cha mẹ đặt ra (chọn trường, chọn bạn, chọn nghề), bất chấp nguyện vọng con cái. Hệ quả của cách giáo dục này làm cho nhiều trẻ trở nên lầm lì, không hòa đồng với bạn bè, hoàn toàn thụ động trước cuộc sống sau này. Giữa các em với cha mẹ có gần nhau thật nhưng để hiểu nhau hay đồng cảm lại là chuyện khác. Trẻ ít dám thổ lộ chuyện riêng tư. Chính vì vậy, “cấm cung” hay “thả nổi” thì cái nhìn của các em về cha mẹ mình cũng có những khiếm khuyết nhất định.
2. Khi thần tượng của trẻ (cha hoặc mẹ) bị sụp đổ với nhiều lý do: Không tôn trọng các em, cư xử thiếu công bằng, thậm chí lừa dối trẻ… thì một hố sâu sẽ hình thành giữa cha mẹ và con cái. Trẻ tự lấp hố sâu đó bằng cách tự khẳng định mình, cho dù cách đó bị xem là “nổi loạn”: Ăn mặc lố lăng, rượu chè cờ bạc, bỏ đi hoang, tự tử, nghiện hút… Một số gia đình ứng xử với con cái khi chưa nắm vững tâm sinh lý con mình. Tâm sinh lý thay đổi, phát triển theo mỗi lứa tuổi. Nếu ở lứa tuổi nhà trẻ cần phải “học ăn, học nói, học gói, học mở”, cần tình âu yếm hơn la mắng, đánh đập thì ở vào tuổi 15-17 tâm sinh lý các em phát triển và có một vị trí xã hội nhất định. Các em đầy ước mơ, đầy lãng mạn, hăng hái, mạnh dạn, nhiệt tình. Có những bà mẹ luôn mơ ước con mình sau này trở thành diễn viên múa, thế là mặc nhiên ghi danh cho con gái theo học các khóa múa mà chẳng thiết hỏi ý kiến con. Nên tránh thái độ như thế. Cha mẹ nên tìm hiểu những điều mà trẻ thích, đừng nên đòi hỏi, kỳ vọng nhiều quá ở trẻ. Hãy lắng nghe những ước muốn của con, dạy cho chúng bài học kiên nhẫn và hiểu hơn giá trị của lao động. Cách đối xử tốt nhất với trẻ là tử tế và kiên quyết; cùng chia sẻ, cảm thông nhưng trước hết là những người bạn mà trẻ tin cậy. Các ngành chức năng cũng cần thường xuyên tổ chức những buổi liên hoan biểu dương, tôn vinh những gia đình nuôi dạy con tốt, xây dựng hoàn chỉnh những quy định, cơ chế của gia đình trong việc giáo dục con cái; nhanh chóng phục hồi những giá trị đạo đức truyền thống trang bị cho cha mẹ (nhất là gia đình trẻ) kiến thức cơ bản về giáo dục con cái. Tổ chức Đoàn – Đội có thêm hoạt động hướng thiện bồi dưỡng nhân cách cho thanh thiếu niên…
Các bậc phụ huynh muốn giáo dục con phải hiểu tâm sinh lý con. Muốn hiểu trước hết phải tạo điều kiện thân mật, cởi mở thật sự với con, thông cảm, đồng cảm với con rồi mới nói chuyện giáo dục, không nên “thả nổi” cũng không nên “cấm cung”. Giải pháp có rất nhiều nhưng cần có sự hỗ trợ tích cực của gia đình, xã hội, vì một thế hệ tươi xanh cho ngày mai.
Lê Quang Huy
(Giáo viên Trường THCS Trừ Văn Thố, huyện Cai Lậy, Tiền Giang)
Cha mẹ nên tìm hiểu những điều mà con thích, đừng nên đòi hỏi, kỳ vọng nhiều quá ở trẻ. Hãy lắng nghe những ước muốn của con, dạy cho trẻ bài học kiên nhẫn và hiểu hơn giá trị của lao động. |
Bình luận (0)